Nâng cao văn hóa ứng xử trong lực lượng Công an Thủ đô:

Nhiệm vụ trọng tâm, then chốt

ANTĐ - Văn hóa ứng xử của lực lượng Công an Thủ đô là chủ đề hội nghị tọa đàm có ý nghĩa hết sức quan trọng được Ban chủ nhiệm đề tài trọng điểm cấp Bộ: “Văn hóa ứng xử của CAND Việt Nam”, phối hợp với Đảng ủy -  Ban Giám đốc CATP Hà Nội tổ chức chiều qua, 21-11. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”

Hội nghị tọa đàm lấy ý kiến đóng góp của Công an từ cấp phường đến phòng nghiệp vụ CATP, nhằm đánh giá thực trạng văn hóa ứng xử của lực lượng Công an Thủ đô trên các bình diện: giữa những người đồng đội, giữa Công an với người dân, giữa Công an với các loại đối tượng đấu tranh, và Công an với môi trường xã hội. Đồng chí Thượng tướng Bùi Văn Nam - Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có Trung tướng Trần Bá Thiều – Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL Bộ Công an; Thiếu tướng Bùi Quảng Bạ, Phó chủ nhiệm thường trực đề tài: “Văn hóa ứng xử của CAND Việt Nam”; Thiếu tướng Đặng Thái Giáp - Cục trưởng Cục Công tác chính trị Bộ Công an, các đồng chí đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục Bộ Công an; đồng chí  Nguyễn Hoàng Long - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Về phía CATP Hà Nội có Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP, các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP; chỉ huy các phòng nghiệp vụ, Công an quận, huyện, thị xã.  

Làm rõ “nội hàm” của văn hóa ứng xử CAND

         

Phát biểu khai mạc hội nghị tọa đàm, Thượng tướng Bùi Văn Nam nêu rõ, văn hóa ứng xử của CAND Việt Nam vừa có những đặc điểm chung, vừa có những nét đặc thù riêng. Sáu điều Bác Hồ dạy chính là những tiêu chí cơ bản để xây dựng văn hóa ứng xử của CAND Việt Nam.

 Đồng chí Thứ trưởng gợi mở Ban Chủ nhiệm đề tài: “Văn hóa ứng xử của CAND Việt Nam” cùng các đơn vị của CATP Hà Nội tham gia tham luận, đóng góp ý kiến tập trung vào 3 vấn đề. Đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, nâng cao văn hóa ứng xử của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị, địa phương thuộc Công an Hà Nội thời gian qua. Phân tích, làm rõ nội hàm, đánh giá thực trạng văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị; từ đó phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, nhất là các nguyên nhân chủ quan và các yếu tố khách quan tác động đến văn hóa ứng xử của người chiến sỹ trong bối cảnh hiện nay. Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, cần nêu được những vấn đề khó khăn, vướng mắc, để đề xuất với cấp trên và Ban Chủ nhiệm các giải pháp tháo gỡ.

Thay mặt  Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP, Thiếu tướng Lưu Quang Hợi - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP đã báo cáo tóm tắt thực trạng văn hóa ứng xử trong lực lượng Công an Thủ đô. 

Theo Thiếu tướng Lưu Quang Hợi, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng và tác dụng to lớn, thiết thực của văn hóa ứng xử trong lực lượng CAND, Đảng ủy, Ban giám đốc CATP và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã có nhiều biện pháp, chương trình, kế hoạch công tác để chỉ đạo thực hiện trong toàn lực lượng, xác định nâng cao văn hóa ứng xử cho CBCS là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh. Chuyển biến từ nhận thức, tư tưởng thành hành động nên đa số CBCS đã tự rèn luyện, học tập để nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, nếp sống, lối sống văn minh, lịch sự, có văn hóa. Nhận thức và văn hóa ứng xử của CBCS đối với nhân dân, với đồng đội và với các đối tượng đấu tranh đã có sự chuyển biến rõ rệt. Hình ảnh  của người CBCS Công an Thủ đô đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân.

Bên cạnh những ưu điểm và kết quả đã đạt được, những hạn chế cần khắc phục, sửa chữa trong văn hóa ứng xử của Công an Thủ đô nói riêng đã được Đảng ủy - Ban Giám đốc và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thẳng thắn nhìn nhận, từ đó chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất, kiến nghị biện pháp tháo gỡ.

Tại buổi tòa đàm, hơn 10 ý kiến của đại diện các đơn vị CATP, từ phường đến quận, huyện, phòng nghiệp vụ, đặc biệt ý kiến của các đồng chí Trần Bá Thiều, Bùi Quảng Bạ, Đặng Thái Giáp và Nguyễn Hoàng Long đã làm sáng tỏ nội hàm khái niệm “Văn hóa ứng xử CAND”, từ đó tìm ra những cách tiếp cận, đặt vấn đề rất trúng, thiết thực.

Nhiệm vụ trọng tâm, then chốt ảnh 2
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi tọa đàm

Điểm cốt yếu để được dân tin

Nêu rõ nhận thức của Đảng ủy, Ban Giám đốc  và toàn lực lượng Công an Thủ đô đối với ý nghĩa quan trọng của văn hóa ứng xử trong lực lượng CAND. Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP chia sẻ: “Lực lượng Công an Hà Nội nói riêng làm được nhiều việc tốt, nhưng có lúc, có nơi người dân vẫn phàn nàn, chưa hài lòng. Vẫn có những đơn vị, bộ phận để xảy ra mất đoàn kết. Vẫn có những CBCS sai phạm. Cả những sự chậm chễ, thiếu nhiệt tình, chưa thực sự trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư”.

