Nhật Bản sẵn sàng ngăn chặn tên lửa Triều Tiên

ANTĐ - Ngày 2-12, Triều Tiên đã thông báo với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản về đường bay của vệ tinh quan trắc Trái đất Kwangmyongsong-3 mà nước này dự định phóng trong khoảng thời gian từ ngày 10 tới 22-12.

Tên lửa đẩy Unha-3 trước vụ phóng hồi tháng 4-2012

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên cho biết vệ tinh Kwangmyongsong-3 sẽ được phóng bằng tên lửa đẩy Unha-3 tại Trung tâm vũ trụ Sohae. Đây là vụ phóng tên lửa tầm xa lần thứ hai liên tiếp trong năm nay, sau vụ phóng vệ tinh không thành công vào tháng 4 vừa qua của Triều Tiên. Theo KCNA, các nhà khoa học và công nghệ của nước này đã phân tích kỹ nguyên nhân thất bại trong vụ phóng vệ tinh hồi tháng 4 vừa qua và nâng cao độ chính xác của vệ tinh cũng như tên lửa đẩy để vụ phóng lần này thành công. 

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã chủ trì một cuộc họp với các quan chức nhằm thảo luận về động thái trên của Triều Tiên. Thủ tướng Yoshihiko Noda nói rằng, việc Triều Tiên khởi động kế hoạch phóng vệ tinh lên không gian là điều đáng tiếc, không chỉ có Nhật Bản mà toàn bộ cộng đồng quốc tế cần phải có biện pháp mạnh mẽ để giải quyết vấn đề này. Bên cạnh đó, với đường bay hướng về phía Nam, Thủ tướng Noda cũng cho biết chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc việc đánh chặn tên lửa của Triều Tiên trong trường hợp tên lửa hoặc các mảnh vỡ của nó rơi vào lãnh thổ Nhật Bản. Thủ tướng Yoshihiko Noda cũng quyết định hoãn các cuộc đàm phán giữa hai nước dự kiến diễn ra ngày 5, 6-12 tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. 

Khoảng thời gian phóng tên lửa này lại trùng với đợt bầu cử Tổng thống tại Hàn Quốc, khiến Seoul không khỏi lo ngại về tình hình an ninh trong bối cảnh nhạy cảm nhất tại Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 2-12 đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các quan chức cấp cao ngay sau khi Triều Tiên thông báo kế hoạch phóng vệ tinh.

Trung Quốc ngày 2-12 cũng bày tỏ quan ngại về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên và hy vọng các bên liên quan có thể hành động tích cực hơn nữa vì sự ổn định của bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên tuyên bố vụ phóng tên lửa sắp tới hoàn toàn mang tính chất hòa bình, phục vụ khoa học nhằm mục đích đưa vệ tinh quan sát Trái đất lên quỹ đạo. Tuy nhiên, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc có phản ứng mạnh mẽ, cho rằng đây là hành động ngụy trang cho việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân.