Nhân viên Công ty Sông Đà bị đồng nghiệp bắt giữ vì nợ tiền không trả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cần tiền ăn tiêu, anh Hoàng vay tiền của đồng nghiệp cùng công ty với lãi suất "cắt cổ". Khi không trả được nợ, anh này bị nữ đồng nghiệp nhờ người "đón lõng" bắt giữ và bị cưỡng đoạt tiền...

Theo đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của bị cáo, ngày 25-11, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Tuấn Anh (SN 1983, trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội) về các tội "Bắt giữ người trái pháp luật" và "Cưỡng đoạt tài sản". Bị hại trong vụ án là anh Bùi Văn Hoàng (SN 1985, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) và là nhân viên Công ty CP Sông Đà - Thăng Long.

Liên quan đến vụ án, Bùi Thị Yên (SN 1982, ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng đã bị tòa cấp sở thẩm tuyên phạt 9 tháng tù về tội "Bắt giữ người trái pháp luật". Tuy nhiên, người phụ nữ này không kháng cáo, không bị kháng cáo và cũng không bị kháng nghị.

Nguyễn Tuấn Anh (bên trái) cùng Bùi Thị Yên tại phiên tòa phúc thẩm cách đây không lâu.

Nguyễn Tuấn Anh (bên trái) cùng Bùi Thị Yên tại phiên tòa phúc thẩm cách đây không lâu.

Ngoài ra, Bùi Đức Vượng cũng được xác định có hành vi phạm pháp hình sự, nhưng đã nhanh chân bỏ trốn. Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng quyết định tách phần liên quan đến bị can Vượng thành vụ án khác và giải quyết sau.

Theo bản án sơ thẩm, trong khoảng từ năm 2016 đến 2019, anh Bùi Văn Hoàng (cùng làm việc tại Công ty CP Sông Đà - Thăng Long với Bùi Thị Yên) vay của Bùi Thị Yên tổng cộng 305 triệu đồng với lãi suất 1.500 đồng/ 1 triệu đồng/ ngày.

Anh Hoàng trả lãi đồng nghiệp đến tháng 12-2019 thì không còn khả năng thanh toán cả tiền lãi và tiền gốc. Hòng lấy lại số tiền cho đồng nghiệp vay mượn, Yên có ý định nhờ người đòi nợ hộ.

Ngày 7-1-2020, Yên nhờ Hùng râu (tức bị cáo Nguyễn Tuấn Anh) đòi nợ anh Hoàng giúp. Yên cung cấp cho Tuấn Anh giấy tờ vay tiền (tổng cộng 440 triệu đồng, cả tiền gốc lẫn tiền lãi) và hình ảnh về anh Hoàng.

Nhận yêu cầu từ Yên, Tuấn Anh nói "phải đưa nó đi", đồng thời bảo đồng phạm theo dõi anh Hoàng khi anh này ra khỏi Công ty CP Sông Đà - Thăng Long.

Trưa 14-1-2020, anh Hoàng điều khiển xe máy ra khỏi công ty ăn trưa. Ăn xong, anh Hoàng quay về doanh nghiệp thì bị đối tượng tên Đen (chưa xác định được lai lịch) chặn xe và kéo lên ô tô do Tuấn Anh điều khiển đang chờ sẵn.

Ngay khi bị kéo lên ô tô, anh Hoàng bị Tuấn Anh gằn giọng dọa nạt và bị Đen đánh đấm. Cùng thời điểm, Tuấn Anh cho anh Hoàng xem giấy tờ anh này vay nợ tiền của Yên.

Sau đó, Tuấn Anh điều khiển ô tô đi lòng vòng nhiều nơi thuộc quận Hà Đông, đồng thời nói với anh Hoàng rằng: "Số tiền Yên cho Hoàng vay là tiền của Tuấn Anh". Tuấn Anh yêu cầu anh Hoàng và Yên phải trả nợ đối tượng tiền.

Tuấn Anh sau đó, gọi điện thoại và đối tượng tên Trắng (tức Bùi Đức Vượng) lái xe máy chở Yên đến gặp anh Hoàng cùng nhóm người đòi nợ.

Quá trình bắt giữ người trái pháp luật, nhóm đòi nợ ép anh Hoàng phải viết giấy vay tiền tổng cộng 840 triệu đồng và bắt nhân viên Công ty CP Sông Đà - Thăng Long gọi điện cho người thân "xoay tiền" trả nợ hộ.

Bị Tuấn Anh và các đối tượng liên quan khống chế, ép buộc, anh Hoàng buộc phải gọi điện thoại cho ông Nguyễn Trí Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sông Đà - Thăng Long) cầu cứu. Lo lắng cho nhân viên, ông Dũng đã nhanh chóng trả nợ đậy trước cho anh Hoàng 200 triệu đồng.

Sau đó, khi số tài khoản do Tuấn Anh cung cấp nhận được 440 triệu đồng và Yên thông báo bị cơ quan công an triệu tập, nhóm đòi nợ mới chịu thả anh Hoàng.

Quá trình giải quyết vụ án tại giai đoạn sơ thẩm, Nguyễn Tuấn Anh không nhận tội và cho rằng không liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, tòa cấp sơ thẩm vẫn xác định bị cáo này đã phạm vào các tội danh như truy tố và tuyên phạt tổng cộng 9 năm 6 tháng tù.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Tuấn Anh tiếp tục cho rằng bản thân không bắt giữ người trái pháp luật và cũng không cưỡng đoạt tài sản của anh Hoàng. Bào chữa cho bị cáo này, luật sư Trần Đình Triển nêu quan điểm thân chủ của mình không phạm tội cưỡng đoạt tài sản.

Đối với tội "Bắt giữ người trái pháp luật", luật sư cho rằng Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ giữ vai trò giúp sức cho Bùi Thị Yên và Bùi Đức Vượng. Đặc biệt, theo quan điểm của luật sư, mới đây Bùi Đức Vượng đã bị bắt giữ theo quyết định truy nã và đã có những lời khai làm thay đổi bản chất vụ án.

Quá trình bào chữa cho Nguyễn Tuấn Anh, luật sư Trần Đình Triển đề nghị Tòa cấp phúc thẩm cần hủy bản án sơ thẩm và trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu, đồng thời nhập đối tượng Bùi Đức Vượng vào vụ án. Từ đó làm rõ bản chất, toàn diện sự thật khách quan của vụ án.

Thế nhưng quan điểm nêu trên của luật sư không được đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm đồng thuận, vì cho rằng không có căn cứ và không cần thiết.

Sau khi xem xét toàn diện vụ án cùng kháng cáo của bị cáo, HĐXX phúc thẩm TAND TP Hà Nội quyết định không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Nguyễn Tuấn Anh. Tuy nhiên về phần hình phạt, Tòa án Hà Nội nhận thấy cần thiết giảm một phần hình phạt cho bị cáo nên quyết định tuyên phạt Nguyễn Tuấn Anh 6 năm 6 tháng tù về cả 2 tội danh.