Nhật Bản khóa chết không/hải quân Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư

ANTD.VN - Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tỏ thái độ cứng rắn và đang tích cực chuẩn bị cho một cuộc chiến tương lai để giành quyền kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư. 

Trung Quốc đang gia tăng áp lực lên Nhật Bản

Theo một bình luận mới đây trên tờ  “Hải đăng tự do Washington” của Mỹ cho biết, đã có những thông tin tiết lộ từ một báo cáo nội bộ do văn phòng mạng Lầu Năm Góc soạn thảo, liên quan đến vấn đề tranh chấp quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Theo đó, Trung Quốc đang gia tăng áp lực bằng các hành động trên thực địa như điều nhiều tàu tuần tiễu đến khu vực Senkaku và tung các máy bay trinh sát, máy bay tiêm kích và cả máy bay ném bom H-6 đến vùng biển này để chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai có thể xảy ra tại Senkaku.

Tờ “Hải đăng tự do Washington” trích dẫn lời một sĩ quan cao cấp vốn là người phụ trách cơ quan tình báo hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ cho biết, rõ ràng là Trung Quốc đã bắt đầu các hành động thắt chặt kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư từ tháng 9 năm 2012.

Trung Quốc muốn thông qua việc tăng cường kiểm soát Đông Hải để ngăn chặn quân đội Mỹ can dự vào những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai.

Một báo cáo mới đây của văn phòng điều tra tin tức thuộc nội các Nhật Bản cho biết, Trung Quốc đang thực hiện ý đồ kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, vì thế Bắc Kinh đang chuẩn bị cho việc phát động một cuộc chiến “dữ dội và nhanh gọn” ở vùng biển này.

Báo cáo trên cũng cho biết, để đảm bảo thông suốt tuyến đường biển cung cấp dầu mỏ từ Trung Đông qua Ấn Độ Dương và Biển Đông, trong 5 năm tới Trung Quốc sẽ mở rộng gấp đôi quy mô lực lượng Cảnh sát biển (Hải cảnh), bổ sung cho lực lượng này nhiều tàu lớn hơn, tiên tiến hơn.

Tên lửa bờ đối hạm Type 88 (SSM-1) của Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản

Ngoài ra, Bắc Kinh còn xây dựng một căn cứ quân sự mới gần thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Chiết Giang để làm bàn đạp cho các tàu tiến vào khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo đánh giá của cơ quan tình báo Nhật Bản, lực lượng dân binh trên biển của Trung Quốc (tàu cá vỏ thép có vũ trang) đang tham gia ngày một nhiều hơn vào các sự vụ có tính chất nguy hiểm trên biển, họ đang cùng với hải quân và hải cảnh hình thành một khối thống nhất.

Bắc Kinh cũng đang gia tăng hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, những giàn khoan dầu khí mới tăng cường tại đây sẽ được sử dụng vào cả mục đích chính trị và quân sự (tuyên bố chủ quyền phi pháp và nắm quyền kiểm soát thực tế).

Hành động đáp trả của Nhật Bản

Tạp chí “AERA” mới đây cho biết, để giám sát các hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc gần khu vực Senkaku/Điếu Ngư, Tokyo đã phải biên chế một cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh trên biển với 600 người, bố trí các kíp tàu trực ban đặc biệt để giám sát liên tục diễn biến tình hình ở khu vực biển này.

Ngoài ra, Nhận Bản sẽ nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa bờ đối hạm tiên tiến có tầm bắn lên tới 300km để tạo thành khu vực “chống xâm nhập” đối với các tàu chiến Trung Quốc. Những tên lửa này sẽ được triển khai tại Miyakojima, một đảo lớn nhất của quần đảo Miyako, thuộc Okinawa.

Mới đây, truyền thông Mỹ đưa tin, hồi tháng 8 năm 2016, chính phủ Nhật Bản đã công bố một chương trình nghiên cứu và sản xuất một loại tên lửa bờ đối hạm đời mới có tầm bắn 300km, dự toán ngân sách cho chương trình này đã được đưa vào ngân sách tài chính năm 2017.

Nhật Bản quyết tâm khóa chết chiến hạm Trung Quốc ở Đông Hải

Loại tên lửa mới mà Tokyo sẽ sản xuất rất có thể sẽ được triển khai tại đảo Miyakojima và quần đảo Yaeyama phía nam Okinawa, phạm vi tác chiến của nó bao trùm toàn bộ khu vực xung quanh Senkaku/Điếu Ngư.

Trước đó, vào tháng 11 năm 2013, Nhật Bản đã triển khai tên lửa đất đối hạm Type 88 có tầm bắn 150km tại đảo Miyakojima, tuy nhiên, phạm vi của chúng chưa đủ để kiểm soát toàn bộ eo biển Miyakojima có chiều rộng vào khoảng 270km.

Nếu như triển khai tên lửa mới có tầm bắn 300km, Tokyo sẽ kiểm soát được các cửa ngõ ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc, bao gồm cả khu vực biển Senkaku/Điếu Ngư, cho đến Đài Loan và toàn bộ vùng ven biển phía Đông Bắc nước này.

Việc Nhật Bản tăng cường khả năng tấn công của mình kết hợp với sự hỗ trợ từ phía Mỹ sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp khóa chặt các hành động của hải/không quân Trung Quốc.

Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long, với tầm bắn 300km, nếu xảy ra xung đột vũ trang, các tàu của Trung Quốc hoạt động trong phạm vi khu vực xung quanh Senkaku/Điếu Ngư đến phía Đông eo biển Đài Loan đều là mục tiêu của loại tên lửa này.

Nếu loại vũ khí này được Tokyo triển khai đồng thời theo hai hướng thì sự đan xen hỏa lực sẽ là mối nguy lớn đối với các biên đội tàu chiến Trung Quốc hoạt động ở Đông Hải. Đây còn là vũ khí hỗ trợ đắc lực cho Nhật Bản trong việc kiểm soát tuyến đường hàng hải chính ra vào Thái Bình Dương.