Nhân Ngày Thế giới phòng chống Viêm gan 28-7: "Hãy nhận biết và hành động ngay"

ANTĐ - Đó chính là chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28-7 năm nay. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người dân toàn cầu cần nhận biết rõ nguy cơ lây nhiễm viêm gan virus của bản thân và cộng đồng, từ đó kịp thời xét nghiệm và điều trị. 

Tiêm phòng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh tại BV Đa khoa Đức Giang (Hà Nội)

Viêm gan virus là bệnh có thể dự phòng và điều trị, trong đó viêm gan B đã có vaccine dự phòng và khoảng 90% bệnh nhân viêm gan C được điều trị khỏi. Vì vậy, để hướng tới mục tiêu loại trừ viêm gan virus, chủ đề “Hãy nhận biết và hành động ngay” trong Ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28-7 có ý nghĩa cảnh báo thiết thực với cộng đồng.

Viêm gan B và C, vốn gây ra khoảng 80% số ca tử vong do ung thư gan và là nguyên nhân dẫn đến 1,4 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. WHO khuyến cáo người dân cần chú ý bảo vệ chống lại các nguy cơ mắc bệnh viêm gan do máu không an toàn, tiêm không an toàn và dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy. Ngoài ra, thực hiện tình dục an toàn, trong đó giảm thiểu số lượng các đối tác tình dục và sử dụng các biện pháp bảo vệ cơ học (bao cao su), cũng giúp bảo vệ chống lại lây nhiễm.

WHO đã khuyến cáo tiêm phòng cho tất cả các trẻ em để chống lại bệnh viêm gan B, căn bệnh tác động tới khoảng 780.000 bệnh nhân mỗi năm. Một liều vaccine an toàn và hiệu quả có thể bảo vệ cuộc sống chống lại bệnh viêm gan B. Loại vaccine này nên được dùng càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ. Liều được sử dụng cho trẻ sơ sinh phải được tiếp tục thêm 2 hoặc 3 liều để hoàn thành.

WHO cũng khuyến cáo tiêm phòng cho những người trưởng thành có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan B. Đây là những người thường xuyên cần máu hoặc các sản phẩm máu (ví dụ như các bệnh nhân chạy thận), người chăm sóc, những người tiêm chích ma túy, các đối tác tình dục và các thành viên gia đình của những người bị viêm gan B mãn tính và những người có nhiều bạn tình.

Từ năm 1982, hơn 1 tỷ liều vaccine viêm gan B đã được sử dụng trên toàn thế giới và hàng triệu ca tử vong do ung thư gan và xơ gan đã tránh được. Trong một số quốc gia, nơi có khoảng 1/10 trẻ em bị nhiễm bệnh mãn tính với virus viêm gan B, tiêm phòng đã làm giảm tỷ lệ lây nhiễm mãn tính xuống dưới 1/100 ở trẻ em được tiêm chủng. Cho đến nay, vẫn chưa có một loại vaccine chống viêm gan C.

Nhưng hiện nay có nhiều loại thuốc có thể chữa khỏi hầu hết những người bị viêm gan C và điều trị viêm gan B. Những người được điều trị bằng các loại thuốc này rất ít khả năng chết vì ung thư gan hoặc xơ gan và ít có khả năng lây sang người khác. WHO cũng khuyến cáo những người cho rằng mình đã mắc bệnh viêm gan cần kiểm tra để xem có cần điều trị để cải thiện sức khỏe hay không và làm giảm nguy cơ lây truyền.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cao trong khu vực và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam ở một số nhóm quần thể cho thấy, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B là khoảng 6-20%, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C khoảng 0,2- 4%. Tại Việt Nam, virus viêm gan B lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con và virus viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu.

Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do virus viêm gan B và C của Bộ Y tế, có khoảng 8,7 triệu người nhiễm virus viêm gan B mãn tính và khoảng 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C mãn tính. Số trường hợp tử vong ước tính tại thời điểm năm 2015 do virus viêm gan B là khoảng hơn 23.000 người và do virus viêm gan C là khoảng hơn 6.000 người. 

Ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28-7, chính là dịp để nêu rõ cảnh báo viêm gan virus là bệnh nguy hiểm, biến chứng có thể gây nên ung thư gan, xơ gan, nhưng lại chưa được cộng đồng xã hội quan tâm vì bệnh diễn biến âm thầm, không như HIV/AIDS và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.