Nhân Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3: Khi nhà toàn con gái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nói đến nghệ sĩ Lê Mai và 3 người con gái là NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vi thì người hâm mộ cả nước đều biết tới. Từng thành viên trong gia đình này đã đóng góp cho nền sân khấu, kịch, múa và điện ảnh Việt Nam nhiều vai diễn xuất sắc.

Nghệ sĩ về hưu

Nghệ sĩ Lê Mai và 3 cô con gái Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi (ảnh tư liệu gia đình)

Nghệ sĩ Lê Mai và 3 cô con gái Lê Vân, Lê Khanh và Lê Vi (ảnh tư liệu gia đình)

Có lẽ nhiều khán giả Việt Nam biết đến nghệ sĩ Lê Mai trên màn ảnh nhiều hơn là sân khấu kịch. Bà đã tham gia đóng nhiều phim nhựa và phim truyền hình. Dù ở vai chính hay vai phụ, nữ nghệ sĩ đều hóa thân với từng nhân vật, gây được ấn tượng người xem.

Trong đó phải kể đến phim “Vui buồn sau lũy tre làng” của đạo diễn Bạch Diệp. Bà tâm sự: “Đây là vai diễn đã để lại cho tôi nhiều kỉ niệm. Trong phim, tôi vào vai vợ ông thứ trưởng (do nghệ sĩ Hà Văn Trọng thủ vai) là một nhân vật tham lam, mưu mô, xảo trá. Ngoài ra, những phim tôi được mời tham gia như “Hoàng hôn dang dở” của đạo diễn Hoàng Phương, “Đứa con người hàng xóm” của đạo diễn Hà Văn Trọng. Sau này tôi tham gia bộ phim “Bà nội không ăn pizza”, vai diễn trong phim thể hiện đúng tính cách nhẹ nhàng, tình cảm của người phụ nữ Hà thành. Phim đó giúp tôi nổi tiếng với nhân vật bà nội của thời kì đổi mới. Ấy vậy nhiều khi cũng rách việc, khi đi chợ cánh bán hàng cứ: “Bà nội ơi! Bà nội ơi! Vào mua hàng cho cháu…”. Tôi đóng phim là yêu nghề, yêu nghệ thuật sân khấu, tình yêu ấy đã vào máu mấy chục năm. Vì vậy tôi không nề hà vai chính, vai phụ, phản diện hay chính diện”.

Đã lâu rồi, cũng phải đến gần 10 năm tôi mới gặp lại nghệ sĩ Lê Mai. Bà mở quán nước trà ngay đầu ngõ ở số 20 phố Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội. Gặp tôi, bà niềm nở mời uống nước, bóc phong kẹo lạc đãi khách: “Đấy chú xem, về hưu vui không? Nghệ sĩ bán quán vỉa hè khác gì người thường”.

Căn phòng của nghệ sĩ Lê Mai nép mình trong ngõ nhỏ, nơi có nhiều hộ gia đình ở cùng số nhà. Bà giải thích: “Tôi mới chuyển về đây được gần 1 năm sau lần Lê Vi cùng gia đình sang Pháp. Còn mình tôi, Lê Khanh gợi ý, mẹ chuyển về ở gần con để có bà, có cháu cho vui, nhất là lúc trái nắng trở trời. Nghe vợ chồng Lê Khanh, tôi quyết định “dinh tê” về đây”. Rồi bà hồ hởi: “Nó như là định mệnh. Tiền chủ nơi này muốn kéo tôi về nơi tôi đã sống gần 40 năm với bao kỉ niệm, buồn vui. Những người hàng xóm tốt bụng tối lửa tắt đèn đều có nhau, giờ đây kẻ còn người đã đi xa. Hàng sấu già phủ bóng mát suốt những ngày nắng rát đã hằn sâu vào kí ức tôi. Giờ đây tôi lại quay trở về mái nhà xưa”. Bà chỉ vào bức tường đằng sau giải thích: “Vợ chồng Lê Khanh ở sát phòng này”.

