Nhật Bản cần bao nhiêu hệ thống SM-3 mặt đất?

ANTĐ - Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang cân nhắc triển khai một phiên bản mặt đất mới của dòng tên lửa đánh chặn mà Mỹ đang phát triển nhằm củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. 

Theo các nguồn tin quân sự Nhật Bản, bộ này dự định sẽ biên chế các tên lửa SM-3 triển khai trên mặt đất mới, ngoài các hệ thống SM-3 trên biển mà hải quân đã sở hữu, nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng đánh chặn các tên lửa đạn đạo đang bay về phía Nhật Bản.

Để triển khai kế hoạch này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự kiến ​​sẽ phân bổ hàng chục triệu yên từ ngân sách nhà nước năm tài khóa 2015 để nghiên cứu phát triển phiên bản tên lửa này.

Do một tên lửa đánh chặn SM-3 trên đất liền có thể bảo vệ được một khu vực trong phạm vi bán kính khoảng 500km, cho nên nước này cần ít nhất 3 vị trí triển khai tên lửa để có thể bảo vệ được toàn bộ lãnh thổ. Ngoài ra, các bệ phóng tên lửa SM-3 trên đất liền còn có tính cơ động cao do có thể được tháo dỡ trong 5 đến 10 ngày và có thể dễ dàng được di chuyển đến triển khai tại các địa điểm khác.

Nhật Bản cần bao nhiêu hệ thống SM-3 mặt đất? ảnh 1
Các tàu chiến Mỹ thử hệ thống đánh chặn Aegis trên biển

Hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 trên đất liền được trang bị radar hiệu suất cao AN/SPY-1, các hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, trinh sát và máy tính, hệ thống phóng thẳng đứng… giống với hệ thống tên lửa đánh chặn Aegis được trang bị trên các tàu khu trục mới, và được gọi là hệ thống “Aegis trên đất liền”.

Hiện tại, Nhật Bản đã triển khai các hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 trên các tàu khu trục lớp Aegis, được sử dụng để đánh chặn các tên lửa bay trong vũ trụ, trong khi tên lửa Patriot PAC-3 trên mặt đất đã được triển khai có nhiệm vụ bắn hạ các tên lửa mà hệ thống SM-3 trên biển không thể đánh chặn.

Tuy nhiên, mỗi tên lửa PAC-3 chỉ có khả năng bảo vệ một khu vực có bán kính 20km, và Nhật Bản mới chỉ triển khai được 30 khẩu đội PAC-3. Cho nên, trong trường hợp bị tấn công ồ ạt bằng tên lửa đạn đạo vào Nhật Bản, các tên lửa Patriot PAC-3 của Nhật Bản sẽ không thể đối phó hữu hiệu.

Nhật Bản cần bao nhiêu hệ thống SM-3 mặt đất? ảnh 2
Hệ thống chiến đấu Aegis trên đất liền

Để củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch sẽ tăng gấp đôi các tàu khu trục lớp Aegis được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo từ 4 chiếc lên 8 chiếc vào năn tài khóa 2018.

Khả năng của tên lửa SM-3 trên biển gần tương tự như tên lửa SM-3 trên mặt đất. Tuy nhiên, hải quân Nhật Bản được cho là chỉ sử dụng các tàu khu trục lớp Aegis cho các hoạt động phòng không, nên chúng không thể tập trung vào các hoạt động phòng thủ tên lửa đạn đạo được. Đây là một phần khiến Nhật Bản có kế hoạch cải thiện khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo bằng việc triển khai các hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 trên đất liền.