Nhận diện "cát tặc" trên các tuyến sông ở Hà Nội(Kỳ 3): Chiêu trò núp bóng, "bắt tay" với "cát tặc"

ANTĐ - Với nhiều chiêu trò, các doanh nghiệp núp bóng dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm đã “qua mặt” cơ quan chức năng và đổ lỗi hoạt động của “cát tặc” là do những tàu thuyền vãng lai, không liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. thực tế này cũng được chứng minh khi các đối tượng bị bắt giữ đều khai nhận, họ chỉ được thuê hút, vận chuyển, còn chủ thuê là ai thì không biết! 

Nhận diện "cát tặc" trên các tuyến sông ở Hà Nội(Kỳ 3): Chiêu trò núp bóng, "bắt tay" với "cát tặc" ảnh 1

Dự án… trao tay!

Lợi nhuận từ việc khai thác cát quá lớn, nên dù bị kiểm tra, xử lý gắt gao, “cát tặc” luôn tìm mọi thủ đoạn để đối phó, tiếp diễn vi phạm. Đáng nói, trong thời gian qua, nhiều công ty núp bóng dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm đều huy động tàu cuốc, tàu hút công suất lớn, vận hành cả ngày lẫn đêm khiến cho hoạt động khai thác cát càng trở nên phức tạp. Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp khi được thực hiện dự án đã bắt tay với các đối tác khác, thu tiền rồi mặc kệ đối tác hút - bán cát. Chính vì vậy, tình trạng một số tàu hút trà trộn vào các khu vực của những công ty được cấp phép khai thác bãi nổi đã và đang khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Theo Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội, vi phạm phổ biến của các pháp nhân khai thác cát là sử dụng sai giấy phép kinh doanh để khai thác cát như thuê người dùng tàu hút, tàu cuốc khai thác cát trái phép. Thời gian qua, các đối tượng khai thác cát vi phạm bị lực lượng chức năng xử lý gắt gao, nhưng vi phạm chỉ giảm theo thời vụ. Đặc biệt, khi lực lượng chức năng quản lý chặt, nạn khai thác trộm cát lại diễn ra càng… tinh vi! Đối tượng hút trộm cát thuê người theo dõi, trang bị xuồng máy “vệ tinh”, khi phát hiện lực lượng chức năng sẽ báo tin và việc hút trộm cát sẽ tạm dừng. 

Ngày 7-4, khi phóng viên ghi hình chiếc tàu hút tăng ga máy nổ ầm ĩ để hút cát tại sông Hồng (đoạn thuộc địa bàn phường Thụy Phương, cảng Chèm và Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), một người đàn ông ngồi canh trên một chiếc xuồng phát hiện có người đang quay, chụp đã tuýt còi đánh động cho chiếc tàu hút cát. Tuy nhiên, do tiếng máy quá to khiến những người trên chiếc tàu hút không nghe thấy nên vẫn làm việc bình thường, buộc người đàn ông cảnh giới phải tăng tốc, chạy xuồng rẽ sóng ra chiếc tàu hút để thông tin, tàu này sau đó lượn lờ một lúc rồi biến mất.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Phòng Cảnh sát đường thủy CATP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy phối hợp với Cục Cảnh sát đường thủy (Bộ Công an); Phòng Cảnh sát môi trường, Công an các quận, huyện, CATP Hà Nội đã bắt 43 trường hợp khai thác cát trái phép, trong đó Phòng Cảnh sát đường thủy xử lý 13 trường hợp, còn lại 30 trường hợp bàn giao cho công an các quận, huyện xử lý. Trong đợt cao điểm (từ 1-12-2015 đến 25-2-2016), Phòng Cảnh sát đường thủy phối hợp với phòng nghiệp vụ, Công an các quận huyện phát hiện, bắt giữ và xử lý 26 trường hợp khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố và địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội với các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên. So với cùng kỳ năm 2015, tăng 5 vụ.

Chỉ bắt được tàu nhỏ, lẻ

2h45 ngày 1-4 vừa qua, tổ công tác CAH Ba Vì, phối hợp với CAX Đông Quang bắt quả tang 2 phương tiện hút cát trái phép trên đoạn sông Hồng thuộc địa bàn xã Đông Quang. Tàu thứ nhất mang số hiệu HN-551, do Nguyễn Văn Hùng (SN 1981, ở xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) điều khiển; chiếc còn lại mang số hiệu VP-0920, chủ tàu là Phùng Trọng Phúc (SN 1972, ở xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), còn lái tàu là Nguyễn Văn Minh (SN 1976, ở phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Tiếp đó, tối 5-4, CAH Ba Vì cũng đã bắt giữ 2 tàu hút cát trái phép ở địa bàn giáp ranh với huyện Ba Vì. Hầu hết các trường hợp bị phát hiện, xử lý khi làm việc với cơ quan công an đều khai nhận là “làm ăn lẻ, đi hút thuê”, nhưng ai thuê thì họ… không biết (!?). 