Thật lòng mà nói, ít ai tin rằng nghệ sĩ Lê Mai đã ngoài 80 tuổi. Nhanh nhẹn, giọng nói lưu loát, nét mặt tươi tắn làm tôi thực sự ấn tượng về nữ nghệ sĩ danh tiếng này. Được hỏi bí quyết nào bà có sức khỏe, trẻ lâu thế, Lê Mai yên lặng vài giây, đưa tầm mắt ra xa rồi trầm tư trả lời: “Chẳng có bí quyết gì, tất cả là yếu tố con người. Cuộc sống thoải mái, vô tư, không bon chen, và quan trọng nhất cuộc đời là cái gì cần làm thì mình đã làm cả rồi”.

NSƯT Lê Mai và 3 con gái tài sắc

NSƯT Lê Mai và 3 con gái tài sắc

Quả ngọt

Nghệ sĩ Lê Mai bảo, vừa qua bà có dịp sang Pháp với gia đình cô con gái Lê Vi, thấy cuộc sống bên đó đầy đủ, con cháu đầm ấm khiến phần nào sức sống của bà cũng tăng lên. Dù vậy, bà vẫn từ chối sự níu kéo của con gái để trở về Việt Nam. Trong suy nghĩ của bà thì “quê hương vẫn là chùm khế ngọt”. “Ở Việt Nam, tôi suốt ngày bận rộn với quán nước đầu ngõ, nhưng đầu óc lại thảnh thơi. Thi thoảng có các bạn đồng nghiệp qua chơi, khán giả mến mộ hỏi thăm sức khỏe, quan tâm xem Lê Mai còn xuất hiện trên phim ảnh nữa không? Còn ở bên Pháp thì ai thèm biết Lê Mai là… con mụ nào!” - bà khôi hài tâm sự.

NSƯT Lê Mai sinh năm 1938 tại đất cảng Hải Phòng, trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật. Cha của bà là nhà thơ, kịch tác gia Lê Đại Thanh hoạt động trong Đội kịch Trung ương cùng thời với Thế Lữ và Song Kim. Ngoài sáng tác văn nghệ, ông cũng từng là giáo viên. Học trò của ông sau này có nhiều người nổi tiếng như nhà văn Nguyên Hồng, nhà văn Nam Cao… Mẹ của bà tên là Đinh Ngọc Anh, con gái nhà tư sản Vạn An Trường của Hải Phòng xưa. Bà Đinh Ngọc Anh cũng từng là diễn viên kịch trong đoàn kịch Gió biển của chồng mình.

Nghệ sĩ Lê Mai và gia đình con gái Lê Vi

Nghệ sĩ Lê Mai và gia đình con gái Lê Vi

Nghệ sĩ Lê Mai ngay từ tuổi ấu thơ đã có năng khiếu về nghệ thuật, tham gia nhiều chương trình văn nghệ nhà trường. Nhà thơ Lê Đại Thanh đã phát hiện điều ấy ở con gái nên hướng con theo ngành sân khấu kịch. Năm 1954, bà theo cha lên Hà Nội nhận công tác ở Đoàn kịch Trung ương do nhà văn, nhà viết kịch Học Phi làm Trưởng đoàn. Những năm đầu của sự nghiệp sân khấu, bà hoạt động chủ yếu trong Đoàn kịch Trung ương. Sau đó, bà được xin về công tác tại Đoàn kịch Hà Nội. Ngoài những vai diễn sân khấu kịch, bà còn được mời tham gia đóng nhiều phim truyện, truyền hình.

Nghệ sĩ Lê Mai tâm sự: “Những năm tháng trên sân khấu kịch Hà Nội là quãng thời gian vất vả nhất, khó khăn nhất trong đời sống hoạt động nghệ thuật. Bom đạn của Mỹ khiến người dân Hà Nội phải đi sơ tán, tôi một nách 3 con nhỏ, kinh tế khó khăn, đồng lương hàng tháng không đủ chu cấp gia đình. Có những kỉ niệm mà đến giờ vẫn không thể nào quên, nhiều đêm lên trên sân khấu mà tôi phải bế cả 3 đứa con đi theo. Mẹ biểu diễn trên sân khấu, các con nằm trên nôi sau cánh gà. Thế rồi cuộc sống theo năm tháng qua đi, các cô con gái trưởng thành và cũng theo nghiệp bố mẹ, ông bà và đều may mắn thành công cả”.

Cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam, giờ đây nghệ sĩ Lê Mai tuổi đã cao, lui về cuộc sống cùng con cháu trong một tổ ấm đều là nghệ sĩ và được người hâm mộ trong cả nước mến mộ.