Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống:

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Làm sao sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, làm sao khẳng định trên thực tế quan điểm “nói đi đôi với làm” đang là yêu cầu cấp thiết. Để thực hiện yêu cầu này thì phải đưa nó trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức Đảng.
Đưa nhanh Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân

Đưa nhanh Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân

Hạn chế khâu yếu “tổ chức thực hiện”

Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-3 là một trong những bước đi nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội. Không chỉ giúp cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, nắm vững nội dung cơ bản, cốt lõi và những điểm mới trong các văn kiện Đại hội, đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này còn tạo cơ sở cho việc thực hiện Nghị quyết một cách đúng đắn và sáng tạo.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được đánh giá là “thành công rất tốt đẹp”. Các văn kiện Đại hội thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng dân”, hòa quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Không chỉ đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm tới, văn kiện Đại hội còn vạch ra chiến lược và tầm nhìn cho đất nước trong nhiều thập kỷ tiếp theo.

Với vai trò quan trọng, mang tính chỉ đạo như vậy với toàn bộ các hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội, Nghị quyết Đại hội phải cần được đưa vào cuộc sống càng sớm càng tốt. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có tính quyết định trong việc hiện thực hóa mục tiêu làm ra của cải vật chất, mang lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. Chính vì thế, ngay trong bài phát biểu bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn: “Ngay sau Đại hội, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung làm tốt việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về kết quả Đại hội; nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết và các văn kiện Đại hội; khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động, phát động phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để sớm đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống”.

Tất nhiên, chủ trương, đường lối đúng đắn của Nghị quyết là điều kiện tiên quyết và nguồn gốc của thắng lợi. Tuy nhiên, không phải cứ có chủ trương, đường lối đúng, là sẽ có ngay thành công. Thực tiễn cho thấy nhiều khi kết quả thực hiện Nghị quyết chưa đáp ứng được yêu cầu hay những chủ trương nêu trong Nghị quyết chưa thật sự đi vào cuộc sống không phải vì chủ trương, đường lối đề ra sai lầm mà là do những yếu kém, hạn chế, thậm chí sai lầm trong khâu tổ chức thực hiện.

Đề cập đến vấn đề này, nhiều văn kiện Đại hội Đảng gần đây đã nêu rõ: “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”. Trong bài phát biểu bế mạc Đại hội XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhắc nhở: “Vừa qua, tổ chức thực hiện Nghị quyết vẫn là khâu yếu, sắp tới phải hết sức chú ý chỗ này”. Mặc dù đây không phải là vấn đề mới, song sự tồn tại của nó trong thời gian dài là vấn đề mà mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải suy nghĩ, đòi hỏi phải nhìn thẳng vào thực trạng hạn chế này để tìm cách khắc phục.

Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức Đảng

Thực tế cho thấy để Nghị quyết có thể đi vào cuộc sống thì việc tổ chức thực hiện phải bằng sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Phải làm sao để Nghị quyết không chỉ là định hướng trong nội bộ Đảng mà là tài sản của người dân, có sự tham gia tích cực của người dân. Muốn vậy thì trước hết phải đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt để mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng hiểu rõ các chủ trương, chỉ tiêu nghị quyết đại hội, những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá…

Đây là nội dung hết sức quan trọng, có vai trò quyết định đến kết quả của quá trình thực hiện nghị quyết bởi nó giúp tạo ra sự thống nhất cao về ý chí và tư tưởng, sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, từ đó tạo sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, khởi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Liên quan đến vấn đề này, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã yêu cầu cần phải nhận thức sâu sắc việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội là công việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng và cả hệ thống chính trị.

Tiếp sau việc quán triệt Nghị quyết Đại hội là nhiệm vụ xây dựng chương trình hành động khoa học thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược mà Đại hội đề ra. Với các cơ quan Trung ương thì đó là yêu cầu sớm cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội thành luật pháp, cơ chế, chính sách… để sớm đưa vào thực thi trong cuộc sống, kịp thời khắc phục hạn chế, yếu kém hiện tại. Với các cấp ủy, tổ chức Đảng thì đó là yêu cầu tập trung xây dựng chương trình hành động, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, dự án, đề án khả thi, sát với điều kiện thực tế, định lượng được kết quả, hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và sự phát triển mạnh mẽ của mỗi địa phương, đơn vị.

Cuối cùng là yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra và giám sát việc thực hiện Nghị quyết Đại hội theo nguyên lý “Lãnh đạo mà không có kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”. Công tác này phải là nhiệm vụ thường xuyên ngay từ khâu đầu tiên đến khâu cuối. Phải kiểm tra ngay từ khâu quán triệt, phổ biến, tuyên truyền nghị quyết đến việc xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, đề án, nhất là kiểm tra ngay trong khi thực hiện. Mục đích của kiểm tra là làm cho nghị quyết của Đảng được thực hiện đúng trong cuộc sống, kịp thời uốn nắn nhận thức sai trái, lệch lạc.

Thực hiện tốt và tăng cường công tác kiểm tra còn có tác dụng phát hiện cho Đảng, Nhà nước những đường lối, chủ trương, chính sách không phù hợp; kịp thời ban hành điều chỉnh, bổ sung những chủ trương, chính sách mới phù hợp với thực tiễn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; uốn nắn những nhận thức lệch lạc; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kiểm tra còn giúp phát hiện, biểu dương, nhân rộng cái đúng, cái mới, cái tiến bộ.