Nhật ký đối diện với..."ma men"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày Tết, mọi người thường nói chuyện vui. Cũng vì đặt tiêu chí “vui” lên cao nhất, nên trong không ít cuộc trò chuyện, gặp mặt, ăn uống dịp đầu Xuân, có những người đã không kiểm soát được lượng bia, rượu nạp vào cơ thể. Thực tế này có thể châm ngòi cho những chuyện không vui...
Không ít lái xe tìm cách “né” thổi nồng độ cồn, với suy nghĩ rằng "làm như vậy công an không có cơ sở xử phạt"

Không ít lái xe tìm cách “né” thổi nồng độ cồn, với suy nghĩ rằng "làm như vậy công an không có cơ sở xử phạt"

Là một phóng viên có nhiều cơ hội sát cánh với các lực lượng của CATP Hà Nội (các Tổ công tác 141, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông...), tôi đã có không ít kỷ niệm khó quên khi đối mặt với các “ma men”. Bình thường họ có thể là những người trí thức, có văn hóa, nhưng khi để cho rượu bia dẫn lối thì họ lại dễ dàng đánh mất thể diện và có cách hành xử kém văn minh...

Hung hăng và vô lối

Một ngày đầu đông năm 2020, khi 15 tổ công tác đặc biệt 141 của CATP Hà Nội đi vào hoạt động, tôi bám theo một tổ cắm chốt ở phố Bà Triệu đoạn đối diện siêu thị Vincom (quận Hai Bà Trưng). Khi ấy, thời gian đã trôi dần về khuya. Một chiếc ô tô chở 5 người đàn ông bị tổ công tác chặn dừng để kiểm tra hành chính. Bước xuống xe là 4 người khách đều từ địa phương khác tới và đều đã uống khá nhiều rượu, riêng lái xe thì vẫn rất tỉnh táo. Như thường lệ, tổ công tác kiểm tra giấy tờ của lái xe và mọi thứ đều ổn, đồng nghĩa với việc chiếc xe sẽ tiếp tục hành trình. Vậy nhưng, các diễn biến tiếp theo lại rất bất ngờ.

Trong quá trình cảnh sát kiểm tra, nhóm khách trên rút điện thoại ra để livestream nhắm vào khu vực chốt của tổ công tác đang làm nhiệm vụ (điều này là không được phép, vì đó là khu vực đảm bảo an ninh, trật tự). Vừa quay, họ vừa cười nói vừa thuyết minh cho những người đang xem trực tuyến. Thấy vậy, tôi bèn dùng camera công tác để ghi nhận, phòng trường hợp có sự xuyên tạc. Bất ngờ, cả nhóm quay ra “quây” lấy tôi rồi chất vấn: “Ai cho mày quay bọn tao? Bọn tao thích quay thì là quyền của bọn tao. Còn mày muốn quay thì... phải xin phép”.

Mặc dù tôi và tổ công tác đã kiên nhẫn giải thích về vai trò, nhiệm vụ của mình, nhưng nhóm người say rượu nói trên vẫn tiếp tục hành xử vô lối bằng cách xô đẩy, chửi bới, đe dọa... Đỉnh điểm là khi một chiến sỹ cảnh sát hình sự ra khuyên can, nhóm trên còn có những hành động, lời nói xúc phạm anh, cũng như tiếp diễn các hành vi náo loạn đường phố. Trước dấu hiệu gây rối trật tự công cộng, tổ công tác đã buộc phải khống chế để nhóm đối tượng chấm dứt các hành vi mất kiểm soát của họ. Một sự việc rất nhỏ, song đã bị thổi bùng lên một cách hoàn toàn không đáng có.

Uống rượu say, đối tượng xin bỏ qua nhưng không được nên quay ra tranh cãi từng chữ trên biên bản, dù tất cả đều rõ ràng và đúng luật

Uống rượu say, đối tượng xin bỏ qua nhưng không được nên quay ra tranh cãi từng chữ trên biên bản, dù tất cả đều rõ ràng và đúng luật

“Tôi làm ở cơ quan ngoại giao nước ngoài, thích đánh nhau không?”

Trong một buổi công tác cùng lực lượng 141 ở khu vực phố Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tôi lại đối mặt với một “ma men” hung hăng khác. Khi ra tín hiệu dừng chiếc ô tô có biểu hiện nghi vấn, chiến sỹ làm nhiệm vụ đã kín đáo ra tín hiệu cho đồng đội cảnh giác, sẵn sàng hỗ trợ. Chiếc xe loạng choạng và phải mất một lúc lâu người lái mới đậu được sát vỉa hè theo yêu cầu.

