Nhận diện kỹ, phòng ngừa hiệu quả tội phạm trong bệnh viện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là địa bàn tập trung nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, đông lưu lượng người và phương tiện ra vào hàng ngày, quận Hoàn Kiếm luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp tội phạm lợi dụng gây án. Chủ động nhìn nhận nguy cơ, CAQ Hoàn Kiếm đã xây dựng thế trận phòng ngừa, đấu tranh bằng đồng bộ công tác tuyên truyền kết hợp biện pháp nghiệp vụ công an.
CAQ Hoàn Kiếm phối hợp tuần tra với đội ngũ bảo vệ bệnh viện

CAQ Hoàn Kiếm phối hợp tuần tra với đội ngũ bảo vệ bệnh viện

Hình thành quy chế phối hợp chặt chẽ

“Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trộm cắp trong các bệnh viện trên địa bàn quận Hoàn Kiếm” là một trong những chuyên đề xuyên suốt được CAQ Hoàn Kiếm xây dựng, triển khai trong thời gian qua. Vốn là một trong những địa bàn trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của Hà Nội và cả nước, đồng thời cũng là nơi tập trung nhiều trụ sở của các cơ quan, đơn vị, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng có nhiều bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Việt Nam - CuBa, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Trung tâm cấp cứu 115…

Đặc biệt, phường Hàng Bông với diện tích nhỏ hẹp nhưng tập trung 4 bệnh viện tuyến Trung ương. Những yếu tố trên đặt ra nhiều vấn đề trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và phòng chống tội phạm. Nhiều đối tượng lợi dụng các hạn chế trong công tác quản lý người ra vào tại các bệnh viện, lợi dụng sự đông đúc, quá tải và đặc biệt là sơ hở của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân để thực hiện các hành vi chiếm đoạt trái phép tài sản. Một số loại tội phạm, vi phạm pháp luật xảy ra tại các bệnh viện gây bức xúc dư luận, như trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, “cò” khám chữa bệnh, gây rối trật tự công cộng…

Trong những năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế giữa Giám đốc CATP Hà Nội - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - Giám đốc các bệnh viện tuyến Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội, CAQ Hoàn Kiếm đã phối hợp với các bệnh viện tổ chức triển khai nhiều biện pháp, giải pháp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự nói chung, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật nói riêng.

CAQ Hoàn Kiếm trao đổi công tác với nhân viên bảo vệ bệnh viện trên địa bàn

CAQ Hoàn Kiếm trao đổi công tác với nhân viên bảo vệ bệnh viện trên địa bàn

Những chiêu trò tội phạm

Theo chỉ huy CAQ Hoàn Kiếm, thời gian qua, công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện được đảm bảo, không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu đến công tác khám chữa bệnh của người dân cũng như của đội ngũ y, bác sỹ. Tuy nhiên, có lúc, có thời điểm, một số loại tội phạm vẫn lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Thống kê từ năm 2016 - 2021, CAQ Hoàn Kiếm tiếp nhận 39 vụ trình báo trộm cắp tài sản trong bệnh viện; 9 vụ trình báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhận diện kỹ, phòng ngừa sâu để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm lợi dụng môi trường bệnh viện để gây án đã và đang là quyết tâm xuyên suốt của CAQ Hoàn Kiếm. Thực tiễn công tác đấu tranh cho thấy, thủ đoạn phổ biến của tội phạm trộm cắp tài sản trong bệnh viện là lợi dụng sự chen lấn, xô đẩy tại một số khu vực có đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, như điểm xếp hàng lấy số, lấy kết quả, thanh toán các khoản phí để móc túi trộm cắp ví tiền, điện thoại.

Đối tượng xấu đi đến các khu vực chữa bệnh, khu nhà lưu trú vào ban đêm, lợi dụng người bệnh, người nhà bệnh nhân ngủ say, bất cẩn trong quản lý tài sản để trộm cắp ví tiền, điện thoại, túi xách… Có đối tượng vào các phòng khám, giả làm bệnh nhân trà trộn trộm cắp tài sản của người bệnh. Có đối tượng lợi dụng một số khu vực nhà hành chính vắng vẻ để đột nhập phòng làm việc trộm cắp tài sản của bệnh viện và nhân viên y tế.

