Nhập khẩu ồ ạt lúa mì

(ANTĐ) - Mới qua 8 tháng của năm 2010 nhưng lượng lúa mì nhập khẩu của Việt Nam đã đạt con số kỷ lục. Điều này đã và đang gây tâm lý lo ngại, bởi, nếu không có sự cân nhắc thì việc nhập khẩu ồ ạt này sẽ là một trong những yếu tố làm tăng giá trị nhập khẩu vật tư của ngành nông nghiệp.

Nhập khẩu ồ ạt lúa mì

(ANTĐ) - Mới qua 8 tháng của năm 2010 nhưng lượng lúa mì nhập khẩu của Việt Nam đã đạt con số kỷ lục. Điều này đã và đang gây tâm lý lo ngại, bởi, nếu không có sự cân nhắc thì việc nhập khẩu ồ ạt này sẽ là một trong những yếu tố làm tăng giá trị nhập khẩu vật tư của ngành nông nghiệp.

Mức nhập khẩu kỷ lục

Số liệu từ Trung tâm Tin học và thống kê (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trong tháng 8, lượng nhập khẩu lúa mì từ các doanh nghiệp trong nước ước vào khoảng 100.000 tấn với trị giá 24 triệu USD. Như vậy, tổng lượng lúa mì đã nhập khẩu trong 8 tháng đầu của năm 2010 là 1,4 triệu tấn với trị giá 343 triệu USD, gấp 1,5 lần cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2009, gấp 2 lần mức nhập khẩu của năm 2008. Đây được coi là năm nhập khẩu lúa mì kỷ lục. Đặc biệt trong khoảng từ tháng 3 tới tháng 6, lúa mì được ồ ạt nhập về, sang tháng 7, lượng nhập khẩu bắt đầu có xu hướng giảm, đạt 230.000 tấn, kim ngạch 56 triệu USD. Tháng 8, lượng nhập khẩu chỉ còn một nửa. Nguyên nhân theo lý giải từ phía các nhà nhập khẩu là do, từ tháng 7, giá lúa mì trên thế giới đã có sự biến động tăng. Tuy nhiên, con số nhập khẩu trong 8 tháng qua khiến không ít doanh nghiệp sử dụng lúa mì trong nước phải “ngạc nhiên”. Tại cuộc họp báo của Tổ điều hành xuất khẩu gạo mới đây, khi con số nhập khẩu này được công bố, ông Nguyễn Thành Biên - Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng chưa có lời giải đáp thấu đáo.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bởi vậy, lương thực trong nước không thiếu. Cũng do vậy, từ trước tới nay, Việt Nam dường như không sử dụng lúa mì làm lương thực. Nhưng nhiều năm qua, Việt Nam vẫn nhập khẩu một khối lượng lúa mì nhất định dành cho nhu cầu chế biến thực phẩm, sản xuất bánh kẹo và một phần bổ sung làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN). Lý giải tình trạng này, ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, do giá ngô tăng quá cao trong những tháng đầu năm, nên các doanh nghiệp sản xuất thức ăn trong nước đã tìm nguồn nguyên liệu giá rẻ hơn từ bên ngoài. Giá ngô trong nước ở mức 5.400-5.600 đồng/kg, trong khi giá lúa mì nhập khẩu bình quân trong 7 tháng đầu năm chỉ 243 USD/tấn. Chính vì giá bột mì rẻ hơn ngô, nên các doanh nghiệp chế biến TACN đã thay thế ngô bằng bột mì.

Lượng nhập khẩu sẽ còn tăng

Sự việc này lại một lần nữa cho thấy, nhập khẩu nguyên liệu cho ngành chế biến TACN ngày càng tăng nhanh, trong khi việc giải quyết nguồn cung từ trồng trọt trong nước chưa được cải thiện. Theo ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, nếu như các năm trước, tỷ trọng nguyên liệu phải nhập khẩu cho ngành chế biến TACN là 60-70%, thì năm 2010 tỷ trọng này đã là trên 90%. Trong 8 tháng đầu năm, số tiền mà Việt Nam phải chi để nhập khẩu TACN là 1,6 tỷ USD, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Và, hiện Việt Nam là 1 trong 5 nước nhập khẩu ngô nhiều nhất châu Á.

Ông Nguyễn Hồng Văn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này luôn theo dõi sát diễn biến tình hình cung cầu ngũ cốc trên thế giới. “Ngay từ đầu năm, khi thấy hạn hán và thời tiết khắc nghiệt diễn ra, chúng tôi đã dự đoán tình hình cuối năm thế giới sẽ lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Vì vậy, khi thấy giá lúa mì giảm thấp trong những tháng đầu năm, chúng tôi đã nhập khẩu để dự trữ” - ông Văn nói. Đồng tình quan điểm trên, ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia phân tích ngành hàng lúa gạo của Công ty cổ phần Phân tích và nghiên cứu thị trường Việt Nam AgroMonitor cho rằng, hiện nhiều chuyên gia phân tích ngành hàng nông sản, cũng như các cơ quan Nhà nước đang phê phán việc phải chi quá nhiều ngoại tệ cho nhập khẩu lúa mì. Song trong sự việc này, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã có phản ứng rất nhạy bén, điều này cho thấy năng lực dự báo ngành hàng nông sản ở nước ta đã được nâng lên rất nhiều.

Ông Diệu lấy dẫn chứng, trên thị trường thế giới, hiện giá lúa mì tại Chicago, Mỹ đã tăng đến 80% so với 1 tháng trước và đạt mức cao kỷ lục trong vòng 23 năm qua. Giá lúa mì tăng chóng mặt bắt nguồn từ nguyên nhân nước Nga đã ngừng xuất khẩu lúa mì. Hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nước trên thế giới đã khiến sản lượng nhiều loại cây lương thực sụt giảm mạnh, trong đó có lúa mì. Nếu tình trạng khô hạn và lũ lụt tiếp tục kéo dài ở nhiều nước, nguy cơ thiếu lương thực sẽ ngày càng cao. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, dù giá lúa mì đã tăng khá mạnh, nhưng lượng lúa mì nhập khẩu về Việt Nam từ nay đến cuối năm sẽ vẫn còn tăng.

Hạ Quỳnh

Sản lượng lúa mì thế giới sụt giảm khoảng 7 triệu tấn

Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) dự báo, sản lượng lúa mì toàn cầu sẽ giảm trên 7 triệu tấn trong năm nay do giá thấp khiến người nông dân từ bỏ loại cây này chuyển sang những cây trồng cho lợi nhuận cao hơn. Cùng với đó là thiên tai, hạn hán ở nhiều nơi cũng khiến năng suất và diện tích loại cây này giảm. Theo FAO, sản lượng lúa mì toàn cầu năm nay sẽ đạt 675 triệu tấn, thấp hơn năm ngoái và càng thấp hơn so với mức cao kỷ lục 683,8 triệu tấn của năm 2008. Tuy nhiên, dù giảm song sản lượng lúa mì thế giới sẽ vẫn cao hơn mức trung bình của 5 năm qua.