Lật tẩy âm mưu gây rối, kích động bạo loạn (Bài 4):

Nhận diện và xử lý nghiêm các đối tượng giả danh Công an gây rối an ninh trật tự

ANTD.VN - Phương thức mới của các đối tượng cơ hội, chống đối đã bị lộ diện thời gian gần đây, qua công tác đấu tranh, xử lý của lực lượng chức năng trước những vụ việc bất ổn về ANTT tại một số địa phương; đó là giả danh Công an để kích động người dân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thực tiễn công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở nhiều địa phương thời gian qua đã ghi nhận những phương thức, thủ đoạn đối phó ngày càng tinh vi, táo tợn của đối tượng xấu. Không dừng ở việc thông qua mạng xã hội, facebook “kêu gào” người dân tụ tập, tuần hành và thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật; không chỉ trực tiếp “cầm đầu” nhóm người “xuống đường”, số đối tượng cơ hội, chống đối giờ còn táo tợn cải trang thành lực lượng Công an, Quân đội, trà trộn vào đám đông để hoặc là kích động, hoặc thực hiện những hành vi, ý đồ gây xấu hình ảnh lực lượng làm nhiệm vụ.

Đối tượng Nguyễn Hùng Thái cùng "phụ kiện" giả danh Công an của các đối tượng bị CATP HCM phát hiện, xử lý

Điển hình của trò giả danh táo tợn này là đối tượng Nguyễn Hùng Thái (23 tuổi), trú tại đường Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. HCM). Sáng 16-6 vừa qua, Thái mặc sắc phục Cảnh sát trà trộn vào nhóm người tụ tập đông người tại công viên Tao Đàn, có hành vi định gây rối an ninh, trật tự.

Khi bị tạm giữ, đối tượng Thái mang theo khóa số 8, đội mũ kê-pi của lực lượng công an cùng một số phụ kiện có in logo của lực lượng Công an.

Cũng trong sáng 16-6, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm hai đối tượng khác đi xe máy, mặc áo khoác có logo Công an TP.HCM, là Trần Quốc Đạt và Vũ Quốc Huy (cùng 39 tuổi, trú tại quận Gò Vấp). Hai người này cũng có biểu hiện gây rối trật tự công cộng nên đã bị đưa về cơ quan chức năng để xác minh, xử lý.

Trước đó, ngày 10-6-2018, tại khu vực công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, lực lượng chức năng phát hiện 2 đối tượng Mai Trọng Bắc (SN 1988, quê quán Quế Võ, Bắc Ninh; trú tại phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP. HCM) giả danh Trung úy quân đội; và Vũ Phước Đạt (SN 1994), giả danh là Học viên Trường Đại học Trần Đại Nghĩa - Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự), có hành vi trà trộn vào đám nhằm lôi kéo và thực hiện các hành vi quá khích.

Một tuần sau đó, trưa 16-6, tại địa bàn phường Phú Hòa, Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang 5 đối tượng giả danh Cảnh sát cơ động, thu giữ quần áo, phù hiệu và các trang bị của lực lượng Công an mà các đối tượng chuẩn bị nhằm thực hiện ý đồ xấu.

Theo thông tin của cơ quan chức năng, thời gian gần đây, một số đối tượng thuộc các tổ chức khủng bố, chống phá nhà nước Việt Nam từ nước ngoài đã tổ chức cho người vào Việt Nam kích động biểu tình, gây rối trật tự an ninh nhằm phá hoại an ninh trật tự, ổn định xã hội của Việt Nam.

Một số đối tượng trà trộn vào nơi tụ tập đông người, gây ra các hành động kích động, cố ý dàn dựng, tổ chức các hành động khiêu khích, giả danh lực lượng chức năng của Việt Nam để quay phim, chụp hình nhằm vu khống, kích động người dân trong và ngoài nước cũng như dư luận quốc tế rằng chính quyền Việt Nam đàn áp người dân.

Những ý đồ, hành vi này sẽ bị pháp luật nghiêm trị, song điều quan trọng không kém là mỗi người dân cần luôn tỉnh táo, nhận diện và có thái độ hết sức kiên quyết, không để đối tượng xấu thực hiện được dã tâm gây bất ổn an ninh trật tự của địa phương và đất nước.