Chọn điểm, chọn những khâu còn nhiều tồn tại để đột phá, để thay đổi, là chủ trương được Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP thống nhất, giao các đơn vị triển khai. Đó là lực lượng CSGT, với việc tập huấn, nâng cao tư thế, lễ tiết tác phong, thái độ ứng xử khi tiếp xúc với người dân; đồng thời nắm vững, thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định công tác, đặc biệt quán triệt những điều không được làm. Đó là lực lượng CSKV, với phương chân “gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ”. Tháng 4-2013, lần đầu tiên CATP tổ chức hội nghị đến toàn lực lượng CSKV, Công an phụ trách xã, CBCS lực lượng QLHC về TTXH, và chỉ huy các đơn vị; xác định rõ chủ trương cũng như yêu cầu đổi mới của Ban Giám đốc đối với công tác CSKV. Thực hiện Thông tư số 12 của Bộ Công an về đăng ký phương tiện, CSKV đến tận nhà người dân để hướng dẫn kê khai, phát tờ khai. Hàng loạt thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian, giảm số lần đi lại cho người dân. “Trong năm 2013, bước đầu CATP đã nhận được nhiều lời khen ngợi của nhân dân, từ những thay đổi hình ảnh và hành động cụ thể, nhất là thái độ ứng xử với công dân”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nhìn nhận.

Phân tích kỹ hơn những chủ trương, biện pháp liên quan đến văn hóa ứng xử CAND, đồng chí Giám đốc CATP thông tin về chủ trương của Đảng ủy - Ban Giám đốc đối với ứng xử nội bộ. Đó là đề cao tinh thần đoàn kết, là sự dân chủ, công khai, minh bạch bàn bạc trong mọi công việc; là nguyên tắc thống nhất, rõ ràng thông qua Bộ quy tắc ứng xử của CATP đã được xây dựng, triển khai. Một nguyên tắc, phương châm ứng xử nội bộ của CATP, là bằng công việc, tình cảm của người chỉ huy để giáo dục, “kéo” CBCS không để xảy ra sai phạm. 

“CATP Hà Nội đã có sự chuẩn bị tốt cho hội nghị tọa đàm, nhất là báo cáo về thực trạng văn hóa ứng xử trong lực lượng Công an Thủ đô”, Thượng tướng Bùi Văn Nam nhận xét, và khẳng định văn hóa ứng xử CAND là một phần quan trọng của công tác XDLL CAND. Đồng chí Thứ trưởng ghi nhận, Công an Hà Nội đã nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa ứng xử. Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP đã có những chỉ thị, kế hoạch thực hiện quyết liệt đối với vấn đề này.

Đồng tình với những biện pháp nâng cao hiệu quả văn hóa ứng xử của CATP Hà Nội, Thứ trưởng Bùi Văn Nam gợi mở Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP cần xác định thực hiện văn hóa ứng xử là nhiệm vụ trọng tâm gắn với các cuộc vận động đang triển khai về công tác XDLL và các mặt công tác khác. Đồng chí Bùi Văn Nam đề nghị CATP phối hợp với Tổng cục XDLL, các cơ quan chức năng của Bộ tập trung làm rõ nội dung và giải pháp của Đề tài “Văn hóa ứng xử của CAND Việt Nam”; chú trọng phát động ở các tổ chức quần chúng thuộc CATP. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa việc biểu dương gương người tốt - việc tốt. Thực hiện văn hóa ứng xử, CATP cần nêu cao tinh thần đoàn kết, công khai, dân chủ, và có kiến thức sâu về văn hóa, lịch sử, lắng nghe người dân, làm việc theo pháp luật, nắm vững quy trình, quy chế làm việc. Đồng chí Thứ trưởng đồng tình với đề xuất của Giám đốc CATP Hà Nội là thời gian tới, Ban chủ nhiệm Đề tài nên có thêm những hội nghị tọa đàm ở cấp cơ sở của CATP, để bổ sung những vấn đề thực tiễn cho Đề tài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. 

Đề tài “Văn hóa ứng xử của CAND Việt Nam” do đồng chí Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp làm Chủ nhiệm. Mục đích của Đề tài là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn văn hóa ứng xử của CAND Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập, tiếp tục xây dựng và nâng cao văn hóa ứng xử của toàn lực lượng trong tình hình hiện nay. 

Trung tướng Trần Bá Thiều - Tổng Cục trưởng Tổng cục XDLL: “Một hình ảnh đẹp, một ứng xử đẹp có giá trị bằng nghìn lần những lời hô hào suông. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của CBCS về văn hóa ứng xử”.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Long -  Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: “Thành phố Hà Nội đã và đang xây dựng, thực hiện tiêu chí văn minh – văn hóa  ứng xử là: “Nói lời hay, hành vi đẹp, việc làm tốt”. Với lực lượng Công an, tôi đóng góp thêm 2 tiêu chí, là giữ nghiêm pháp luật và lịch duyệt”.