Nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh trong tháng 4

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 4 vừa qua đã giảm mạnh, đến 39,6% về lượng so với tháng trước.
Việt Nam vẫn đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước

Việt Nam vẫn đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước

Theo Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), lượng xăng dầu nhập khẩu trong tháng 4 đạt 789.335 tấn, trị giá 860,3 triệu USD.

Lượng xăng dầu nhập khẩu này đã giảm đến 39,6% về lượng và 36,6% so với tháng trước. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2022, lượng xăng dầu nhập khẩu đạt 3.422.208 tấn, trị giá 3,2 tỷ USD.

Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc, chiếm 40,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong tháng 4, lượng xăng dầu nhập khẩu từ thị trường này đã giảm tới 54,2% về lượng và giảm 51% về kim ngạch so với tháng 3-2022.

Sau Hàn Quốc, Việt Nam nhập khẩu 17,2% từ Malaysia. Thị trường Singapore cũng cung cấp cho Việt Nam hơn 13% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, trong tháng 4 thì lượng và kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đều giảm mạnh.

Việc giảm mạnh nhập khẩu xăng dầu được cho có một phần nguyên nhân từ việc các nhà máy lọc dầu trong nước đã hoạt động ổn định hơn, cung ứng nhiều hơn cho thị trường nội địa.

Do đó, sau khi tính toán các nguồn trong nước và nhập khẩu, Bộ Công Thương khẳng định sẽ đủ nguồn xăng dầu cung ứng trong quý II này.

Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, quý II-2022, dự kiến Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 xăng dầu.

Trong quý I, các thương nhân đầu mối cũng đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng giao hàng so với kế hoạch.

Cụ thể, Tổng công ty dầu Việt Nam (PVoil) nhập khẩu tăng thêm và lượng xăng dầu về cảng Việt Nam trong cuối tháng 2-2022, đầu tháng 3-2022 là 26.000m3 xăng và 40.000m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã thực hiện nhập khẩu trong tháng 2-2022 khoảng 100.000m3 xăng và 200.000m3 dầu;

Công ty Hải Hà cũng nhập khẩu trong tháng 2 khoảng 90.000m3 dầu; Công ty Xuyên Việt Oil nhập khẩu khoảng 20.000m3 xăng và 60.000 m3 dầu; Công ty Nam Sông Hậu nhập khẩu khoảng 20.000m3 xăng và 7.500 m3 dầu, Công ty Long Hưng nhập khẩu 10.000m3 xăng và 10.500m3 dầu, Thiên Minh Đức nhập khẩu 20.000m3 dầu, Dương Đông nhập khẩu 13.000m3 xăng và 20.000m3 dầu... để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký.

Nguồn cung xăng dầu khan hiếm là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng dầu tăng liên tục trong thời gian qua. Ngày 23-5, giá xăng trong nước đã xác lập kỷ lục mới lên mức 30.657 đồng/lít sau khi tăng khá mạnh từ 15h cùng ngày.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Vũ Hồng Thanh đề nghị cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Giá xăng dầu tăng cao tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Mong muốn giảm giá xăng là nhu cầu tất yếu của nhiều người. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cũng là vấn đề quan trọng, bởi lẽ nhiều nước trên thế giới có dấu hiệu khủng hoảng nguồn cung mặt hàng này.

Giới truyền thông đưa tin, tuần trước nhiều trạm xăng tại Lào đã đóng cửa, buộc người tiêu dùng phải xếp hàng nhiều giờ để mua nhiên liệu tích trữ. Phần lớn lượng xăng tiêu thụ tại Lào phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu từ nước láng giềng Thái Lan.