Trung tá Trương Quốc Hiên – Đội phó đội Điều tra tổng hợp CAQ Long Biên (Hà Nội):

Lực lượng Công an luôn tuân thủ nguyên tắc trong khi làm nhiệm vụ

Một trong những đặc điểm quan trọng của lực lượng Công an là giấy tờ, thẻ ngành Công an. Dù đi tuần tra mặc quân phục hoặc có thể không mặc quân phục (cán bộ chiến sỹ đang làm nhiệm vụ mật phục), nhưng đều phải có thẻ ngành và giấy tờ để chứng minh mình là ai. Trường hợp Công an mật phục, trước khi bắt người hay yêu cầu dừng xe kiểm tra đều xuất trình những giấy tờ này.

Trường hợp Công an mặc trang phục ngành, nếu người dân nghi ngờ yêu cầu kiểm tra thì phải xuất trình được giấy tờ để chứng minh chứ không được nói miệng. Không thể chỉ xưng danh Công an, trinh sát hình sự, đang mặc trang phục ngành mà lại không xuất trình được thẻ ngành hay giấy tờ chứng minh mình là ai.

Một yếu tố quan trọng khác là tác phong của người chiến sỹ Công an. Tác phong ấy là cả quá trình học tập, rèn luyện. Chỉ cần người dân bình tĩnh chú ý, đối phó thì những kẻ lừa đảo, giả danh Công an sẽ lộ diện. Trường hợp phát hiện nghi vấn, công dân hãy thông tin đến cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp ngăn chặn, xử  lý hành vi vi phạm pháp luật có thể do kẻ giả danh Công an gây nên.

Vì sao ngày càng nhiều đối tượng giả danh Công an để mưu đồ phạm pháp?

Những năm gần đây, liên tục xảy ra những vụ việc, vụ án liên quan đến hành vi giả danh, giả mạo cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng Công an Nhân dân. Vậy vì sao loại tội phạm này lại có chiều hướng gia tăng? Chuyên gia pháp lý Trịnh Văn gửi đến Báo ANTĐ bài viết đánh giá về vấn đề này.

Cuối tháng 5 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử Ma Thiếu Quân (SN 1973, trú ở Lạng Sơn) cùng 4 đối tượng đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 174-BLHS năm 2015. Các đối tượng này được xác định là những “mắt xích” trong ổ nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài chuyên giả danh, giả mạo cán bộ điều tra.

Một nhóm bị cáo  giả danh Công an lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản bị TAND TP. Hà Nội xét xử 

Hoạt động mà ổ nhóm tội phạm này sử dụng là gọi điện vào các số điện thoại của các hộ gia đình, rồi dọa nạt rằng họ đang vướng phải những vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Nếu muốn chứng minh sự trong sạch của bản thân thì họ phải chuyển hết tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng vào tài khoản của CQĐT. Và trong vòng 24h, CQĐT xác minh xong sẽ hoàn trả lại đầy đủ.

Quá trình lừa đảo, ổ nhóm tội phạm của Ma Thiếu Quân còn liên tục kết nối điện thoại cho các bị hại nói chuyện trực tiếp với lãnh đạo cơ quan công an hoặc hoặc Viện kiểm sát giả mạo... Sau đó, khi các bị hại chuyển tiền vào tài khoản của CQĐT (do bọn chúng tạo ra) thì lập tức sẽ có những tên đồng bọn rút ra chiếm đoạt hết.

Với thủ đoạn như trên, chỉ trong hơn 1 tháng, các đối tượng giả mạo, giả danh Công an đã dễ dàng chiếm đoạt được nhiều tỉ đồng của nhiều bị hại ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Và đây không phải là vụ án đầu tiên mà các cơ quan tố tụng Hà Nội xử lý đối với loại tội phạm này.

Có thể nói những vụ án liên quan đến việc giả danh, giả mạo công an hiện nay khá phổ biến. Mặc dù chưa có một thống kê chính thức trong những năm gầy đây nhưng theo phân loại sơ bộ của TAND TP Hà Nội thì loại tội phạm giả danh cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “chạy” việc làm,  “chạy” vào ngành công an và “chạy” trường học luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Ngoài ra, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta thi thoảng lại thấy ở chỗ này hay chỗ khác lại xảy ra vụ án hoặc vụ việc mà đối tượng mặc sắc phục, giả danh, giả mạo lực lượng công an để làm bậy.