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng CAH Ba Vì chia sẻ, đa số đối tượng hút trộm cát lợi dụng đêm tối hoặc thời tiết mưa gió để hút cát ở địa bàn giáp ranh. Trong khi đó, lực lượng CAH mỏng, phương tiện chuyên dụng chưa được đầu tư nên gặp không ít khó khăn trong công tác phát hiện, xử lý. “Địa bàn huyện Ba Vì trải dài 47km đường sông, giáp ranh với các huyện của tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Mỗi khi tuần tra, chúng  tôi phải thuê tàu, thuyền nên dễ lộ thông tin. Đó là chưa kể, nhiều chủ thuyền không muốn hợp tác vì ngại va chạm”, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Không chỉ khó khăn về phương tiện, nhân lực của cơ quan chức năng, chế tài đối với hành vi khai thác cát trái phép cũng được xem là chưa đủ sức răn đe. Ngay như việc tạm giữ phương tiện - biện pháp trước mắt để ngăn chặn nạn hút trộm cát - nhiều đơn vị đều ngại, vì không có bến bãi lưu giữ. Chưa kể nhiều chủ phương tiện sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”.

Một lái tàu có thâm niên trên sông Hồng cho rằng, một doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, nếu làm đúng quy trình, đúng pháp luật sẽ khó có “cái ăn”. Vì vậy, họ sẽ “sang tay” hoặc “thả cửa” để cho tàu, đối tác vào khu vực được cấp phép hút trộm cát. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, lỗi vi phạm sẽ bị đẩy hoàn toàn cho phía hút trộm. 

Thượng tá Lê Văn Nghiêm, Đội trưởng Đội CSKT, CAH Gia Lâm cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, CAH Gia Lâm đã bắt và xử lý hơn 20 trường hợp khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra rất phức tạp. Do lợi nhuận cao nên nhiều công ty, doanh nghiệp lợi dụng được cấp phép, được phê duyệt dự án hoạt động bất chấp các thủ đoạn. Đêm 11-4, lực lượng chức năng CAH đã bắt giữ 4 chiếc tàu khai thác cát thuộc khu vực đoạn giữa Phù Đổng và Đặng Xá, Gia Lâm.

Tuy nhiên, sáng hôm sau lại phải thả vì họ mang đầy đủ giấy tờ đến chứng minh là tàu của Công ty TNHH My Hương được Cục Đường thủy nội địa cho thực hiện dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm.

“Hoạt động khai thác cát của các công ty, doanh nghiệp vẫn là vấn đề “nóng”, vì hoạt động ở dưới nước không giống như trên bờ, khi thực hiện nhiệm vụ, cơ quan chức năng thiếu công cụ chuyên dụng nên không xác định được đâu là vị trí được khai thác và không được khai thác. Lúc bắt giữ thì đêm tối, trên sông, sáng hôm sau ra lại mất dấu, không giống như trên địa bộ mà có thể dánh dấu rồi còn đó. Đơn cử, như trong trường hợp của Công ty My Hương, tàu không đăng ký số hiệu thì ai biết là tàu của cát tặc hay tàu của công ty. Bên cạnh đó, việc công ty chỉ thả phao đoạn đầu và đoạn cuối, còn ranh giới vị trí được khai thác thì không có nên rất khó quản lý”, Thượng tá Lê Văn Nghiêm chia sẻ.

Bắt giữ 2 tàu hút cát trộm trên sông Hồng

Hai chiếc tàu hút cát trái phép bị tạm giữ

Khoảng 22h30 ngày 22-4, Đội Cảnh sát  Kinh tế, CAH Gia Lâm phối hợp với Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường và Đội 3, Phòng CSGT đường thủy - CATP Hà Nội bắt giữ 2 tàu vỏ sắt không số hiệu đang có hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên sông Hồng, đoạn thuộc địa phận xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm.

Tại thời điểm kiểm tra, lái tàu Nguyễn Văn Lợi (SN 1983), ở thôn Trung Quan, xã Văn Đức và Nguyễn Văn Dũng (SN 1977), ở thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn, cùng huyện Gia Lâm vận hành 2 tàu hút cát không xuất trình được giấy phép khai thác khoáng sản do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép. Tổ công tác đã tạm giữ 2 con tàu và củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.

Quang Trường

(Còn nữa)