Nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh, Việt Nam nhập siêu 1,47 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo Tổng cục Thống kê, giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến Việt Nam nhập siêu trong nửa đầu năm nay, thay vì xuất siêu như cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 6 và 6 tháng các năm gần đây

Kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong tháng 6 và 6 tháng các năm gần đây

Nửa đầu năm nay, dịch Covid-19 bùng phát 2 lần vào tháng 1 và tháng 4, kéo dài cho đến hiện tại, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và thương mại của doanh nghiệp.

Dù vậy, xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá cao 36,1%, đạt 159,1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường chủ yếu đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020: Trung Quốc tăng 53%; Hàn Quốc tăng 21,1%; ASEAN tăng 47,7%; EU tăng 16,3%.

Ở chiều nhập khẩu, giá trị nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng cao với cùng kỳ năm 2020, trong đó ô tô tăng 78,4%; kim loại thường tăng 61,2%; chất dẻo tăng 54,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 22,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 48,7%; sắt thép tăng 40,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 37,3%...

Một trong những nguyên nhân khiến giá trị nhập khẩu của các mặt hàng tăng mạnh là do chỉ số giá nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chỉ riêng trong quý II-2021 đã là 3,28%.

Theo Tổng cục Thống kê, nhiều mặt hàng nhập khẩu có ý nghĩa quan trọng phục vụ gia công sản xuất tăng về giá trị: kim loại thường khác tăng 12,8%; sắt thép tăng 7,65%; vải tăng 1,65%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 1,62%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 0,56%.

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng tăng trưởng cao hơn kim ngạch xuất khẩu (nhập khẩu tăng 36,1%; xuất khẩu tăng 28,4%) đã đưa cán cân thương mại 6 tháng đầu năm nhập siêu 1,47 tỷ USD. Cùng thời điểm này năm 2020, Việt Nam xuất siêu 5,86 tỷ USD.

Tuyvậy, Tổng cục thống kê cho biết, xét theo cơ cấu hàng nhập khẩu thì tỷ trọng tư liệu sản xuất chiếm đến 93,9% tổng kim ngạch, tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; giá trị nhập khẩu nhóm hàng này đạt 149,32 tỷ USD, tăng 36,7%.

“Nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất có tốc độ tăng cao, đặc biệt nhóm hàng phục vụ cho sản xuất là nguyên, nhiên vật liệu tăng tới 40,2% (tỷ trọng tăng 1,4 điểm phần trăm) cho thấy dấu hiệu phục hồi sản xuất có tiến triển tốt và khả quan”- đại diện Tổng cục thống kê nói.

Dù vậy, Tổng cục thống kê cho rằng, nếu không có giải pháp hạn chế nhập siêu thì việc nhập siêu lâu dài và nhất là nhập siêu hàng tiêu dùng sẽ phần nào gây ra những tác động không tốt trong nền kinh tế. Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng nhiều, đặc biệt là hàng tiêu dùng xa xỉ phẩm, sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trong nước.

Theo Tổng cục thống kê, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.