Đó có thể là giả danh công an bắt giữ người trái pháp luật; giả danh công an cưỡng đoạt tài sản của người tham gia giao thông; giả danh công an để lừa “chạy” án; và thậm chí còn vừa giả danh công an vừa làm giả quyết định khởi tố vụ án, bị can tống tiền người vi phạm pháp luật...

Đáng nói hơn là gần đây còn xuất hiện thêm hiện tượng, hình thức giả danh công an hoàn toàn mới. Đó là lợi dụng việc người dân tập trung bày tỏ ý kiến, quan điểm về việc Quốc hội bàn thảo, thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Hay còn gọi là Luật đặc khu) và Luật An ninh mạng, một số đối tượng đã mặc quần áo, trang phục công an trà trộn vào đám đông để kích động, lôi kéo quần chúng nhân dân thực hiện hành vi quá khích và vi phạm pháp luật.

Có thể khẳng định ngay là đối với mọi trường giả danh, giả mạo công an để phạm pháp lâu nay vẫn xảy ra thì đều đã và đang bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật. Và tùy từng hành vi cụ thể cũng như  tính chất, mức độ phạm tội gây ra, các đối tượng này sẽ bị xử lý về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan, tổ chức”...

Còn đối với các đối tượng giả danh công an trong việc lợi dụng người dân tập trung bày tỏ ý kiến, quan điểm để kích động, lôi kéo và phá hoại tình hình an ninh, trật tự trong những ngày qua chắc chắn cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Tuy nhiên, điều quan trọng ở thời điểm này và để có cơ sở xử lý khách quan, đúng pháp luật thì cần phải làm rõ động cơ, mục đích của những việc làm đó. Hay nói cách khác là phải làm rõ ý thức chủ quan của các đối tượng giả danh công an.

Khi đã chứng minh được nhận thức, ý thức chủ quan trong hành vi giả danh công an thì các đối tượng này sẽ bị xử lý tương ứng với những tội danh trong Bộ luật Hình sự. Đó có thể là tội "Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác"; “Gây rối trật tự công cộng”; “Cố ý làm hư hỏng hay hủy hoại tài sản”... Và nặng hơn thì có thể bị xử lý về các tội danh về an ninh quốc gia, trong trường hợp có đầy đủ chứng lý.

Đến đây, chúng tôi xin trở lại câu hỏi là vì sao ngày càng nhiều đối tượng giả danh công an để hoạt động phạm pháp? Đơn giản là vì đối với tuyệt đại đa số người dân trong xã hội chúng ta, lực lượng công an luôn giữ một vị trí rất quan trọng, đặc biệt là trong công tác giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội, bảo đảm cuộc sống yên bình cho nhân dân.

Trong nhận thức và con mắt của mỗi người dân dù ở bất cứ địa phương nào, từ đồng bằng đến miền núi, ở đô thị hay nông thôn thì lực lượng công an nói chung, mỗi cán bộ, chiến sỹ công an nói riêng luôn là một biểu tượng của sự an toàn, bình yên.

Thực tế đã chỉ ra rằng mỗi khi có chuyện xảy ra dù rằng đôi khi chẳng liên quan nhiều đến an ninh trật tự hay an toàn xã hội nhưng người và cơ quan đầu tiên người dân trông cậy, tìm kiếm vẫn luôn là lực lượng công an...

Nắm bắt được tâm lý đó của phần lớn người dân, thế nên không ít kẻ xấu luôn tính chuyện giả danh, mạo nhận công an để làm bậy. Vì rằng nếu không có  được tấm “bình phong” này thì nhưng mưu toan, việc làm xấu xa kia sẽ khó lòng đạt được. Đây là một trong lý do rất căn bản khiến các loại tội phạm với thủ đoạn giả danh, giả mạo công an ngày càng táo tợn và gia tăng.

Người dân luôn trông chờ, tin tưởng vào nền tư pháp “Phụng công thủ pháp” và là công dân của một Nhà nước pháp quyền. Thiết nghĩ đã đến lúc cần phải có những quy định nghiêm cấm mọi hình thức giả danh cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh đối với  mọi hành vi vi phạm. Có như vậy thì mọi hành vi giả danh, giả mạo cán bộ, chiến sỹ lực lượng CAND mới có thể được đẩy lùi và chấm dứt.