Nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ: Coi chừng hậu quả môi trường

ANTĐ - Việc cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ khiến dư luận hết sức lo ngại. Lợi ích kinh tế chưa thấy đâu nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường đã thấy rõ. Hiện nay, cảng Hải Phòng đang “chết dở” vì hàng trăm container rác thải nguy hại như lốp cao su, vỏ máy tính… đã qua sử dụng nhưng vô chủ, bỏ đi không được, bán lại không xong.

Nhập khẩu tàu cũ để phá dỡ: Coi chừng hậu quả môi trường ảnh 1Tàu biển cũ tiềm ẩn rất nhiều nguy hại cho môi trường

Phục hồi ngành đóng tàu biển nhờ phá tàu cũ?

Ông Đỗ Đức Tiến, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, sau khi Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2015 có hiệu lực, cho phép nhập khẩu tàu cũ đã qua sử dụng về nước phá dỡ, Cục này đã xây dựng Đề án thí điểm phá dỡ tàu (đến 2018) để thực hiện ở 4 cơ sở gồm Phà Rừng, Nam Triệu, Bạch Đằng và Bến Thủy. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GTVT mới triển khai tại 2 cơ sở là Phà Rừng và Nam Triệu. Sau đó, Bộ GTVT sẽ tổng kết trước khi cho mở rộng ra các cơ sở khác.

“Ngành công nghiệp đóng tàu nước ta đang lâm vào tình trạng khó khăn về mọi mặt, hợp đồng đóng mới, sửa chữa rất ít. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có năng lực phá dỡ tàu biển, dư thừa lao động có kinh nghiệm lại không có việc làm. Việc phá dỡ tàu sẽ tạo thêm công ăn việc làm, tạo ra nguồn thu, tận dụng các cơ sở nhà máy đóng tàu để từng bước phục hồi, phát triển và xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu biển,” ông Đỗ Đức Tiến bày tỏ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng hải cũng thừa nhận, bên cạnh những lợi ích đem lại, việc phá dỡ tàu cũ cũng tiềm ẩn những bất lợi ảnh hưởng đến môi trường nếu không có sự kiểm soát, kiểm tra, quản lý chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền.

Theo Cục Hàng hải, dù Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cho phép nhập khẩu tàu cũ nhưng đi kèm với đó là một loạt các yêu cầu. Cụ thể Nghị định 114/2014/NĐ-CP ngày 26-11-2014 quy định đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu tàu biển để phá dỡ, cơ sở nào đáp ứng được môi trường, điều kiện đảm bảo mới được phép thực hiện thí điểm.

“Một số cơ quan chức năng cho rằng, đây là công nghiệp không sạch, nhập rác thải về Việt Nam. Tuy nhiên, nếu vì sợ ảnh hưởng môi trường mà gạt bỏ một ngành công nghiệp mũi nhọn thì cũng không nên. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là phải giám sát việc nhập khẩu tàu cũ, không vì lợi nhuận mà hy sinh môi trường. Do đó, lộ trình phê duyệt rất hạn chế và ngặt nghèo”, ông Đỗ Đức Tiến khẳng định. 

Là cơ quan thẩm định về môi trường, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, theo quy định hiện hành, việc mua bán, đăng ký tàu cũ từ nước ngoài được thực hiện theo Nghị định 161/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013. Theo đó, tàu biển mua, bán, đăng ký lần đầu tại Việt Nam không quá 10 tuổi đối với tàu khách và không quá 15 tuổi đối với loại tàu biển khác. 

Nếu có lợi, sao thế giới không làm?

Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định rõ, việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Các văn bản dưới luật cũng quy định rõ đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. 

Cụ thể, chỉ cho phép phá dỡ tàu cũ tại các cơ sở nằm trong quy hoạch được phê duyệt, cấp giấy phép; kế hoạch phá dỡ tàu biển và kế hoạch bảo vệ môi trường trong phá dỡ từng con tàu biển nhập khẩu phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. “Một đặc điểm quan trọng của tàu biển cũ là chứa rất nhiều chất thải nguy hại như amiăng, PCB... Do vậy, việc nhập khẩu đương nhiên cũng làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nhất là trong giai đoạn phá dỡ sau khi sử dụng”, ông Hoàng Dương Tùng nhìn nhận.

Theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, thực tế đã xảy ra tình trạng, doanh nghiệp nhập tàu biển về sau đó hoán cải để sử dụng với mục đích khác dẫn đến nguy cơ mất ATGT đường thủy, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường do tràn đổ dầu, chất thải vào môi trường.

Hiện nay, Bộ TN-MT đang xây dựng dự thảo Thông tư về bảo vệ môi trường trong hoạt động phá dỡ tàu biển và quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng nhập khẩu. Trong đó có quy định, chủ cơ sở phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trong phá dỡ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Tuy nhiên, một số chuyên gia về môi trường vẫn tỏ ra lo ngại, vì quy định cũng chỉ là trên hồ sơ, giấy tờ, nếu không có kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì sẽ khó quản lý.

“Nếu phá tàu cũ có lãi mà không gây độc hại thì thế giới đã làm từ lâu. Chúng ta phải coi chừng vì có thể hiểu tàu cũ như đồ thải, không cho xử lý ở nước sở tại mới tính bán cho nước khác tháo dỡ”, một chuyên gia đặt vấn đề.