Nhẹ gánh cho ngân sách

ANTĐ - Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội được nâng trần bội chi ngân sách từ 4,8% GDP năm 2013, lên 5,3% GDP năm 2014 vì nguồn thu rất khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn, trong khi huy động vốn rất nan giải. Chỉ cần tăng bội chi thêm 1%, theo tính toán sẽ có thêm 40.000 tỷ đồng từ ngân sách chi cho phát triển kinh tế. Việc nới trần bội chi ngân sách, theo các chuyên gia cần phải cân nhắc hết sức cẩn trọng vì sẽ làm nặng thêm gánh nợ công. 

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, trước đây cứ 100 đồng GDP thì có hơn 30 đồng để đầu tư, nhưng nay chỉ còn 19 đồng. Nhìn vào cơ cấu nguồn thu năm nay, thu ngân sách Nhà nước hiện đang gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp Nhà nước giảm mạnh mức đóng góp. Nhiều trụ cột lớn của nền kinh tế, các ngân hàng thương mại Nhà nước đều giảm mức đóng góp, nộp thuế. “Túi tiền” Nhà nước, tính bình quân 9 tháng từ đầu năm, mỗi tháng hụt thu tới 6.220 tỷ đồng; đến nay chỉ có 23/03 địa phương đảm bảo tiến độ. Ngân sách chỉ được bù đắp một phần nhờ nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt như lắp ráp, sản xuất ô tô liên doanh trong nước, sản xuất rượu, bia. Thu, chi ngân sách ngày càng eo hẹp, song theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước mới gửi lên Quốc hội, chỉ trong 51 cuộc kiểm toán ở các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính lên tới 8.963 tỷ đồng. Kiểm toán chuyên đề về sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị thu hồi về ngân sách hơn 292 tỷ đồng vốn trái phiếu đã phân bổ và thanh toán sai quy định.

Như vậy là, mặc dù thu ngân sách sụt giảm mạnh nhưng vẫn tái diễn tình trạng “vung tay quá trán”, lãng phí ở một số bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, việc quản lý tài chính của chính quyền địa phương vẫn tồn tại nhiều bất cập. Thiếu vốn mà nhiều nơi vẫn “chạy đua” đầu tư bề thế, 15/63 địa phương nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên 100% kế hoạch vốn lại chính là những địa phương thuộc diện thu ngân sách thấp, nhưng tỷ lệ đầu tư xây dựng cơ bản vẫn cao ngất. Đáng lo ngại hơn, báo cáo kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra, riêng số tiền sử dụng kinh phí sai chế độ tiêu chuẩn, định mức là hơn 1.840 tỷ đồng. Số tiền cho vay, tạm ứng chậm thu hồi cũng lên tới hơn 3.000 tỷ đồng, trong khi hàng năm ngân sách vẫn phải đi vay và trả lãi cho các khoản tiền trên. 

Không phải không có lý khi một số chuyên gia cũng như Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính cho rằng, phải có ngay những giải pháp phát triển nguồn thu, thay vì những nguồn thu đang cạn kiệt. Nâng trần bội chi chưa chắc đã cứu vãn được kinh tế, việc đầu tiên là phải kiểm soát chặt chẽ chi tiêu của các bộ, ngành; xem xét lại các dự án, công trình không cấp thiết có thể hoãn, lùi. Có như vậy mới hy vọng nhẹ gánh cho ngân sách Nhà nước.