Nhật Bản, Philippines nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Philippines và Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết ngừng tất cả các hoạt động có thể gây căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời cho rằng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc cần phải được duy trì.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana

Trong cuộc hội đàm trực tuyến, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải ở Biển Đông.

“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ngừng mọi hành động và hoạt động đi ngược lại Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, vì những điều này gây ra căng thẳng, sự không tin tưởng và bất ổn, đồng thời đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực” - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu sau cuộc họp.


Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng nêu rõ: “Hai bên phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cưỡng ép hoặc bất kỳ hoạt động nào làm leo thang căng thẳng, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của trật tự hàng hải tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền”. Philippines và Nhật Bản cũng khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển giàu tài nguyên này.

Trong một tuyên bố riêng, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết ngoài vấn đề Biển Đông, hai quan chức còn thảo luận về tình hình Biển Hoa Đông “dựa trên các sự kiện hiện tại đang xảy ra trong khu vực”. Nhật Bản đã nhiều lần liên tục phản đối việc tàu Trung Quốc đến gần quần đảo Senkaku, một nhóm đảo không có người ở do Nhật Bản kiểm soát ở Biển Hoa Đông mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Theo báo cáo của Cục Kiểm ngư Nhật Bản, tính đến cuối tháng 9 năm nay, các tàu tuần tra đã đưa ra cảnh báo cho 2.589 tàu Trung Quốc, yêu cầu họ rời khỏi ngư trường Yamatotai trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Tuần trước, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cũng có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Australia, hai bên cũng đề cập đến vấn đề Biển Đông, đồng ý tăng cường các hoạt động hàng hải ở Biển Đông trong bối cảnh có những quan ngại về “các hành động đơn phương gây mất ổn định và ép buộc”, có nguy cơ “thay đổi hiện trạng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Nhật Bản nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng cưỡng chế ở Biển Đông và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không.

Hai bộ trưởng tái khẳng định “quan ngại nghiêm trọng” về các sự cố gần đây trong khu vực, bao gồm việc tiếp tục quân sự hóa các thực thể có tranh chấp, sử dụng một cách nguy hiểm hoặc mang tính cưỡng bức các tàu tuần duyên và “lực lượng dân quân hàng hải” và các nỗ lực làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Australia, hai bên đã nhất trí thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn trên một loạt các lợi ích quốc phòng và an ninh, trong đó có việc tăng cường các hoạt động hợp tác song phương và đa phương thường xuyên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm các hoạt động hàng hải ở Biển Đông.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Australia. Philippines và Australia nhắc lại rằng các tranh chấp trong khu vực này cần được giải quyết bằng tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.