Nhật Bản-Ấn Độ: G2 mới trên mặt trận chống Trung Quốc

ANTĐ - Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến New Delhi trùng với đợt căng thẳng kế tiếp trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo. Đây không phải là sự ngẫu nhiên mà là tính toán của Nhật nhằm mở rộng khối đồng minh chống Trung Quốc.

Khởi nguồn mối cẳng thẳng này là phát ngôn của người đứng đầu nội các Nhật, khi ông so sánh giữa Nhật Bản và Trung Quốc với các mối quan hệ giữa Đức và Anh trước khi xảy ra Thế Chiến thứ nhất. Đúng như dự kiến, lời phát biểu của ông Abe đã gây ra sự bất mãn mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.

Thủ tướng Abe những tháng gần đây đang tích cực thực hiện các chuyến đi nước ngoài trong bối cảnh liên tục xảy ra những cuộc cãi vã ngoại giao, chấm dứt các mối quan hệ kinh tế thương mại cũng như các tình huống xung đột ở biển Hoa Đông, vốn đã trở thành những yếu tố đồng hành không thể tách rời trong mối quan hệ Nhật - Trung hiện tại.

Nhật Bản-Ấn Độ: G2 mới trên mặt trận chống Trung Quốc ảnh 1

Nhật Bản và Ấn Độ có tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quân sự


Bình luận viên của đài phát thanh “Tiếng nói nước Nga” - ông Sergey Tomin, nhận xét: “Mục tiêu của ông Abe là tìm thêm càng nhiều đồng minh tiềm năng để kiềm chế Trung Quốc, kéo "tuyến phòng thủ" vô hình ra càng xa càng tốt. Vì vậy mà hơn bao giờ hết, thủ tướng Nhật hiện nay cần được sự hỗ trợ của một siêu cường quốc khác của châu Á là Ấn Độ, đây cũng phù hợp với học thuyết an ninh của Ấn Độ, khi họ cũng có những mâu thuẫn trầm trọng với Trung Quốc”.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi tình hình khu vực hiện nay trong lĩnh vực an ninh, đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ cho sự phát triển mối quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ. Chuyến thăm đầu tiên tới New Delhi trong vòng nửa thế kỷ qua của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko hồi cuối năm ngoái là một xác nhận rõ nét, về việc hiện nay đang hình thành những điều kiện thuận lợi chưa từng có cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước.

Chủ nhật vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương, Thủ tướng Nhật Bản có mặt với tư cách khách mời chính tại cuộc duyệt binh ở Delhi nhân Lễ kỷ niệm trọng thể “Ngày Cộng hòa” của đất nước này. Trong một cuộc phỏng vấn với báo “Times of India” Thủ tướng Nhật Bản lo lắng ghi nhận rằng “tình hình an ninh của khu vực châu Á -Thái Bình Dương đang trở nên ngày một tồi tệ hơn”.

Nhật Bản-Ấn Độ: G2 mới trên mặt trận chống Trung Quốc ảnh 2

Nhật sẽ cung cấp thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ


Có thể nhận thấy, cả người Ấn Độ lẫn người Nhật Bản đều có truyền thống đặc biệt coi trọng những cử chỉ mang tính biểu tượng trong chính trị. Vì vậy, sự hiện diện của Thủ tướng Abe tại lễ hội ở thủ đô Ấn Độ cũng như chuyến thăm Delhi hồi tháng trước của Nhật hoàng Akihito, có thể cho thấy đang xảy ra thay đổi mốc quan trọng trong những mối quan hệ này.

Thủ tướng Shinzo Abe trịnh trọng tuyên bố ở Delhi: “Quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ có những tiềm năng to lớn nhất, vượt qua tiềm năng của bất kỳ mối quan hệ song phương nào khác trên thế giới”. Tăng trưởng nhanh chóng kim ngạch thương mại giữa hai nước, vốn đang dự kiến đạt 25 tỷ USD trong năm tới, có thể là những minh chứng rõ nét cho lời phát biểu của nhà lãnh đạo Nhật Bản.

Bình luận viên Sergey Tomin nhận định: “Vấn đề không chỉ ở các con số. Các công ty Nhật Bản đang ngày càng tích cực hơn trong việc chuyển các cơ sở sản xuất công nghệ cao của mình sang Ấn Độ. Trong chương trình nghị sự giữa hai bên có chương trình hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Đồng thời, thêm một lĩnh vực đầy hứa hẹn nữa là quan hệ kỹ thuật-quân sự”.

Nhật Bản-Ấn Độ: G2 mới trên mặt trận chống Trung Quốc ảnh 3

Lĩnh vực tàu ngầm AIP cũng hứa hẹn tiềm năng hợp tác


Sau chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến Delhi, hai bên đã đạt thỏa thuận tích cực, bàn bạc các biện pháp xúc tiến các hạng mục dẫn đến ký kết hợp đồng cung cấp cho Ấn Độ các thủy phi cơ hiện đại US-2 của Nhật Bản. Hơn nữa, hoàn toàn có khả năng sẽ tổ chức sản xuất liên doanh những máy bay này ở Ấn Độ trong tương lai. Ngoài ra, công nghệ tàu ngầm AUP cũng là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong tương lai.

Nhìn chung, Ấn Độ và Nhật Bản ngày hôm nay đang ở trong hoàn cảnh “cùng chung cảnh ngộ”, trong điều kiện mối quan hệ của họ có thể trở thành đầu tàu tăng trưởng và phát triển mới của khu vực châu Á. Đồng thời, liên minh Delhi và Tokyo mới ra đời này hoàn toàn có thể giữ một trong những vai trò chủ chốt nhất bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.