Nhận diện và ngăn chặn “điểm nóng” Covid-19 mới có thể xuất hiện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ, Italia và New Zealand vừa chỉ ra các “điểm nóng” có thể xuất hiện nhiều biến thể virus SARS-CoV-2 lây lan sang người và bùng phát thành những đại dịch mới trong tương lai.
Các nhà khoa học trên thế giới cho rằng sự xâm phạm của con người vào môi trường sống tự nhiên cũng có thể gián tiếp làm tăng phơi nhiễm với bệnh truyền nhiễm

Các nhà khoa học trên thế giới cho rằng sự xâm phạm của con người vào môi trường sống

tự nhiên cũng có thể gián tiếp làm tăng phơi nhiễm với bệnh truyền nhiễm

Hệ lụy từ phá rừng và hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên

Trong khi nguồn gốc chính xác của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa rõ ràng, các nhà khoa học tin rằng dịch bệnh này có khả năng xuất hiện khi một loại virus từ loài dơi móng ngựa có thể lây nhiễm sang người, trực tiếp thông qua tiếp xúc giữa động vật hoang dã với người hoặc gián tiếp bởi lần đầu tiên lây nhiễm sang vật chủ động vật trung gian, chẳng hạn như tê tê, đôi khi còn được gọi là thú ăn kiến có vảy. Dơi móng ngựa được biết là loài vật mang nhiều loại virus SARS-CoV-2, bao gồm cả những chủng tương tự về mặt di truyền với những chủng gây ra Covid-19 và hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS).

Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học California, Berkeley (Mỹ), trường Đại học Politecnico di Milano (Đại học Bách khoa Milan) của Italia và trường Đại học Massey (New Zealand) đã phân tích dữ liệu về những thay đổi sử dụng đất trên toàn cầu - bao gồm chia cắt rừng, mở rộng nông nghiệp và chăn nuôi tập trung - đang tạo ra những “điểm nóng” thuận lợi cho loài dơi mang virus SARS-CoV-2 sinh sống và là nơi có điều kiện chín muồi để dịch bệnh truyền từ dơi sang người.

“Để tạo sự cân bằng sinh thái trở lại có lợi cho các loài chuyên biệt, việc tạo ra các khu vực liên tục có độ che phủ rừng và hành lang động vật hoang dã quan trọng hơn việc tăng tổng độ che phủ của cây cối. Sức khỏe con người gắn liền với sức khỏe môi trường và sức khỏe động vật. Nghiên cứu của chúng tôi là một trong những nghiên cứu đầu tiên kết nối các điểm và thực sự đi sâu vào dữ liệu địa lý về việc sử dụng đất để xem cách con người tiếp xúc với các loài có thể là vật mang mầm bệnh”.

D’Odorico (Giáo sư khoa học môi trường - Đại học California Berkeley, Mỹ)

Các nhà khoa học sử dụng các cảm biến từ xa để phân tích phạm vi hoạt động của loài dơi móng ngựa, kéo dài từ khu vực Tây Âu đến Đông Nam Á, từ đó vẽ ra một bản đồ gồm các “điểm nóng” tiềm năng có thể khiến virus SARS-CoV-2 lây lan sang người và bùng phát thành dịch. Theo đó, nhiều vùng rộng lớn tại phía Nam Trung Quốc vẫn có nguy cơ cao xuất hiện một dịch bệnh mới từ virus SARS-CoV-2. Một số khu vực, gồm Thượng Hải (Trung Quốc), Nhật Bản, phía Bắc Philippines - những nơi mà tình trạng rừng bị chia cắt nhiều hơn - có nguy cơ trở thành “điểm nóng”. Các vùng ở Đông Dương và Thái Lan cũng có thể nguy cơ trở thành “điểm nóng” với sự gia tăng sản xuất chăn nuôi.

Nghiên cứu trên cho thấy nguy cơ con người tiếp xúc với động vật hoang dã tăng lên nếu diện tích rừng nguyên sinh giảm đi 25%, trong khi việc phá hủy môi trường sống tự nhiên khiến các loài mang mầm bệnh, như dơi và các loài gặm nhấm, trở nên đông hơn.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng việc chiếm dụng đất rừng chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến các bệnh dịch từ động vật lây lan sang người. Mật độ dân số đông, cũng như việc chăn nuôi gia súc quy mô lớn, là hai yếu tố khác khiến rủi ro tăng lên. Bởi các vật nuôi có thể nhiễm bệnh từ động vật hoang dã hoặc trở thành trung gian truyền bệnh sang con người. Tại các trang trại chăn nuôi công nghiệp, khi số lượng lớn vật nuôi chung sống trong không gian nhỏ và những vật nuôi này thường có đề kháng kém, nguy cơ bùng dịch bệnh tăng cao.

Ngăn ngừa “điểm nóng” dịch bệnh

Các nhà khoa học ước tính rằng có đến 1,7 triệu loài virus chưa được phát hiện ở các loại động vật có vú và chim, và một nửa trong đó có khả năng lây lan sang người. Giáo sư Andrew Dobson của trường Đại học Princeton (Anh) - người không tham gia nghiên cứu trên nhận định rằng đại dịch Covid-19 là một lời cảnh tỉnh đến loài người. “Điều quan trọng nhất là tìm ra chúng ta phải làm gì để giảm khả năng các sự kiện tương tự diễn ra” - Giáo sư Andrew Dobson cho biết.

Đồng tác giả nghiên cứu trên - Giáo sư Thủy văn, nước và an ninh lương thực Maria Cristina Rulli, thuộc trường Đại học Politecnico di Milano (Italia) nói: “Chúng tôi hy vọng những kết quả này có thể hữu ích cho việc xác định các can thiệp nhằm mục tiêu theo khu vực cụ thể cần thiết để tăng khả năng chống lại sự lan truyền của virus SARS-CoV-2”.

Theo các nhà khoa học, sự xâm phạm của con người vào môi trường tự nhiên cũng có thể gián tiếp làm tăng phơi nhiễm với bệnh truyền nhiễm từ động vật do làm giảm sự đa dạng sinh học. Khi đất rừng bị chia cắt và môi trường sống tự nhiên bị phá hủy, các loài yêu cầu môi trường sống rất cụ thể để tồn tại, được gọi là “chuyên gia”, có thể bị suy giảm số lượng hoặc thậm chí tuyệt chủng. Nếu không có sự cạnh tranh từ các “chuyên gia”, các loài “nói chung” - vốn ít kén chọn môi trường sống hơn có thể giữ vai trò tiếp quản.

“Bằng cách tạo ra những điều kiện bất lợi cho các loài chuyên biệt, các loài nói chung có thể phát triển mạnh. Mặc dù chúng tôi không thể theo dõi trực tiếp sự lây truyền của SARS-CoV-2 từ động vật hoang dã sang người, nhưng chúng tôi hiểu rằng việc thay đổi sử dụng đất đã đẩy con người vào hoàn cảnh liên quan đến sự hiện diện của những con dơi mang virus” - Giáo sư khoa học môi trường D’Odorico, trường Đại học California Berkeley, Mỹ cho biết.