Nhật Bản đặt ra lằn ranh đỏ quanh chuỗi đảo tranh chấp với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhật Bản đang đặt ra đường ranh giới đỏ quanh chuỗi đảo Senkaku mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền gọi là Điếu Ngư. Việc này nhằm đẩy lùi hành động quân sự ngày càng hung hăng của Bắc Kinh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi khẳng định, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ của Nhật Bản và sẽ được bảo vệ trước bất kỳ mối đe dọa nào của Trung Quốc nếu cần thiết.

Nhật Bản đang mở rộng Lực lượng Phòng vệ, bổ sung máy bay chiến đấu F-35 tối tân và chuyển đổi tàu chiến thành tàu sân bay. Nước này cũng đang đóng các tàu khu trục, tàu ngầm và tên lửa mới, đồng thời lưu ý rằng chi tiêu quân sự của nước này vẫn giảm so với chi tiêu quân sự tăng lên của Trung Quốc.

“Chống lại hành động của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku và các khu vực khác của Biển Hoa Đông... chúng tôi phải thể hiện rằng chính phủ Nhật Bản đang kiên quyết bảo vệ lãnh thổ của mình với số lượng tàu tuần duyên nhiều hơn của Trung Quốc”, ông Kishi nói.

Căng thẳng về chuỗi đảo đá không có người ở này đã âm ỉ trong nhiều năm. Gần đây, Trung Quốc đã ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của họ trong khu vực bằng cách điều đội tàu cùng thiết lập các luật mới để tăng cường quyền hạn cho lực lượng bảo vệ bờ biển của họ.

Theo các nhà chức trách Nhật Bản, các tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, hoặc trong phạm vi 12 hải lý của đất liền Nhật Bản, tổng cộng 88 lần trong 8 tháng của năm 2021. Trong khi ở vùng tiếp giáp, đã có 851 cuộc xâm nhập của tàu Trung Quốc.

Các tàu Hải giám Trung Quốc song hành với tàu Cảnh sát biển Nhật Bản tại khu vực gần quần đảo Senkaku hồi tháng 4-2013

Các tàu Hải giám Trung Quốc song hành với tàu Cảnh sát biển Nhật Bản tại khu vực gần quần đảo Senkaku hồi tháng 4-2013

Các chuyên gia cho rằng, chiến lược của Trung Quốc là bố trí lực lượng của họ ở trong và xung quanh các khu vực tranh chấp đồng thời sử dụng luật pháp và thẩm quyền đơn phương lên đó. Hành động như vậy nhằm khiến cho yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trở thành lẽ tất nhiên.

Alessio Patalano, giáo sư chiến tranh và chiến lược tại Đại học Hoàng gia Anh cho biết: “Thực thi các quyền của quốc gia ven biển là một bước quan trọng trong việc chứng thực chủ quyền thông qua thực tiễn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã lưu ý đến điều này. Ông nói: “Có những hành động tiếp tục thách thức một phần lãnh thổ có chủ quyền của Nhật Bản. Những hành động này nhằm tạo ra một sự đã rồi”.