Nhật Bản sau 10 năm xảy ra thảm họa động đất, sóng thần: Sẵn sàng ứng phó khi thiên tai vẫn khó lường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 10 năm trước, thảm họa động đất, sóng thần cướp đi sinh mạng của hơn 18.000 người trên bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản. Chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ là tất cả những gì mà người dân ở vùng thảm họa rút ra được sau 10 năm đầy khó khăn, thử thách. Những nỗ lực của họ trong những năm qua phần nào đã được đền đáp.
Ông Noriyuki Suzuki cùng tấm ảnh cô con gái đã mất trên nền cũ của trường Tiểu học Okawa đã bị sóng thần ập vào hôm 11-3-2011

Ông Noriyuki Suzuki cùng tấm ảnh cô con gái đã mất trên nền cũ của trường Tiểu học Okawa đã bị sóng thần ập vào hôm 11-3-2011

Nỗi đau chưa nguôi sau 10 năm

Ngày định mệnh 11-3-2011 đó, con gái ông Noriyuki Suzuki, bé Mai 12 tuổi đang ở trường tiểu học Okawa. Giáo viên trong trường đã quyết định mọi người ở lại trường, thay vì sơ tán lên ngọn đồi gần đó để tránh nguy hiểm.

Chiều hôm đó, ông Suzuki đang làm việc thì thành phố Ishinomaki bị rung chuyển bởi trận động đất mạnh 9 độ richter. Sau giờ khắc kinh hoàng, ông tìm đường về nhà và tin rằng trường học của Mai, nằm trên ngọn đồi cách bờ biển 4km, không gặp nguy hiểm. Nhưng tin đồn bắt đầu lan truyền rằng sóng thần đã tiến sâu vào đất liền hơn bất kỳ ai có thể tưởng tượng được; rằng toàn bộ khu vực Okawa đã biến thành vùng đất hoang hóa.

“Có quá nhiều thông tin nên rất khó để biết phải tin vào điều gì. Tôi nghe nói khu vực gần trường học đã bị sóng thần chia cắt, nhưng không sao cả. Nhưng nhiều giờ trôi qua, chúng tôi nhận ra rằng sóng thần đã phá hủy toàn bộ thị trấn”. Tổng cộng, 74 trẻ em bị chết đuối cùng với 10 giáo viên và nhân viên trong trường. Trên khắp Ishinomaki, 3.062 người chết và 415 người vẫn mất tích.

Do giao thông đi lại khó khăn, 2 ngày sau ông Suzuki mới đến được khu vực trường học bằng thuyền. Thi thể của Mai đã được tìm thấy. “Nhìn thấy đứa con vô hồn trước mặt, tôi không thể nói lên lời, có đau buồn, nhưng cũng có tức giận”, ông Suzuki kể. Khi gia đình nhìn thấy ông trở về nhà với chiếc kính của Mai trên tay, họ hiểu chuyện gì đã xảy ra”.

Nỗi đau của gia đình Okawa càng thêm bội phần khi họ tin cái chết của những đứa trẻ có thể được ngăn chặn. Vào thời điểm xảy ra thảm họa, bản đồ cảnh báo nguy hiểm của thành phố không xác định trường học nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra sóng thần. Năm 2019, xét đơn kiện của gia đình 23 học sinh ở thành phố Ishinomaki và tỉnh Miyagi, tòa án tối cao đã tuyên án bồi thường cho họ 1,44 tỷ yên, thừa nhận rằng thảm kịch có thể đã được ngăn chặn nếu chính quyền địa phương cập nhật các biện pháp phòng chống thiên tai, rằng các em học sinh sẽ có cơ hội sống sót nếu được đưa lên ngọn núi gần đó.

