Nhận diện và đánh chặn tội phạm trên không gian mạng (3): Cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo qua các ứng dụng cho vay trên mạng Internet

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thời gian sử dụng Internet của người dân tăng lên, trong khi điều kiện kinh tế đi xuống, hàng loạt ứng dụng cho vay biến tướng qua mạng đã xuất hiện, trở thành một dạng của “tín dụng đen”, đồng thời phát sinh nhiều tội phạm lừa đảo.

Xuất hiện hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến

Thống kê sơ bộ của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội cho thấy, trên không gian mạng hiện có khoảng trên 200 ứng dụng cho vay trực tuyến thông qua website, qua các ứng dụng (app) điện thoại di động, chủ yếu là 2 kho ứng dụng GooglePlay, AppStore như Tamo, Vdong, Movay, Ucash, ATMonline...

Theo Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội, qua công tác nắm tình hình, đơn vị phát hiện trên mạng Internet xuất hiện nhiều quảng cáo trên các ứng dụng vay tiền trực tuyến với tiêu đề thu hút như: “Không cần thế chấp, lãi suất không đồng”; “Vay siêu tốc, nhận tiền sau 30 phút, lãi suất thấp, nhận tiền ngay”...; hoặc trực tiếp nhắn tin qua số điện thoại kèm theo “đường link” kết nối trực tiếp đến ứng dụng.

Lợi dụng điều này, ngày càng xuất hiện nhiều ứng dụng cho vay biến tướng, trở thành một dạng của “tín dụng đen”, đồng thời phát sinh nhiều tội phạm lừa đảo.

Khi vay tiền qua “app”, các ứng dụng đòi hỏi truy cập danh bạ điện thoại và từ đó không chỉ đe dọa người vay mà cả những người trong danh bạ có liên lạc với người vay

Khi vay tiền qua “app”, các ứng dụng đòi hỏi truy cập danh bạ điện thoại và từ đó không chỉ đe dọa người vay mà cả những người trong danh bạ có liên lạc với người vay

Các đối tượng đã lợi dụng nhu cầu thực tế và cần thiết của hoạt động cho vay đã giả mạo thương hiệu các ứng dụng vay ngang hàng, tạo ra các ứng dụng hoạt động trái phép và sử dụng thủ đoạn quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội, website với nội dung cho vay lãi suất thấp, không gặp mặt, thủ tục cho vay nhanh gọn, giải ngân từ 30 đến 60 phút và nhiều tiện lợi khác nhưng thực chất là để chiếm đoạt tiền. Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội thông tin: “Đã xuất hiện nhóm đối tượng mạo danh là nhân viên của công ty tài chính, công ty công nghệ tài chính uy tín mời chào người dân vay tiền trực tuyến. Nhưng thực chất đây là mánh khóe lừa đảo, dụ dỗ mọi người chuyển tiền để các đối tượng chiếm đoạt…”.

Các đối tượng mời chào nạn nhân vay vốn với nhiều ưu đãi như: cam kết hỗ trợ ngay cả trường hợp đang có nợ xấu, thủ tục đơn giản không qua thẩm định, giải ngân trong vòng 1 giờ, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp... để thu hút khách hàng. Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cài đặt ứng dụng cho vay trực tuyến để đăng ký hồ sơ khoản vay. Để khách hàng tin tưởng, các đối tượng gửi thông báo phê duyệt khoản vay cho khách hàng (đối tượng sử dụng con dấu giả) và được yêu cầu đăng nhập ứng dụng để giải ngân.

Nhận diện và đánh chặn tội phạm trên không gian mạng (3): Cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo qua các ứng dụng cho vay trên mạng Internet  ảnh 2

Cơ quan công an tiếp nhận trình báo của một nạn nhân vay tiền qua các ứng dụng

Tuy nhiên, sau đó đối tượng sẽ thông báo lỗi giải ngân và yêu cầu nộp tiền để xử lý khoản vay. Thực tế sau khi khách hàng nộp tiền xong sẽ không nhận được bất kỳ khoản tiền giải ngân nào và bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nộp theo yêu cầu.

Bên cạnh các đối tượng trong nước, theo điều tra của lực lượng an ninh mạng, đã xuất hiện một số đối tượng là người nước ngoài cấu kết với đối tượng trong nước thành lập công ty trá hình cho vay tài chính, tín dụng phi ngân hàng để hoạt động cho vay qua ứng dụng nhằm mục đích thu lợi bất chính, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Chia sẻ với phóng viên An ninh Thủ đô, Thiếu tá Phạm Quốc Hưng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng có nhiều thay đổi như chia nhỏ các bộ phận làm việc ở các vị trí khác nhau, không tập trung tại một địa điểm, thường xuyên thay đổi nơi làm việc; quy trình duyệt khoản vay cẩn thận, phức tạp hơn, hoạt động giải ngân, thanh toán vay ngày càng kín đáo; thường xuyên thay đổi đơn vị trung gian thanh toán, hỗ trợ việc giải ngân, thanh toán khoản vay của khách hàng; quá trình hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt “app”, hướng dẫn vay chủ yếu liên hệ với khách hàng qua mạng xã hội, tài khoản hỗ trợ tư vấn; sử dụng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội để nhắc nợ, thu hồi nợ của khách hàng.