Một sơ hở khác của lực lượng bảo vệ là hay bị đối tượng xấu lợi dụng trong quản lý phương tiện để trộm cắp xe máy. Phức tạp không kém là thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đánh vào tâm lý muốn khám nhanh, khám sớm, đối tượng xấu đã giả là nhân viên y tế (hoặc người nhà bệnh nhân khác) để tiếp cận bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Từ đó chúng giả vờ là có khả năng điều tiết việc khám chữa bệnh nhanh, hoặc có thể nhờ bác sỹ tốt khám bệnh. Đối tượng đề nghị người bệnh, người nhà bệnh nhân phải đưa trước một số tiền để “lo việc”, sau khi nhận được tiền thì tìm cách tẩu thoát.

Một dạng lừa khác là đối tượng đóng giả làm nhân viên bệnh viện để tiếp cận người bệnh, người nhà bệnh nhân… từ đó mời chào, giới thiệu một số loại thuốc, thảo dược không rõ nguồn gốc rồi bán với giá cao. Do thiếu hiểu biết và tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” nên một số người đã mua phải thuốc giả, thảo mộc không rõ nguồn gốc, không có tác dụng chữa bệnh. Thời gian gần đây, xuất hiện loại tội phạm lợi dụng nhu cầu ghép tạng, hiến tạng, hoặc cho nhận con nuôi, đã có hành vi hứa hẹn giúp đỡ ở khâu trung gian. Tuy nhiên, đối tượng không thực hiện như đã thỏa thuận và chiếm đoạt số tiền của các nạn nhân đã tin tưởng giao cho chúng.

Bài học cảnh giác không bao giờ thừa

Nhiều vụ án, chuyên án liên quan đến tội phạm gây án ở bệnh viện trong thời gian qua đã bị CAQ Hoàn Kiếm điều tra, khám phá thành công. Điển hình như vụ đối tượng Nguyễn Văn Xuân (SN 1978, quê quán Từ Sơn, Bắc Ninh) vào khu vực chữa bệnh tại tầng 3 nhà B4 Bệnh viện Việt Đức để trộm cắp 2 chiếc điện thoại của người nhà bệnh nhân.

Trước đó, CAQ Hoàn Kiếm liên tiếp nhận được trình báo của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tố giác bị một đối tượng nam giới giả là người nhà bệnh nhân khác và nói có quen nhiều bác sỹ giỏi, ai có nhu cầu khám nhanh thì đưa trước một ít tiền để đối tượng “lo liệu”. Sau khi nhận tiền đối tượng bỏ trốn và chiếm đoạt. Quá trình điều tra truy xét, CAQ Hoàn Kiếm đã bắt giữ đối tượng Phạm Văn Mộc (SN 1970, quê quán Kiến Xương, Thái Bình). Tại cơ quan công an, Mộc khai nhận đã thực hiện 7 vụ lừa đảo tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.

Phân tích các vụ việc đã xảy ra cho thấy có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do công tác tuyên truyền phòng ngừa chưa thực sự mang lại hiệu quả, dẫn đến đối tượng có điều kiện lợi dụng hoạt động. Khắc phục sơ hở này cần thực hiện đồng bộ biện pháp tuyên truyền, cảnh báo với người bệnh, người nhà bệnh nhân.

Lực lượng công an cần phối hợp chặt chẽ với bệnh viện thường xuyên cảnh báo cho nhân dân biết thông qua hệ thống loa trong bệnh viện để nâng cao ý thức cảnh giác bảo quản tài sản, không tiếp xúc, trao đổi, giao dịch tiền với người lạ liên quan đến việc khám chữa bệnh. Không mua bán thuốc chữa bệnh, vật tư y tế của những người rao bán trong bệnh viện.

Chỉ mua thuốc, vật tư theo chỉ định của bác sỹ. Bệnh viện cần tổ chức dán biển cảnh báo tại các khu vực đông người như điểm thanh toán viện phí, xếp hàng lấy mẫu, lấy kết quả… Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền phương thức, thủ đoạn, diện đối tượng nghi vấn đến lực lượng bảo vệ để nâng cao ý thức trách nhiệm như trông giữ xe, tuần tra ban đêm. Điều quan trọng nữa là tuyên truyên đến những người dân, phối hợp với bảo vệ bệnh viện, lực lượng công an trong phòng ngừa, tố giác hành vi vi phạm pháp luật.