Tết đến, Xuân về, ai cũng muốn nói chuyện vui. Nhưng xin hãy “vui thôi, đừng vui quá” tới mức mất kiểm soát và biến bản thân thành “những chai rượu biết lái xe”. Khi đó, bất kỳ ai cũng có thể đánh mất thể diện, nhân cách, hay thậm chí là cả tính mạng của mình và những người khác. Đánh mất những thứ ấy, thì không bao giờ còn cơ hội để sửa sai, hay để nói hai từ: “giá như...”.

Sau khi lái xe mở cửa bước xuống, dù đứng cách xa cả mét nhưng ai cũng có thể ngửi thấy nồng nặc hơi men bốc ra từ người anh ta. Bất chấp việc những người ngồi cùng xe can ngăn, lái xe vẫn lao vào bàn xử lý của chốt 141 đòi... bỏ qua. Lý do mà anh này đưa ra là: “Tôi làm việc ở cơ quan ngoại giao nước ngoài”. Khi không được chấp thuận, lái xe trên nổi cáu, la lối.

Tác nghiệp tại hiện trường khi đó, tôi bị anh ta lao tới, phả hơi rượu nồng nặc vào mặt rồi thách thức: “Đánh nhau không?”. Có lẽ, chỉ khi có hơi men người ta mới hành xử liều lĩnh đến thế. Chỉ đến khi nhóm bạn đi cùng vẫy một chiếc taxi, đẩy anh ta lên xe thì mọi chuyện mới tạm chấm dứt. Nhóm bạn sau đó trình bày: “Anh ấy say nhưng kiên quyết đòi cầm lái. Chúng em nhỏ tuổi hơn, nên nể quá...”. Nếu không bị tổ công tác 141 chặn dừng thì không biết điều gì sẽ xảy ra nếu chiếc xe này tiếp tục di chuyển.

Khi nhân viên ngân hàng bất hợp tác

Trong một buổi tối làm nhiệm vụ trên phố Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tổ công tác 141 đã chặn dừng chiếc ô tô chở toàn nam thanh nữ tú ăn vận khá lịch sự. Họ tự xưng là cán bộ, nhân viên ngân hàng vừa đi liên hoan về. Khi bị công an yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, lái xe đã tìm rất nhiều cách trì hoãn đến khó tin, khác hẳn vẻ lịch thiệp mà anh ta và bạn bè thể hiện qua vẻ bề ngoài.

Đầu tiên là bấm điện thoại gọi đủ các “mối quan hệ” để nhờ can thiệp. Khi không được chấp thuận, anh ta lại chê ống thổi “không hợp vệ sinh” cho dù đó là ống mới tinh. Thậm chí, khi cảnh sát thay ống thổi mới thì anh ta “cù nhầy” bằng cách đòi kiểm tra tem dán đảm bảo chất lượng của máy đo nồng độ cồn...

Sau tất cả chiêu trò bất thành, lái xe đã buộc phải chấp hành yêu cầu kiểm tra bằng máy đo. Kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ cồn của anh ta vượt quá mức tối đa trong khung phạt. Nhưng chưa hết. Đến khi lập biên bản thì anh ta kiên quyết không ký và chạy một mạch vào toilet của nhà hàng gần đó để… trốn. Trước diễn biến oái oăm trên, cán bộ của tổ công tác 141 và nhân viên nhà hàng phải gõ cửa, yêu cầu người đàn ông chấp hành. Phía trong toilet, đối tượng liên tục xả nước, súc miệng, uống nước...

Sau 10 phút kiên trì thuyết phục, lái xe mới chịu mở cửa quay lại chốt 141 và đòi được... kiểm tra lại. Đề nghị này được chiếu cố, nhưng kết quả gần như không thay đổi. Thấy vậy, lái xe đã bỏ ô tô lại rồi vẫy taxi bỏ đi.

Những tình huống bi hài khi đối mặt với “ma men” nếu để kể hết ra thì dung lượng một bài báo là không đủ. Không ít trường hợp say tới mức, khi bị cảnh sát dừng xe họ còn không thể tự dắt nổi chiếc xe máy của mình lên vỉa hè. Đó thực sự là những lái xe vô ý thức, coi thường sự an toàn của bản thân và những người tham gia giao thông, khi họ cố tình cầm lái trong tình trạng không còn tỉnh táo. Tết đến, Xuân về, ai cũng muốn nói chuyện vui. Nhưng xin hãy “vui thôi, đừng vui quá” tới mức mất kiểm soát và biến bản thân thành “những chai rượu biết lái xe”. Khi đó, bất kỳ ai cũng có thể đánh mất thể diện, nhân cách, hay thậm chí là cả tính mạng của mình và những người khác. Đánh mất những thứ ấy, thì không bao giờ còn cơ hội để sửa sai, hay để nói hai từ: “giá như...”.