Vào năm 2016, chính quyền thành phố đã quyết định bảo tồn ngôi trường thành khu tưởng niệm để các gia đình nạn nhân và du khách, cũng là cách nhắc nhở thế hệ tương lai về câu chuyện đau buồn này. Khi người dân Nhật Bản dành phút mặc niệm cho các nạn nhân sóng thần vào lúc 2h46 chiều 11-3 này, gia đình ông Suzuki cũng sẽ ùa về bao kỷ niệm với cô cô gái nhỏ với nụ cười rạng rỡ mà họ tin rằng chưa bao giờ thực sự rời bỏ họ.

Công cuộc tái thiết

Kể từ sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, thành phố ven biển Ishinomaki đã thay đổi nhiều do Chính phủ chi mạnh tay cho công cuộc tái thiết.

Nhưng 1,9 nghìn tỷ yên (17,9 tỷ USD) được bơm vào để xây dựng lại thành phố phía Đông Bắc hướng ra Thái Bình Dương đã không thể đảo ngược quá trình thay đổi xã hội kéo dài hàng thập kỷ qua.

Ishinomaki đã bị tàn phá nhiều hơn bất kỳ đô thị nào khác sau thảm họa 11-3. Số cư dân thiệt mạng chiếm khoảng 20% tổng số nạn nhân trên khắp Nhật Bản. Khoảng 33.000 ngôi nhà, bằng gần 50% nhà cửa của thành phố đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần. Sóng thần cao hơn 10m tràn vào thành phố. Đó là lý do tại sao Ishinomaki hiện nay được bảo vệ bởi các kè ven biển cao gần 10m, kéo dài khoảng 56km dọc theo bờ biển, khiến người ta không thể nhìn thấy đại dương trừ khi nhìn từ mặt đất cao hơn.

Bất chấp tất cả các cơ sở hạ tầng xã hội mới, trung tâm Ishinomaki vẫn còn rất nhiều đất trống. Tại khu vực xung quanh ga JR Ishinomaki, khoảng 1/3 số tòa nhà có từ ngày 11-3 giờ chỉ là những ô đất trống hoặc bãi đậu xe. 7/8 doanh nghiệp trong khu vực này đã đóng cửa. Có thời điểm, chính quyền Ishinomaki đã tìm cách biến thành phố đã được tái thiết thành nơi trưng bày cho toàn thế giới, nhưng họ sớm phải đối mặt với nhu cầu cấp nhà ở cho hàng nghìn cư dân. “Trong thời kỳ tái thiết, chúng tôi không đủ khả năng để tìm ra cách hồi sinh thành phố. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức chỉ để cố gắng vượt qua tình huống khủng khiếp do thảm họa”, một người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết.

Mười năm trước, ông Masatoshi Hoshi, hiện 66 tuổi, ủy viên Hội đồng thành phố nằm trong tổ phác thảo kế hoạch tái thiết thành phố. Ishinomaki là thành phố lớn thứ hai ở tỉnh Miyagi sau thủ phủ tỉnh Sendai. “Chúng tôi muốn tạo ra một thành phố theo mô hình tiên tiến, nhưng tất cả những gì chúng tôi làm được chỉ là mơ những giấc mơ lớn. Do cư dân địa phương di chuyển hàng loạt đến Sendai và các nơi khác, các quan chức chính quyền thành phố không thể hình dung về một thành phố của tương lai. Có lúc, cảm giác rằng cuộc khủng hoảng có thể đẩy Ishinomaki đến bờ vực tuyệt chủng”, ông Hoshi cho biết.

Ông Hoshi kể, năm 2012, một quan chức Bộ Tài chính đến thăm Ishinomaki và hỏi ông cần bao nhiêu tiền để tái thiết. Trước khi thảm họa xảy ra, ngân sách hàng năm của chính quyền thành phố là khoảng 60 tỷ yên, nhưng ông Hoshi cho biết số tiền cần đến phải là 500 tỷ yên. Tuy nhiên, trong 10 năm kể từ khi thảm họa xảy ra, tổng số tiền chi cho việc xây dựng và tái thiết Ishinomaki lên đến 1,2 nghìn tỷ yên. Các dự án tái thiết lớn liên quan đến việc di chuyển toàn bộ khu vực lân cận ra ngoại ô. Tuy nhiên, hàng loạt dự án quy mô như vậy sẽ phải mất 2 thập kỷ. Tính đến năm 2020, do thời gian có hạn, chỉ có khoảng 60% các mảnh đất đã được lấp đầy. Một số cư dân không thể chờ đợi dự án hoàn thành và đã chuyển đi nơi khác.

