Nhân viên y tế vẫn bị kỳ thị vì liên quan đến dịch Covid-19

ANTD.VN - Bác sĩ Dina Abdel-Salam hồi tháng trước đã bị khủng bố tinh thần khi rất nhiều người lạ tập trung dưới ban công căn hộ cô đang lánh tạm ở thành phố Ismailia của Ai Cập, réo tên và đe dọa cho đến khi cô gọi cảnh sát đến giúp. “Cô chuyển đến đây để làm cho chúng tôi bị bệnh”, một người nào đó hét lên.

Điều bác sĩ Abdel-Salam phải trải qua chỉ là một trong nhiều vụ việc bác sĩ bị tấn công giữa mùa dịch Covid-19 trên thế giới. Điều này cho thấy, dân chúng nhiều nơi vì sợ hãi và tức giận vì ảnh hưởng của đại dịch mà chống lại chính những người mạo hiểm mạng sống của họ để cứu người.

Nhân viên y tế vẫn bị kỳ thị vì liên quan đến dịch Covid-19 ảnh 1Các bác sĩ ở Mumbai, Ấn Độ được trực thăng của không quân rải hoa cổ vũ trong khi đâu đó vẫn xảy ra những vụ tấn công nhân viên y tế trong mùa dịch Covid-19

Những vụ tấn công hãn hữu

Đại dịch Covid-19, đặc biệt là ở những nơi có cơ sở hạ tầng y tế hạn chế, đã khiến đội ngũ nhân viên y tế gặp nhiều khó khăn. Nhưng họ vẫn bị coi là một nguồn có khả năng lây nhiễm nên phải đối mặt với một thách thức đáng kinh ngạc khác: sự kỳ thị liên quan đến bệnh tật.

Ở Madhya Pradesh, miền Trung Ấn Độ, một nhóm 5 nhân viên y tế, mặc trang phục bảo hộ đầy đủ vào một khu phố để xác nhận những người từng tiếp xúc với một bệnh nhân Covid-19 thì bị đám đông vây quanh, ném đá và la hét lăng mạ. Tại thành phố Chennai, phía Nam Ấn Độ, một đám đông khác đã phá đám tang của ông Simon Hercules, một bác sĩ thần kinh đã tử vong vì virus SARS-CoV-2. 

Ở Guadalajara, thành phố lớn thứ hai của Mexico, nhân viên y tế cho biết, để lộ nghề nghiệp của họ khi đi ra ngoài có thể sẽ “rước họa vào thân”. Một bệnh viện trong thành phố đã hướng dẫn nhân viên của mình thay đồng phục khi hết giờ và Chính phủ đã triển khai quân đội Vệ binh Quốc gia tới các bệnh viện công.

Các sự cố tương tự đã làm dấy lên một số vụ bắt giữ ở Sudan. Ở Omdurman, bờ bên kia sông Nile đối diện Thủ đô Khartoum, cuộc bạo loạn đã nổ ra tại một bệnh viện khi có tin đồn cơ sở này sẽ tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Cảnh sát đã bắt giữ một số người cố gắng tấn công tòa nhà, Giám đốc bệnh viện Babaker Youssef cho biết. Ngay cả giới lãnh đạo bệnh viện cũng không ngoại lệ. Đơn cử, ông Ahmed Abbas, Phó Giám đốc một bệnh viện chính phủ ở thành phố Zagazig của Ai Cập do mặc đồng phục mà bị mắng nhiếc thậm tệ trong khi chờ xếp hàng tại ATM. Người đứng đầu Công đoàn bác sĩ Ai Cập Ihab el-Taher nói rằng những sự cố như vậy là “hạn hữu” nhưng khiến họ nản lòng.

Cần nâng cao ý thức cộng đồng

Sau khi đám tang bác sĩ Hercules bị đám đông phá hỏng ở miền Nam Ấn Độ, một trong những bác sĩ làm cùng nạn nhân đã phát hiện mảnh kính găm vào người. Một đồng nghiệp khác, Pradeep Kumar, đã cùng 2 nhân viên bệnh viện đến tối mới quay lại nghĩa trang để đắp lại mộ cho nạn nhân. “Người đàn ông ngã xuống đó lẽ ra xứng đáng với những điều tốt hơn thế”, ông Kumar nói.

Các nhân viên y tế trên khắp Philippines đã bị tấn công hơn 100 lần kể từ giữa tháng 3, dẫn đến 39 vụ bắt giữ, Trung tướng cảnh sát Guillermo Eleazar cho biết. Trong một cuộc tấn công, 5 người đàn ông đã chặn một y tá trên đường đi làm ở tỉnh Sultan Kudarat vào cuối tháng 3, ném nước tẩy trùng vào mặt và mắt của y tá này. Phản ứng về việc này, Tổng thống Rodrigo Duterte vốn có xu hướng ngăn chặn tội phạm bằng giải pháp bạo lực đã trả lời: “Tôi đã nói với cảnh sát, cách ứng phó có thể bất hợp pháp nhưng tôi sẽ chịu trách nhiệm. Đó là hắt thẳng trở lại vào những kẻ đã tấn công của các bác sĩ và y tá”.

Mặc dù vậy, nhiều bác sĩ cũng thấy sự lạc quan khi ý thức cộng đồng ngày càng tăng. Sau khi cảnh sát giải tán đám đông tại nhà Abdel-Salam, một số người đã quay lại xin lỗi nữ bác sĩ này. Ở Ấn Độ, 2 trong số các bác sĩ bị ném đá ở Madhya Pradesh đã giải thích về mục đích công việc của họ, và họ còn được tặng quà khi trở về.

“Hơn bao giờ hết, chúng ta cần có những hành động cụ thể để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho nhân viên y tế”, ông Ahmed Ahmed al-Mandhari, Giám đốc khu vực phía Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết trong một cuộc họp báo tuần trước. Nhưng ở nhiều nơi, đó là một nhiệm vụ khó khăn bởi các y, bác sĩ đang bị bủa vây bởi sự ngờ vực, sợ hãi và thông tin sai lệch.