Nhập nhèm rau, thịt sạch

ANTĐ - Để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho gần 10 triệu dân, Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố phía Bắc trong việc cung ứng thực phẩm, nhưng do sự kiểm soát còn thiếu chặt chẽ nên tình hình vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. 

Nhập nhèm rau, thịt sạch ảnh 1Lượng rau củ, quả từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ rất lớn

Hàng loạt mẫu rau thịt nhiễm chất cấm

Hầu hết thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, một phần ở các siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP gặp nhiều khó khăn. Trong 10 tháng của năm 2015, các cơ quan chức năng đã lấy 437 mẫu sản phẩm nông lâm, thủy sản tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh và chợ đầu mối để giám sát chất lượng ATVSTP.

Đã có kết quả phân tích 356/437 mẫu, phát hiện 2/39 mẫu chè (5,12%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tồn dư kim loại nặng vượt ngưỡng tối đa cho phép; 2/95 mẫu cá (2,1%) có dư lượng chất cấm; 2/42 mẫu rau (4,76%) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép, trong khi năm 2014 chỉ tiêu này chỉ là 2,72%. 17/101 mẫu thịt (16,83%) phát hiện Salmonella. Đáng chú ý có 5/55 mẫu thịt lợn (9,1%) phát hiện dư lượng chất cấm tạo nạc Salbutamol. 

Ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn chưa đảm bảo; người chăn nuôi vẫn lạm dụng chất tạo nạc và kháng sinh để kích thích tiêu hóa, tăng trưởng vật nuôi.

Trà trộn rau sạch-bẩn

Căn cứ vào kết quả phân tích, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội đã truy xuất nguồn gốc, thông báo cho cơ quan chức năng các tỉnh, thành phố để có biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Giang cho rằng, do kết quả phân tích khá mất thời gian, từ 7-10 ngày nên việc truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm khá phức tạp, đặc biệt với sản phẩm tươi sống.

Ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La - địa phương cung cấp lượng rau, củ, quả khá lớn cho Hà Nội cho hay, “Vừa qua, cơ quan chức năng Hà Nội đã gửi thông báo một số mẫu rau sản xuất tại Mộc Châu không đảm bảo ATVSTP. Chúng tôi đã truy xuất, dù tất cả các hộ dân đều có sản xuất rau an toàn, nhưng do nhu cầu tiêu thụ ở Hà Nội lớn, lượng rau của hợp tác xã không đáp ứng đủ nên bà con đã thu mua thêm rau ở bên ngoài”.

Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nhìn nhận, tình trạng một số hợp tác xã cung ứng rau an toàn thu mua rau ở bên ngoài để trà trộn làm rau “sạch” vẫn xảy ra, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cũng thông tin, vừa qua, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một số hợp tác xã trà trộn rau thu mua ở chợ đầu mối vào làm rau an toàn. Một số bếp ăn tập thể, trường học… qua kiểm tra đã phát hiện, chỉ ký hợp đồng cung ứng rau an toàn để đối phó, thực tế thì mua rau tại các chợ đầu mối đưa vào sử dụng

Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, các tỉnh, thành phố cần xây dựng những chuỗi sản xuất, sơ chế, phân phối thực phẩm có chỉ dẫn địa lý để truy xuất khi có sự cố xảy ra, xử lý đúng việc, đúng tội. Còn theo ông Ngô Đại Ngọc, quan trọng vẫn là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, tới đây Hà Nội sẽ siết chặt lại việc cung cấp thực phẩm từ các địa phương vào tiêu thụ trên địa bàn.

Thu hồi Giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn

Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội vừa quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP đối với 2 cơ sở sản xuất rau an toàn có hành vi vi phạm. Cụ thể, phạt Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Đạo Đức (Vân Trì, Đông Anh) 24 triệu đồng vì hành vi xã viên của hợp tác xã đã trà trộn, mua rau tại chợ đầu mối để đưa vào một số siêu thị, dưới danh nghĩa rau an toàn.

Công ty CP xuất nhập khẩu nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á (phường Vĩnh Hoàng, quận Hoàng Mai) bị phạt 10 triệu đồng vì hành vi trà trộn rau thu mua ngoài chợ làm rau an toàn. Đặc biệt, Công ty này còn bị Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Lý do thu hồi, bởi diện tích được cấp Giấy chứng nhận hiện đã không còn sản xuất rau, đồng thời yêu cầu Công ty Đông Nam Á không được sử dụng Giấy chứng nhận này trong các giao dịch về rau an toàn.