Nhanh chóng thoát khỏi phụ thuộc

ANTĐ - Tình hình căng thẳng ở Biển Đông chắc chắn sẽ tác động đến tình hình kinh tế - xã hội, dù lúc này chưa đủ thời gian để đánh giá hết mức độ. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, hiện Quốc hội chưa điều chỉnh các chỉ tiêu cơ bản nhằm phù hợp với tình hình. Song, nếu sự ổn định đang chứa đựng những nguy cơ tiềm ẩn, thì chúng ta phải có những hành động cụ thể và thiết thực. Dưới con mắt của một số chuyên gia, lúc này, sự phụ thuộc, lệ thuộc của nền kinh tế nước ta vào Trung Quốc như thế nào cần được mổ xẻ, phân tích một cách thấu đáo và sâu sắc để kịp thời điều chỉnh chính sách trước mắt và lâu dài.

Chỉ có sự ổn định thật sự về kinh tế - xã hội, được chuẩn bị trên một nền móng vững chắc thì mới hạn chế được những tác động theo nhiều hướng từ bên ngoài. Theo Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, dù quan hệ Việt - Trung có tốt lên hay xấu đi, thì nước ta cũng phải giảm phụ thuộc từ Trung Quốc, phải thay đổi quan hệ thương mại, cải thiện chất lượng thương mại, xuất phát từ bài toán lợi ích, đồng thời nhằm giảm thiểu rủi ro cho chính mình. 

Nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng thô, sơ chế, có giá trị gia tăng thấp, đồng thời nhập khẩu các hàng thành phẩm có giá trị gia tăng cao. Cùng một mặt hàng nông sản, nước ta xuất sang Trung Quốc 30 triệu USD, thì nhập khẩu từ nước này 300 triệu USD. Điều này chứng tỏ hoạt động quản lý thị trường hoặc chính sách thương mại của Việt Nam đang cần xem xét lại. Một số nhà nghiên cứu kinh tế vĩ mô nhận định, nhiệm vụ kinh tế trở nên nặng nề và khó khăn hơn vì vừa phải nỗ lực bảo vệ chủ quyền, vừa phải tập trung vượt qua bối cảnh khủng hoảng khó khăn chung của kinh tế thế giới, lại đồng thời tiến hành tái cơ cấu kinh tế trong nước.

Trong 110 nhóm hàng nhập khẩu  từ Trung Quốc với giá trị lên tới 36,96 tỷ USD năm 2013, nhiều sản phẩm là đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu trang thiết bị cho các dự án đầu tư đang triển khai. Nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu sang Việt Nam thì tác động dây chuyền tới nền kinh tế nước ta là không hề nhỏ. Nhập siêu từ Trung Quốc không phải là điều nguy hại nếu nước ta có công nghệ tốt và khả năng xuất khẩu các mặt hàng gia tăng lớn về giá trị sang chính Trung Quốc. Nằm cạnh một nền kinh tế lớn, nước ta phải tìm cách sống chung, hai bên cùng có lợi, đặc biệt là giảm dần sự phụ thuộc từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp phải liên kết, gắn chặt thành một khối vững chắc. Cần tận dụng cơ hội này để mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp nâng cao nhận thức về nguy cơ khó lường, kịp thời điều chỉnh chuỗi cung ứng nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu truyền thống từ Trung Quốc. Đặc biệt, các ngành cần nhanh chóng gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu các linh kiện, phụ kiện từ các nền kinh tế khác.

Điều chỉnh chính sách kinh tế trước tình hình mới là đề xuất và khuyến nghị của giới chuyên gia. Giảm dần sự phụ thuộc từ Trung Quốc, không chỉ giảm thiểu rủi ro trong thương mại, đầu tư, kinh tế, mà về lâu dài còn giảm sự lệ thuộc, xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ.