Nhân lên điều cao đẹp

ANTD.VN - Sau cơn mưa chớp nhoáng của mùa hè, đường về huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắc vẫn nắng như đổ lửa. Băng qua nhiều cung đèo bụi bặm, tôi đặt chân đến xã Ea Rốc và như lạc vào một thế giới khác. Trải dài trước mặt là khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hàng chục loại cây cổ thụ, ken dày, sừng sững bao bọc lấy tháp cổ Yang Prông. Trong không gian mênh mông của khu rừng không có bất cứ dấu vết nào của sự xâm hại, chặt phá hay làm ô nhiễm môi trường. Chính sức trẻ, lòng quyết tâm của bao con người đã tạo nên điều đặc biệt ấy.

Khắc ghi công ơn Đại tướng

Đi qua 81 mùa rẫy, từng xem rừng như máu thịt của mình, già làng Y Vung như vừa trút được một nỗi niềm nặng trĩu. Gương mặt ông bừng lên niềm vui, dáng đi nhanh nhẹn khác hẳn với vẻ xiêu vẹo như tạc cả tâm tư vào hoàng hôn hoang vắng của những ngày trước đây.

Ông bộc bạch: “Sự ra đời của khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến tôi vô cùng sung sướng vì hàng ngày đều thấy có các thanh niên năng động đến dọn dẹp, tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt từng cây rừng, cành lá. Trước đây, khu rừng chưa được đặt tên Đại tướng, tôi luôn canh cánh lo sợ kẻ xấu đến phá rừng vì đã xảy ra nhiều rồi. Có nhiều ngày, tôi cứ lang thang từ cánh rừng này đến cánh rừng kia, thấy rừng “chảy máu” lòng lại quặn lên. Giờ thì an tâm hơn rồi”. 

Anh Nguyễn Chiến Thắng, Phó Bí thư Huyện đoàn Ea Súp cho biết, sự tàn phá rừng ở Tây Nguyên ngày càng diễn biến phức tạp. Trên địa bàn huyện sót lại khu rừng nguyên sinh quý báu này, ở đó lại có cả di tích lịch sử tháp cổ Yang Prông.

Với ý tưởng khắc ghi công ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mong muốn huy động toàn bộ sức trẻ chăm sóc, bảo vệ khu rừng, bảo vệ di tích, đầu năm 2016, Huyện đoàn Ea Súp sau khi báo cáo đã được Huyện ủy Ea Súp nhất trí đặt cho tên khu rừng quý là rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khu rừng rộng 4ha ở xã Ea Rốc. Việc đặt tên Đại tướng cho khu rừng với mục đích nhân lên những điều cao đẹp, tăng cường giữ gìn và bảo vệ môi trường, chăm sóc cảnh quan văn hóa lịch sử, tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc, tạo nơi để tuổi trẻ sinh hoạt truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử. Đồng thời từ khu rừng này, Huyện đoàn Ea Súp cũng mở nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa về tình yêu thiên nhiên, đất nước. 

Anh Lê Văn Kiên ở huyện Buôn Đôn xúc động chia sẻ: “Tôi ở huyện kế bên nhưng luôn tham gia các buổi sinh hoạt văn hóa - lịch sử và dọn dẹp khu rừng mang tên Đại tướng. Sau mỗi buổi hoạt động đầy ý nghĩa đó tôi thấy trong lòng tràn đầy niềm tin, tràn đầy sức mạnh. Hiểu rõ thêm về những công lao của Đại tướng, nhìn vào bản thân mình để cố gắng hơn, nhất là trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng”. 

Trong niềm vui mừng, xen lẫn tự hào, anh Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Đoàn xã Ea Rốc tâm sự: “Từ khi khu rừng đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được sự hướng dẫn của Huyện đoàn, chúng tôi đã kết nối với tất các các chi đoàn ở các trường học để cùng nhau vào rừng Đại tướng sinh hoạt. Các em cần mẫn quét từng đám lá khô, nhặt rác, lau chùi từng viên gạch ở tháp cổ Yang Prông. Sau mỗi buổi lao động, các em được giao lưu với cán bộ đoàn, cán bộ văn hóa huyện về thân thế, sự nghiệp của Đại tướng, về giá trị của tháp cổ Yang Prông, tầm quan trọng của rừng.    

Lan tỏa lòng quyết tâm

Từ những ý tưởng ban đầu, tình yêu với Đại tướng, lòng quyết tâm bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ nét đẹp văn hóa đã lan rộng và đi vào hoạt động có chiều sâu ở hầu hết các xã trong và ngoài huyện Ea Súp.

Em Lê Thu Nhi, học sinh trường THCS Ea Lê (xã Ea Lê) tâm sự: “Được các anh, chị tiếp lửa nên sau những giờ học tập trên lớp, cuối tuần hay những ngày lễ chúng em lại tập trung đến rừng Đại tướng để bảo vệ, dọn dẹp. Chính những buổi lao động và sinh hoạt ngoại khóa ấy đã kích thích thêm tinh thần hăng say học tập. Trong ý nghĩ chúng em đều nhận thức rõ, thiên nhiên ở đâu cũng cần bảo vệ, ở đâu cũng cần phải rèn luyện, tu dưỡng”.

Mấy ngày ở Ea Súp, đi qua các trường học, các buôn làng, đâu đâu tôi cũng nghe những câu chuyện về lòng yêu đất nước, về nghĩa vụ bảo vệ môi trường, về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hôm ấy, sau cơn giông, đã chiều muộn nhưng hàng chục chi đoàn trong huyện vẫn kéo nhau vào rừng Đại tướng vì vừa có đoàn khách vào thăm rừng, thăm tháp Yang Prông.

Anh Lê Hồng Hạnh, cán bộ Huyện đoàn cho biết: “Vì có cơn giông nên phải vào để kiểm tra xem có cành cây gãy thì thu gom lại. Hơn nữa, vào để xem có đối tượng xấu nào lợi dụng thời tiết để xâm hại rừng không. Sau khi kiểm tra, dọn dẹp, chúng tôi lại quây quần, cùng nắm chặt tay nhau thề sống tốt, học tập tốt, lao động tốt để không hổ thẹn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những câu chuyện về Đại tướng, hàng nghìn đoàn viên trong huyện đã thuộc và xem đó như nguồn cổ vũ để vươn lên trong mọi mặt”.

Mở mang và gắn kết

Ông Y Man, bà Bàn Kỳ ở xã Cư MLan tự hào: “Ban đầu thấy các thanh niên nô nức kéo nhau vào rừng Đại tướng trong các dịp cuối tuần, ngày lễ, chúng tôi cũng không mấy quan tâm. Nhưng trong một lần trực tiếp đến rừng Đại tướng lao động cùng các thanh niên, cùng nghe kể chuyện về văn hóa, lòng yêu nước, lại được xem chiếu phim về đất nước, con người Việt Nam, về các chặng đường hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp… nên rất thích thú và thấy mình được mở mang thêm, nhất là về văn hóa và lịch sử. Trước đây còn thờ ơ với rừng, giờ yêu rừng lắm. Yêu cả đất nước mình nữa. Ước gì ở Tây Nguyên này và nhiều nơi khác nữa ở đâu cũng có những khu rừng với các sinh hoạt như thế”.

Ước mong của bà Kỳ, ông Man cũng là mong muốn của rất nhiều người ở Tây Nguyên. Sau khi tham gia cùng các bạn trẻ, ông Man, bà Kỳ hồ hởi về kể cho nhiều người cùng nghe. Đặc biệt có nhiều cựu chiến binh, già làng cũng nhiệt tình hưởng ứng, họ cháy bỏng mong muốn tham gia trò chuyện, chia sẻ cùng các đoàn viên thanh niên các câu chuyện quý báu họ đã từng trải qua, những bài học về lòng dũng cảm, đức hy sinh, niềm tin yêu cuộc sống.

Những buổi lao động và sinh hoạt văn hóa, kể chuyện lịch sử trong rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn làm tăng thêm tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau. Phong trào “thương người như thể thương thân” cũng lan tỏa trong mỗi thành viên khi đến tham gia sinh hoạt ở rừng Đại tướng.

Đoàn viên nào cũng tự nhủ với lòng mình, nếu đố kỵ nhau, ganh ghét nhau, không tương trợ nhau… cũng là chưa tốt, có lỗi với Đại tướng. Em Y Mui xúc động cho biết: “Nhờ những buổi lao động và sinh hoạt trong rừng Đại tướng em được quen nhiều bạn, anh chị mới. Khi biết em đau ốm, tất cả mọi người đều đến thăm hỏi, động viên. Có người thương em như ruột thịt trong nhà vậy”.

Bức tượng cô hàng bánh cuốn Thanh Trì

   Trần Đức

Đôi mắt mở xa vời vợi

Khóe môi mím rịn máu tươi

Má bàu bàu xưng xám sậm

Cánh nâu bươm rách tả tơi...

Đòn tra, điện giật, lửa nung

Cực hình dồn cô gái trẻ

Kẻ thù mong lời khai cung

Chỉ sự im lặng đáp trả.

Người nữ công an quận Sáu

Chiến đấu giữa tỏa trùng vây

Lỡ sa vào tay thú dữ

Trung trinh, bất khuất ngời ngời

Liệt nữ đi vào cõi nhớ

Tượng hằn dập nát đớn đau

Vẫn bừng uy nghi thần thái

Danh thơm lưu đọng mai sau

Người quê Thanh Trì nhớ mãi

Cô hàng bánh cuốn hiền tươi

Tiếng rao lảnh thanh phố sớm

Đậm sâu ký ức bao người...

(Tưởng niệm Liệt sĩ - Anh hùng Công an Thủ đô Mai Thị Du)