Nhật ký Tết của bác sĩ…

ANTĐ - Tết Quý Tỵ đã khép lại. Tuy nhiên sau Tết có biết bao gia đình đã không có một cái Tết trọn vẹn, nhiều gia đình ngày Tết trở thành ngày buồn bởi có những người thân bị ốm đau, bệnh tật, hoặc bị tai nạn bất ngờ. Với những bệnh nhân là vậy, còn với các y bác sĩ trong bệnh viện thì dường như họ không có Tết. Với họ vẫn là những ca trực trắng đêm để chạy đua với bệnh tật và giành giật  mạng sống cho người bệnh.
Những con số kinh hoàng
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế chiều 14-2, các bệnh viện tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo mọi người bệnh còn nằm điều trị tại các bệnh viện hoặc người bệnh vào cấp cứu trong những ngày Tết cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, những số liệu chưa đầy đủ, số người khám bệnh, cấp cứu, người bệnh phải nhập viện, số người phải phẫu thuật cũng như số người chết tại bệnh viện... đều tăng cao so với Tết năm trước. Thống kê bước đầu của 51 Sở Y tế các tỉnh, thành phố và 25 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tổng số người bệnh đến khám trong 6 ngày Tết Quý Tỵ là 212.988 lượt (tăng 45,6%), trong đó có 65.513 trường hợp đến khám cấp cứu, tai nạn. Tổng số người bệnh phải nhập viện điều trị nội trú là 73.946 ca. Trong số người bệnh khám cấp cứu, tai nạn có 25.502 trường hợp do TNGT, chiếm 11,97% trong tổng số người bệnh đến khám, chữa bệnh. Trong 6 ngày Tết, các bác sĩ đã thực hiện 10.093 ca phẫu thuật (tăng 17,6%), trong đó có tới 507 ca phẫu thuật chấn thương sọ não (tăng 74,8%)...

Nhật ký Tết của bác sĩ… ảnh 1

Trắng đêm tại Bệnh viện Việt Đức

Thống kê của Bệnh viện Việt Đức, trong 4 ngày từ 29 tháng Chạp đến mùng 3 Tết âm lịch, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 438 trường hợp bị tai nạn, trong đó có 284 trường hợp TNGT. Đáng lưu ý, trong số này có tới 187 trường hợp bị chấn thương sọ não. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, so với Tết năm 2012, lượng bệnh nhân bị TNGT vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức ngày 30 tháng Chạp và mùng 1 Tết có giảm, tuy nhiên, trong hai ngày mùng 2 và mùng 4 Tết lại tăng 20%. Ngoài ra, số bị chấn thương do đánh nhau, tai nạn do pháo nổ cũng khá nhiều. Bình quân mỗi ngày, khoa Cấp cứu và khoa Chấn thương sọ não của bệnh viện phải thực hiện mổ cấp cứu tới 25 - 30 ca.
Đáng lưu ý là đa số bệnh nhân bị TNGT vào cấp cứu tại bệnh viện mấy ngày Tết vừa qua đều trong tình trạng có men rượu nồng nặc (cả bệnh nhân nam lẫn bệnh nhân nữ). Hơn nữa, số ca bị chấn thương sọ não, tử vong hoặc phải xin về mấy ngày Tết năm nay tăng cao chưa từng thấy trong dịp Tết nhiều năm qua với gần 30 trường hợp, trong khi những năm trước, con số này chỉ khoảng 10 - 15. Các bác sĩ cho biết, hầu hết người bệnh nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, kể cả khi đã được phẫu thuật, điều trị kịp thời thì nhiều người vẫn để lại những di chứng về thần kinh suốt đời. Ðáng chú ý, trong số những trường hợp cấp cứu thì do TNGT vẫn chiếm số lượng lớn mà nguyên nhân chính là do sử dụng rượu, bia và không đội mũ bảo hiểm. 

Hôn mê do rượu tăng mạnh

Có mặt tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai những ngày Tết Quý Tỵ 2013, chúng tôi chứng kiến kíp trực bận rộn với các ca bệnh nặng, trong đó có các trường hợp ngộ độc do rượu. Tại đây ngộ độc nặng do rượu chiếm đến 25% ca bệnh nặng đang điều trị. Bệnh nhân Nguyễn Văn K, Hà Nội đã nhập viện 4 ngày do uống quá nhiều rượu. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng bị hôn mê sâu, suy hô hấp, huyết áp tụt. Mặc dù được điều trị tích cực tại đơn vị hồi sức tích cực của Trung tâm Chống độc như thở máy hỗ trợ hô hấp và hỗ trợ tuần hoàn, điều trị thải độc trong đó có lọc máu, nhưng đến tối 12-2 (mùng 3 Tết) bệnh nhân này vẫn trong tình trạng hôn mê sâu. Bác sĩ điều trị cho biết đây là trường hợp ngộ độc rượu nặng, bệnh nhân rất khó hồi phục, có thể chịu di chứng lâu dài.

Thống kê cho thấy, trong 6 ngày Tết, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cấp cứu cho 1.272 người bệnh, trong đó nhập viện điều trị nội trú cho 607 trường hợp. Các khoa có số người bệnh điều trị nội trú đông là: Thần kinh, Cấp cứu, Tim mạch, Nhi.  