Một đoạn tường chắn sóng cao 13-15m tại tỉnh Myagi, Nhật Bản

Một đoạn tường chắn sóng cao 13-15m tại tỉnh Myagi, Nhật Bản

Tư thế chuẩn bị sẵn sàng

Khi trận động đất dữ dội ập đến vào nửa đêm 13-2-2021, ông Yoshimasa Imada, 55 tuổi, ngay lập tức cùng với người vợ 42 tuổi, con trai 12 tuổi và con gái 3 tuổi đến trung tâm sơ tán. Phản ứng mạnh mẽ đó bắt nguồn từ sự mất mát mà ông đã phải gánh chịu 10 năm trước. Đúng ngày 11-3-2011, ngôi nhà cách bờ biển 1 km của gia đình ông ở Minami-Soma, tỉnh Fukushima bị sóng thần cuốn trôi. Dòng nước dữ dội đã tước đi mọi thứ trần trụi. 10 năm sau, ông đã bắt đầu một cuộc sống mới với một gia đình mới, nhưng không bao giờ quên 6 sinh mạng mà ông đã không thể cứu được.

Đối với nhiều cư dân ở Soma như Imada, những người đã sống với tâm lý khủng hoảng trong thập kỷ qua, trận động đất ngày 13-2 không chỉ khơi dậy ký ức về thảm kịch năm 2011 và nhắc nhở họ về những nguy hiểm, mà nó còn là bài kiểm tra khả năng chuẩn bị của họ. Như bà Mitsuo Kamata, 68 tuổi, ở phía bắc thị trấn Soma, bà thường xuyên dự trữ thực phẩm có giá trị trong vài ngày, bà cất bếp lò và những vật dụng có giá trị trên tầng 2 trong trường hợp tầng trệt bị ngập. Hay như ông Mitsuo Kamata, 68 tuổi, luôn chắc chắn rằng mình có nước và đèn pin trong xe, và bình xăng luôn đầy hơn một nửa. “Với một trận sóng thần, 1-2 phút đã là ranh giới giữa sự sống và cái chết”, ông nói. Lần động đất mới nhất này, ông Kamata khởi động xe và sẵn sàng rời đi ngay lập tức cho đến khi được thông báo rằng trận động đất không gây ra sóng thần.

Giáo sư Katsuya Yamori tại Viện Nghiên cứu Phòng chống Thiên tai Kyoto tại Đại học Kyoto, người có chuyên môn về tâm lý thiên tai, cho biết sự chuẩn bị của người dân như họ “không có gì là sai”. Tuy nhiên, ông Yamori cảnh báo rằng sóng thần có thể ập vào bờ chỉ trong vòng vài phút ở một số khu vực nên kể cả không thấy cảnh báo sóng thần, mọi người cần chú ý cập nhật và chuẩn bị sơ tán ngay lập tức nếu nguy cơ gia tăng.

Năm 2020, Bộ Cơ sở hạ tầng Nhật Bản đã thành lập một hội đồng chuyên gia để đánh giá quá trình tái thiết sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011. Một đề xuất rút ra từ các bài học của thập kỷ trước là cân nhắc suy nghĩ về việc tái thiết ngay cả trước khi thảm họa xảy ra. Các chuyên gia cảnh báo khu vực Nankai Trough, ngoài khơi Nhật Bản có thể sẽ xảy ra động đất lớn trong vòng 30 năm tới. Khi đó, động đất có thể cướp đi sinh mạng của 230.000 nạn nhân, gấp 10 lần con số thiệt hại sau thảm họa năm 2011.