Nhấp chuột thay nổ súng

ANTĐ - Chiến tranh không gian mạng đang trở thành một thách thức mang tính toàn cầu đối với an ninh kinh tế, chính trị, quân sự của mỗi quốc gia trên toàn thế giới. Thay vì sử dụng máy bay, tàu chiến cùng các loại tên lửa và bom đạn hữu hình, giờ đây một cú nhấp chuột cũng có thể gây ra những thiệt hại khôn lường cho đối phương.

Trong tương lai, những người lính sẽ ngồi trong phòng thay vì xông pha ngoài mặt trận

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và mạng internet toàn cầu làm cho thế giới xích lại gần nhau hơn song cũng đồng thời mang lại những mối hiểm họa luôn rình rập. Ở mức độ cá nhân, các loại tội phạm trộm cắp nhân dạng “identity theft” gây tổn thất không nhỏ cho người dân. Trên phương diện quốc gia, khái niệm "cyber weapon” (vũ khí kỹ thuật số) và “cyber war” (chiến tranh kỹ thuật số) không còn là những khái niệm thuần lý thuyết. Không ít cường quốc, trong đó có Mỹ, xem mạng lưới máy tính “internet” và không gian ảo “cyber space” là các “chiến trường” thực thụ, có thể ảnh hưởng trực tiếp an ninh quốc gia.

Trong bài phát biểu quan trọng tại một bữa tiệc tối của Lực lượng các chiến dịch đặc biệt vừa được tổ chức tại Florida hôm 23-5 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng các chuyên viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tấn công các trang web liên hệ với Al Qaeda ở Bán đảo Ả-rập để cố gắng chiêu mộ thành viên mới bằng cách “khoe khoang về các chiến tích giết người Mỹ”. “Trong 48 giờ, đội của chúng tôi đã thay đổi những lời lẽ khoe khoang đó bằng các thông tin về số lượng dân thường Yemen thiệt mạng do các cuộc tấn công của Al Qaeda,” bà Clinton nói.

Vậy chiến tranh không gian mạng là gì? Đây là những cuộc tấn công vào các mạng máy tính, hệ thống lưu trữ dữ liệu, hệ thống điều khiển và quản lý các hoạt động qua mạng, hệ thống ngân hàng, tài chính, chứng khoán, các hệ thống vũ khí được điều khiển từ xa qua mạng như vệ tinh, phương tiện bay không người lái... Sự xuất hiện của virus Stuxnet vào năm 2010 đánh dấu sự biến chuyển virus máy tính sang thành vũ khí chiến tranh. Stuxnet được tạo ra nhằm mục đích tấn công hệ thống nhà máy điện hạt nhân của Iran, khiến Iran phải thiết lập lại hệ thống trong nhiều năm. Đây là lần đầu tiên, một mã độc được mô tả như một "vũ khí với tính năng vượt trội". Nguy cơ sử dụng không gian ảo để tấn công thế giới thực đã trở thành hiện thực.

Cùng với việc tác động ảnh hưởng mạnh mẽ của thế giới ảo đối với thế giới thực, không gian mạng đã trở thành “lãnh thổ vô hình” của mỗi quốc gia, giành được quyền kiểm soát mạng giống như quyền kiểm soát biển, quyền kiểm soát trên không, quyền kiểm soát vũ trụ, luôn liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời ngày càng trở thành điểm cao kiểm soát chiến lược mà các nhà quân sự phải giành lấy. Chuẩn bị cho chiến tranh mạng, quân đội nhiều nước mà mới chỉ vài năm trước còn gần như không để ý tới internet, nay cũng đang xây dựng các trung tâm máy tính mới và đào tạo cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn quân nhân. Các nước lớn như Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản đều đặt chiến tranh không gian mạng vào một trong những mối quan tâm lớn nhất, và bắt đầu xúc tiến thành lập các lực lượng chuyên biệt để đối phó với chiến tranh không gian mạng. Chiến tranh không gian mạng đã được chấp nhận là cuộc chiến thứ 5, không có tiếng súng ngoài các cuộc chiến truyền thống của hải, lục, không quân, tình báo.

Trước tâm lý lo ngại gia tăng về nguy cơ "chiến tranh mạng", các chuyên gia công nghệ và ngay cả đội ngũ tin tặc lành nghề đang ngày càng trở nên đắt giá. Theo nhận định chung của giới chuyên gia quân sự thế giới, viễn cảnh của một cuộc chiến trong tương lai sẽ là những người lính với những chiếc bàn phím trong hầm tối thay vì cầm những khẩu súng xung phong trên mặt trận. Chiến tranh mạng với chiến trường không biên giới lãnh thổ, không chiến tuyến và không loại trừ bất kỳ quốc gia nào được cho là sẽ thay thế chiến tranh truyền thống trong thế kỷ XXI.