Nhật ký Tết của bác sĩ… ảnh 2

Đón Tết trong bệnh viện để chờ sinh con

Những ngày Tết, tại phòng đẻ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn nhộn nhịp các sản phụ nằm chờ sinh. Xen lẫn trong những tiếng chạy máy cứ reo lên ùng ục, nhiều sản phụ bày tỏ sự hồi hộp không biết khi nào được nghe tiếng con khóc chào đời. Chị Nguyễn Thị Hương (28 tuổi, ở Phú Thọ) cho biết: Do bị chảy máu, dễ đẻ non nên trước Tết tôi phải nhập viện. Cả gia đình đã xác định là đón giao thừa trong bệnh viện rồi. Đúng như dự báo, chiều mồng 2 Tết, em bé chào đời. 

Cách đó mấy phòng, chị Bùi Thị Thơm cũng đã trải qua một cái Tết đáng nhớ trong bệnh viện. Do bị ra máu do chứng rau tiền đạo nên đến 29 Tết, chị vẫn phải nhập viện. Tuy nhiên chị vẫn rất vui vẻ: "Con tôi sắp ra đời, điều đó mới quan trọng. Ngày Tết trong bệnh viện cũng có cái vui riêng. Mọi người dường như xích lại gần nhau hơn”.

Bác sỹ Nguyễn Văn Hà, Phó Trưởng khoa Đẻ (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), cho biết, mỗi ngày tại bệnh viện có từ 60-80 sản phụ sinh. Trong khi đó, những ngày cao điểm có khoảng 120-130 thai phụ sinh một ngày, song bệnh viện vẫn đáp ứng đủ các điều kiện cho các sản phụ.

Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cảnh những sản phụ chờ sinh trong dịp Tết cũng tấp nập không kém. Ông Nguyễn Huy Bạo, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, thời gian gần đây mỗi ngày bệnh viện có khoảng 100 sản phụ sinh. Con số này đã ít hơn rất nhiều bởi trong năm 2012, có nhiều tháng cao điểm tại bệnh viện có tới 180 sản phụ chờ sinh mỗi ngày. 

Ông Bạo cho hay, thời điểm căng thẳng nhất đã qua, nhất là vào dịp Tết này không diễn ra tình trạng quá tải. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh trong dịp Tết, bệnh viện đã bố trí các kíp trực phân công đội ngũ từ bác sỹ, nhân viên hành chính đến bảo vệ để bệnh viện vẫn đảm bảo hoạt động như những ngày thường. 

Những người không có ngày nghỉ Tết

Tết Nguyên đán, ai cũng mong muốn trở về sum họp với gia đình, du xuân chúc Tết và nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Nhưng với các bác sĩ, dù quanh năm vất vả, vội vã nhưng đến ngày Tết cũng không được ở nhà đón giao thừa với gia đình mà vẫn phải chạy đua giành giật sự sống cho người bệnh. Hà Nội lại là địa bàn tập trung nhiều bệnh viện lớn, lượng bệnh nhân tăng nhiều nên trong suốt 9 ngày nghỉ Tết, hàng nghìn y, bác sĩ vẫn tiếp tục công việc chăm sóc, cứu chữa người bệnh. Bệnh viện Bạch Mai có hơn 400 lượt y, bác sĩ tham gia trực Tết. Trong đó, những khoa như cấp cứu, thần kinh, Trung tâm hô hấp... đều có đông đảo y, bác sĩ tham gia trực. Tại Bệnh viện Việt Ðức, đơn vị đầu ngành về ngoại khoa của cả nước, không khí làm việc vẫn nghiêm túc dù đang là ngày nghỉ Tết.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn viết trong Nhật ký bác sĩ trực mùng 1 Tết khiến không ít người xúc động: Tại khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, bác sĩ Vân (phó khoa) cho biết: khoa đang có nhiều trẻ bị viêm phổi nặng, tua trực ngày 29 Tết không ai được ngủ, phải thức trắng đêm bên giường bệnh để theo dõi diễn biến của từng trẻ.

Tại khoa Hồi sức Cấp cứu Nội, bác sĩ Xuân với vẻ mặt bơ phờ, đang ngồi nghỉ lấy lại sức sau ngày trực cuối năm mệt mỏi và căng thẳng. Chị Xuân cho biết phiên trực của chị có nhiều bệnh nhân nhập viện rất nặng, do thời tiết thay đổi từ nóng chuyển sang lạnh đột ngột nên người già dễ bị tai biến mạch máu não, bị tái phát bệnh phổi mãn tính và bệnh tim mạch. Chiều 30 Tết, khoa này có 1 bệnh nhân tử vong, 4 bệnh nhân có diễn biến xấu gia đình viết đơn xin về.

Chị Xuân kể, suốt 24 giờ qua cả kíp trực không biết đến không khí Tết, dù quá căng thẳng và quá mệt nhưng kíp trực rất vui vì đã cứu sống một bệnh nhân ngừng thở, tim ngừng đập. Sau một tiếng vừa ép tim, vừa tiêm thuốc và bóp bóng ôxy, bệnh nhân 67 tuổi này đã có tim đập trở lại, vài tiếng sau đã tự thở. Chưa hết bệnh nhân này, chị và đồng nghiệp lại phải ép tim ngoài lồng ngực cấp cứu ngừng tuần hoàn cho một bệnh nhân khác. Cứ liên tục như vậy cho đến 8 giờ sáng ngày mùng 1 Tết. Bên ngoài cửa khoa Hồi sức Cấp cứu, nhiều người nhà đang kể cho nhau nghe về việc các bác sĩ cấp cứu bệnh nhân nặng. Ai cũng bất ngờ, rồi ái ngại cho bác sĩ vất vả, trực Tết mà chẳng khác gì ngày thường. Một bác sĩ nữ tại Bệnh viện Phổi trung ương cũng tâm sự: Đã xác định làm nghề y là sẽ phải trực Tết. Như tôi, chồng làm bộ đội cũng phải trực, thế là năm nay Tết cả nhà đi trực.