Nhặt cho con cháu mình

ANTD.VN - Cũng giống như nhiều hồ ở Hà Nội, quanh hồ Giảng Võ đầy rác chỉ sau một ngày cuối tuần nhân viên môi trường đô thị không dọn xuể. Hành động cặm cụi xách túi đi thu gom rác quanh hồ Giảng Võ của những trí thức người Nhật lẫn người Việt liệu có thức tỉnh, “đánh động” suy nghĩ và hành động của mỗi người Hà Nội?

Hãy lắng nghe vị khách người Nhật chia sẻ tâm tư khi khởi xướng nhóm nhặt rác “không công” này: hơn 30 năm trước ở Nhật Bản, rác thải cũng tràn ngập đường phố, nơi công cộng như ở đây.

Thế nhưng sau nhiều cuộc vận động, bằng những việc làm cụ thể, bền bỉ, kéo dài nhiều năm, ý thức người dân dần dần thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ. Mọi người nhận thức sâu sắc rằng, môi trường sạch không rác thải, phế thải, nước thải chính là tài sản vô giá để lại cho con cháu mai sau. Vì thế hôm nay, cả nước Nhật từ thành phố, đô thị đến nông thôn sạch sẽ không một cọng rác, nhất là ở nhà ga, bến tàu, những tụ điểm vui chơi, giải trí. 

Người Nhật vốn nổi tiếng không chỉ bởi sự phát triển thần kỳ về kinh tế, khoa học, công nghệ mà được cả thế giới ngưỡng mộ về ý thức, tinh thần kỷ luật cao. Để có được điều này, cần cả một chặng đường dài dày công giáo dục, dạy dỗ trẻ nhỏ ngay từ trên ghế nhà trường.

Dạy từ việc không ném rác ra trường lớp, ngoài đường, thậm chí nếu nơi công cộng không có thùng rác thì tạm để rác trong cặp, túi. Ý thức ấy đã thấm vào máu, nuôi dưỡng thói quen giữ sạch đường phố, bến tàu xe như trong nhà mình.

Song, điều cốt lõi để gieo mầm, chăm sóc, vun trồng “hạt giống” ý thức trong lòng trẻ lại chính là suy nghĩ, hành vi của người lớn, những bậc làm cha mẹ như tấm gương hàng ngày cho trẻ soi và làm theo. Đừng nghĩ rằng nhỏ như cọng rác, tiện tay vứt “thoải mái” đã có người dọn. Nhất là những bờ hồ, vườn hoa, công viên những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ, mỗi bàn tay từ cái đầu vô ý thức đã “góp phần” chất ngập rác.

Học khoa học, công nghệ đòi hỏi trí thông minh, sáng tạo, táo bạo. Học giữ sạch môi trường, “học” nhặt rác tưởng dễ mà lại khó. Có một câu ví von rất hay: Ném rác là ném vào chính mình. Nhặt rác là nhặt cho con cháu mình.