Nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh và mối lo thiếu thịt vào cuối năm do dịch tả châu Phi

ANTD.VN -Theo báo của Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia trên cả 5 châu lục và các nước đã buộc phải tiêu hủy hàng trăm triệu con lợn với tổn thất hàng chục tỷ USD.

Tại Hội nghị thường niên lần thứ 87 của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) tại Pháp từ ngày 26 – 31/5/2019, các tổ chức quốc tế cũng như các nước nhận định bệnh dịch tả lợn châu Phi là mối đe dọa lớn toàn cầu. Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ ưu tên hàng đầu của các tổ chức quốc tế và biện pháp phòng bệnh duy nhất hiện nay là vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học bởi vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị.

Tại Trung Quốc, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra rất nghiệm trọng tại 100% các tỉnh, số lợn buộc phải tiêu hủy do dịch rất lớn, được ước tính đã lên tới 200 triệu con, Chính phủ Trung Quốc đã phải chi tới hơn 1 tỷ USD cho công tác phòng, chống dịch bệnh, thậm chí phải điều chỉnh mức hỗ trợ nhiều lần.

Đã có hơn 2,5 triệu con lợn tại Việt Nam  buộc phải tiêu hủy do dịch tả châu Phi

Tại Việt Nam, đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.068 xã, 413 huyện của 55 tỉnh, thành phố, số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 2,5 triệu con với trọng lượng xấp xỉ 150.000 tấn. Thời gian qua đã có 56 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày, tuy nhiên sau đó một số nơi dịch bệnh lại bùng phát trở lại.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, với các hộ chăn nuôi lớn không được chủ quan, phải hết sức nghiêm túc, sáng tạo để tiếp tục kiện toàn, nâng cấp an toàn sinh học cao hơn nữa với tinh thần không được chủ quan, nhưng cũng không bi quan.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng lưu ý Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi theo nhiều hướng khác nhau, quy mô lớn hơn, kịch bản đa dạng hơn.

Trong đó, cần mời các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thú y, chăn nuôi lớn cùng vào cuộc để sau này khi thành công rồi ngay lập tức có doanh nghiệp tiếp quản khâu phân phối, thương mại.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ NN&PTNT tới đây sẽ mời các doanh nghiệp có buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tìm cách tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, tín dụng cho khu vực chăn nuôi, bởi đây luôn là nội dung mấu chốt xuyên suốt lâu dài với ngành chăn nuôi.

Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương dự báo, về cuối năm, nguy cơ cao sẽ xảy ra tình trạng thiếu thịt lợn. Do vậy, hai Bộ cũng như nhiều địa phương đề nghị, cần khuyến khích doanh nghiệp cấp đông thịt lợn để phòng cuối năm thiếu thịt.

Tại một cuộc họp về triển khai đối phó với dịch tả lợn châu Phi mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu, Bộ NN&PTNT cần có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn giết mổ lợn trong vùng dịch bệnh với sự giám sát của cơ quan thú y.

Bộ Công Thương họp với các doanh nghiệp để rà soát, đánh giá nguồn cung cầu, sẵn sàng các phương án cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.

Trong khi đó, thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt heo đạt 23,58 triệu USD, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Đây là mức tăng đột biến sau khi Việt Nam xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.