Nhân ngày doanh nhân Việt Nam 13-10: Nỗ lực vượt khó

ANTĐ - Kinh tế trong và ngoài nước khó khăn đã tạo ra những áp lực cực lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong guồng quay đó, nhiều doanh nghiệp lớn lao đao, doanh nghiệp nhỏ tạm dừng sản xuất. Song vẫn có những doanh nghiệp nỗ lực vượt khó để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, cũng như duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động. PV ANTĐ có cuộc trò chuyện ngắn với lãnh đạo 2 doanh nghiệp.

Doanh nghiệp Việt Nam có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước

(Trong ảnh: Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty May 10, Hà Nội)

Ông Đặng Minh Quang - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà: “Chấp nhận chia sẻ lợi nhuận ”

6 tháng đầu năm nay, doanh thu của chúng tôi tăng trưởng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của Sơn Hà đạt trên 14 tỷ đồng. Dự kiến 6 tháng cuối năm, lợi nhuận sẽ đạt thêm 10 tỷ đồng nữa. Để đối mặt với khó khăn chung của nền kinh tế, chúng tôi đã tiết kiệm chi phí đến mức tối đa như: giảm chi trong công tác quản lý; giảm chi phí dịch vụ, sửa chữa, vận chuyển bằng cách tìm kiếm các nhà thầu có chất lượng tốt… Bên cạnh đó, chúng tôi giảm chi phí điện. Trong thời gian sản xuất, giảm thời gian máy chờ, tiết giảm thời gian máy chạy mà không có sản phẩm… Bởi vậy, lương công nhân vẫn đảm bảo và không có tình trạng sa thải người lao động… Sơn Hà chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để tăng doanh thu, giữ thị phần bởi dù tiết kiệm nhưng mọi chi phí đều tăng khiến chi phí tuyệt đối vẫn tăng. 

Vì chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất để xuất khẩu, thu ngoại tệ nên công ty nhận được ưu đãi của ngân hàng, thuộc nhóm doanh nghiệp được ưu tiên nhất. Mặt bằng lãi suất vay vốn trung bình ở mức 14%/năm. Tận dụng lợi thế có được, sắp tới chúng tôi sẽ tập trung vào các sản phẩm có tuổi thọ cao bên cạnh các sản phẩm truyền thống. Ví dụ là các loại chậu rửa cao cấp, không những bán ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu. Ngoài ra còn có bồn nước công nghiệp, thay vì bồn nước dân dụng tròn hiện nay, sản xuất bồn nước tấm lớn cho khu công nghiệp, nhà cao tầng để tiếp cận các dự án đầu tư nước ngoài, khách sạn, nhà cao tầng. Trong bối cảnh hiện nay, Sơn Hà phải nỗ lực cạnh tranh bằng cách giảm giá thành sản phẩm mà vẫn đảm bảo chất lượng và củng cố mạng lưới bán hàng.

Ông Trần Văn Khoát - Giám đốc Công ty CP Phát triển Hòa Bình (xã Tân Ước, Thanh Oai): Vay vốn khó nhưng vẫn phải xoay

Hiện nay, Công ty Hòa Bình đang phát triển mô hình trang trại, vườn ao chuồng trên diện tích 15ha. Bao gồm, chăn nuôi lợn, cá và thỏ New Zealand, kết hợp với trồng cây ăn quả như nhãn muộn, đu đủ và hồ câu sinh thái. 

Năm nay, kinh tế khó khăn hơn năm 2011, đặc biệt, chăn nuôi lợn bị lỗ vào hồi đầu năm nên trang trại của chúng tôi phải giảm đầu lợn, chuyển hướng sang chăn nuôi thỏ New Zealand. Tuy nhiên, thỏ mới đưa vào nuôi, nên chưa cho thu hoạch. Do đó, ước tính, doanh thu của trang trại năm nay đạt 500 triệu đồng, trừ các loại chi phí, phần lợi nhuận thu về khoảng 150-200 triệu đồng. 

Việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với công ty quy mô nhỏ như của chúng tôi là cực kỳ khó khăn, mặc dù chúng tôi đã tiếp xúc nhiều với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhưng vẫn không ăn thua. Hiện, công ty đang vay nợ (ngân hàng và người thân) khoảng 500 triệu đồng. Phần vay nợ ngân hàng, công ty phải vay với lãi suất như bình thường, không được ưu đãi. Việc phải vay vốn với lãi suất cao gây áp lực khá lớn đến sản xuất của công ty. Nguồn vốn vay ưu đãi lại không tiếp cận được nhưng để duy trì sản xuất, bắt buộc công ty vẫn phải chấp nhận mức lãi suất cao này.

Tin cùng chuyên mục