Nhật Bản phản đối mạnh mẽ Trung Quốc làm leo thang căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tại buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto cùng Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi đang ở thăm Nhật Bản và tham dự Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết Nhật Bản mong muốn thúc đẩy các nội dung hợp tác cụ thể để hiện thực hóa Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

* Hội Hữu nghị Bỉ - Việt ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông

Trung Quốc thời gian qua liên tục có những hoạt động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông

Trung Quốc thời gian qua liên tục có những hoạt động làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông

Thủ tướng Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các động thái trên biển gần đây của Trung Quốc, trong đó có việc thực thi Luật Hải cảnh mới, cho phép sử dụng vũ khí đối với tàu tuần tra của nước này. Nhật Bản và Indonesia bày tỏ sự nhất trí cao khi đánh giá tầm quan trọng của việc duy trì trật tự hàng hải tự do và cởi mở dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời cam kết sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản với các nước ASEAN thời gian tới.

Trong khi đó, Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Nhật Bản và Trung Quốc ngày 29-3, đã tổ chức cuộc họp thường niên theo “Cơ chế liên lạc đường biển và đường không” bằng hình thức trực tuyến. Tại hội nghị, Phó Tổng vụ trưởng phụ trách Chính sách Quốc phòng thuộc Taro Yamato, đại diện Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đã bày tỏ quan ngại mạnh mẽ đối với Luật Hải cảnh mới của phía Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2-2021.

Ông Taro đồng thời cho rằng, việc Trung Quốc thời gian qua gia tăng các hoạt động căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đã làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, trong đó có Nhật Bản. Trước đó, hôm 28-3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi và người đồng cấp Indonesia Prabowo Subianto đã nhất trí gửi thông điệp tới các nước còn lại trên thế giới rằng, hai nước này sẽ phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào của Trung Quốc có thể làm leo thang căng thẳng trong các vùng biển khu vực.

Thông điệp được đưa ra trong cuộc họp báo sau hội đàm của hai bộ trưởng ở Tokyo. Bộ trưởng Kishi cho biết, hai bên sẽ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, không tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng ở các vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bộ trưởng Kishi cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc ban hành luật cho phép lực lượng hải cảnh bắn vào các tàu xâm phạm khu vực mà Trung Quốc coi là vùng biển của nước này. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác quốc phòng và tổ chức tập trận chung cho các lực lượng Nhật Bản và Indonesia ở Biển Đông.

Liên quan đến những hoạt động của Trung Quốc thời gian gần đây làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, ngày 29-3, Hội Hữu nghị Bỉ-Việt đã khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền hợp pháp tại Biển Đông. Chủ tịch Hội Hữu nghị Bỉ-Việt Pierre Grega cho rằng việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông là hoàn toàn trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Đề cập tới việc Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, Chủ tịch Hội Hữu nghị Bỉ-Việt, ông Pierre Grega nêu rõ Hội Hữu nghị Bỉ-Việt nhận thức được sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông trong những tuần gần đây. Theo ông, Hội Hữu nghị Bỉ-Việt ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền hợp pháp tại Biển Đông, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ vững chắc đối với tất cả các hiệp hội đại diện cho người dân Việt Nam.

Chiều 25-3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc nhiều tàu Trung Quốc hoạt động tại Bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS. Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC)”.

Người phát ngôn nhấn mạnh Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm; tôn trọng chủ quyền của Việt Nam; thiện chí thực hiện UNCLOS; nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình; tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC; đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.