Nhất trí cao việc giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp

ANTĐ - Sáng nay (12-6), Quốc hội tiếp tục họp về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012.
Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, cùng với những giải pháp mang tính ổn định, lâu dài, những giải pháp đã ban hành thuộc thẩm quyền, Chính phủ trình Quốc hội giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Cụ thể: Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 cho một số đối tượng doanh nghiệp, bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong các lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hoá, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc Tập đoàn kinh tế, tổng công ty) và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Miễn thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân với điều kiện giữ ổn định mức giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như cuối năm 2011. Báo cáo thẩm về dự thảo này của Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, ngân sách (TCNS)  tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc giảm 30% thuế TNDN trong thời điểm hiện nay cùng với việc thực hiện các nhóm giải pháp khác sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp thông qua việc doanh nghiệp có thêm nguồn vốn lưu động trong khi việc vay vốn ngân hàng đang khó khăn do các điều kiện vay và lãi suất cao.
Nhất trí cao việc giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp ảnh 1
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đề xuất đối tượng được giảm 30% thuế TNDN là “doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội” là chưa bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Hiện nay, ngoài các lĩnh vực nêu trên còn có nhiều doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực khác cũng đang gặp khó khăn. Ngoài ra, việc giảm 30% thuế TNDN đối với doanh nghiệp “xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế” chưa thật hợp lý vì so với nhiều lĩnh vực khác, các doanh nghiệp này chưa hẳn là đối tượng gặp nhiều khó khăn, cần phải hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, theo báo cáo, hầu hết các ý kiến trong Ủy ban TCNS không tán thành với phương án miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN như đề xuất của Chính phủ, vì thứ nhất, việc thực hiện chính sách giảm 50% thuế khoán thuế GTGT, TNDN và TNCN trong năm 2011 như báo cáo của Chính phủ không mang lại hiệu quả thiết thực vì giá trị tuyệt đối số tiền thuế được giảm quá khiêm tốn (bình quân mỗi hộ chỉ được giảm khoảng 50.000đ/tháng) nên tác động là không đáng kể.

Thứ hai, việc xác định đối tượng đủ điều kiện để áp dụng miễn thuế là không khả thi và khó có thể xác định được các hộ, cá nhân nào cung ứng dịch vụ giữ giá như cuối năm 2011, thực chất là như cuối năm 2010. Mặt khác, không có cơ chế để kiểm soát việc cung ứng dịch vụ cho người dân và không có chế tài xử lý nếu không thực hiện đúng quy định như Tờ trình của Chính phủ.

Thứ ba, năm 2011 Quốc hội đã cho phép áp dụng chính sách giảm 50% thuế khoán thuế GTGT, thuế TNDN và thuế TNCN đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc, trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân. Tuy nhiên, Chính phủ chưa báo cáo cụ thể về hiệu quả đạt được, do đó chưa có cơ sở thuyết phục để đề xuất tiếp tục ban hành chính sách tương tự trong năm 2012.

Ngoài ra, một số ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị xem xét miễn thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 (như Nghị quyết số 08/2011/QH13 của Quốc hội) và giảm thuế GTGT để kích thích tiêu dùng nhằm góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trương Thị Ánh (Tp.HCM) bày tỏ sự chưa đồng tình với ý kiến của Ủy ban TCNS. Bà Ánh cho rằng, trong tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn như hiện nay, việc ban hành chính sách hỗ trợ thuế cho người dân và doanh nghiệp là cần thiết.

Đại biểu Trương Thị Ánh còn đề nghị, hiện đời sống người lao động còn gặp nhiều khó khăn, nên xem xét miễn thuế thu nhập cá nhân, bên cạnh đó là giảm 50% thuế giá trị gia tăng với các mặt hàng như phân bón, thức ăn gia súc, gia cầm, thuốc… để hỗ trợ cho người tiêu dùng.

Đồng tình với nhận định này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ chậm, nhưng chậm còn hơn không. Ông cũng kiến nghị thêm, ngoài việc miễn, giảm thuế, cần có thêm giải pháp tích cực hơn nữa để giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cũng bày tỏ sự đồng thuận với sự cần thiết ban hành chính sách và giảm 30% thuế TNDN. Tuy nhiên, đại biểu này còn cho rằng, ngoài việc giảm thuế như trên, để hỗ trợ doanh nghiệp một cách chính xác, hiệu quả, phải hiểu doanh nghiệp đang đối diện với những khó khăn gì. Với quá trình sản xuất cũng như tái mở rộng sản xuất phải tác động đúng nơi, đúng lúc mới mang lại hiệu quả.

Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012 dự kiến được thông qua cuối kỳ họp này, vào ngày 21-6.