Người dân cần thận trọng khi lựa chọn vay tiền qua các ứng dụng

Người dân cần thận trọng khi lựa chọn vay tiền qua các ứng dụng

Cảnh báo của cơ quan chức năng

Thượng tá Phạm Đức Hà, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội cho hay, trong 3 tháng trở lại đây, đơn vị đã tiếp nhận 3 tin báo về thủ đoạn lừa đảo vay tiền qua “app” với thủ đoạn hoàn toàn mới. Nổi bật là ngày 28-11, anh Vũ Văn D., ở quận Long Biên, Hà Nội nhận được cuộc gọi của một người tự xưng tên Tùng, làm việc tại Công ty T.V hỏi anh có nhu cầu vay vốn tín dụng không?

Anh D. đồng ý và đối tượng đã gửi “đường link” để cài ứng dụng hướng dẫn vay tiền. Sau đó, có một đối tượng khác tự xưng tên Nguyễn Văn Nam, là nhân viên một ngân hàng gọi điện thoại cho anh D. thông báo đã thẩm định khoản vay và đồng ý cho anh D. vay 1,3 tỷ đồng với lãi suất 0,5%/tháng. Nhưng ngay sau đó, người tự xưng tên Nam nói với anh D. là do ngân hàng quá hạn mức không giải ngân được, nên chuyển thông tin cho một đối tượng tự xưng là Đàm Văn Huy, nhân viên ngân hàng M. hỗ trợ anh D.

Sau đó, người tên Huy hướng dẫn anh D. vào ứng dụng đã cài đặt để rút tiền. Khi anh D. thao tác để rút tiền về tài khoản ngân hàng thì nhận được thông báo lỗi không rút được, Huy yêu cầu anh nộp tiền 4 lần vào tài khoản ngân hàng M. để tăng mức tín dụng thì mới rút được tiền về tài khoản. Theo lời Huy, số tiền này sẽ được cộng vào khoản vay để rút, nếu không sẽ khóa tài khoản. Do đang nợ một hợp đồng vay với lãi suất cao nên anh D. rất mừng, hy vọng có được khoản vay lãi suất thấp này để trả cho khoản vay lãi suất cao, nên anh đã cuốn theo những lời yêu cầu của các đối tượng dẫn đến hậu quả anh D. đã chuyển cho đối tượng 1,2 tỷ đồng mà vẫn không rút được bất cứ khoản tiền nào về tài khoản của mình…

Trước tình trạng cho vay qua “app” càng ngày càng có nhiều biến tướng, cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo các trang web trục lợi tài chính, đồng thời phổ biến kiến thức an toàn thông tin giúp người dân nâng cao cảnh giác, không dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng trong một số các trường hợp cụ thể để tránh trở thành nạn nhân bị các đối tượng xấu lợi dụng. Khi có kiến thức cơ bản về an toàn thông tin, người dân cũng có thể nhận diện được các hình thức cho vay ngang hàng núp bóng “tín dụng đen”, để cảnh giác và phòng tránh.

Theo chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, liên quan đến lĩnh vực vay tiền qua “app”, hiện nay có 2 hình thức là “tín dụng đen” trên các “app” sử dụng kho ứng dụng GooglePlay, AppStore và một hình thức cài đặt thông qua các “đường link”. “Việc cài đặt các “đường link” này rất có thể dẫn đến những “app” lừa đảo và người tải “app” này có thể bị mất tiền như trường hợp anh Vũ Văn D. nói trên” - Thượng tá Phạm Đức Hà thông tin.

Cơ quan Công an đề nghị người dân cảnh giác khi cài “app” vay tiền trên mạng, bởi một là phải chịu lãi suất cao cùng việc đòi nợ theo kiểu “tín dụng đen”, hai là dính vào những “đường link” cài “app” lừa đảo. Ngoài ra, khi cài app qua kho ứng dụng, các app vay tiền đều đòi hỏi người cài đặt cho truy cập danh bạ điện thoại, từ đó sẽ có cơ sở tìm ra những người liên lạc thường xuyên và không chỉ gửi tin nhắn đe dọa đến người vay, mà có thể những người trong danh bạ cũng bị vạ lây.

Với những hệ lụy nhìn thấy rõ từ việc vay tiền qua app, chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đề nghị người dân khi quyết định vay tiền qua app cần có sự thận trọng khi lựa chọn. tuyệt đối không bấm vào các “đường link” do đối tượng gửi đến và hướng dẫn đóng thuế thu nhập hoặc nạp tiền để tăng hạn mức rút tiền. Về phía cơ quan Công an tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng phát hiện, bóc gỡ, triệt phá các ứng dụng cho vay vi phạm pháp luật.

(Còn nữa)