Nhận diện "cát tặc" trên các tuyến sông ở Hà Nội(Kỳ 2): Từ nạo vét đến tận thu

ANTĐ - Lợi dụng được cơ quan chức năng (thường là Cục Đường thủy nội địa -  Bộ GTVT) cấp phép khai thác bãi nổi, phê duyệt nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, doanh nghiệp đã trưng “lá bùa” này ra khi bị chính quyền cơ sở kiểm tra để vô tư nạo vét, bất chấp hậu quả. 

Nhận diện "cát tặc" trên các tuyến sông ở Hà Nội(Kỳ 2): Từ nạo vét đến tận thu  ảnh 1Hoạt động khai thác cát của Công ty cổ phần Quảng Tây tại dọc tuyến sông Hồng nằm sát xã Phú Châu và thị trấn Tây Đằng cả ngày lẫn đêm

Ngang nhiên hoạt động

Trong quá trình tìm hiểu hoạt động khai thác cát trên dọc sông Hồng và sông Đuống (cả các pháp nhân có phép và không phép), PV ghi nhận tại khu vực sông Đuống, đoạn thuộc địa bàn xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm thường xuyên có từ 4-5 tàu cuốc, tàu hút được cho là của Công ty TNHH My Hương, ngày đêm khai thác cát. Tuy nhiên, khẳng định với PV, một lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa cho biết, ngày     13-3-2016, cơ quan này đã yêu cầu các đơn vị liên quan dừng toàn bộ hoạt động nạo vét trên sông Đuống, thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh và TP Hà Nội.

Còn tại địa bàn thị trấn Tây Đằng, giáp với các xã Đông Quang, Phú Châu, Chu Minh… của huyện Ba Vì, Công ty cổ phần Quảng Tây được UBND TP Hà Nội cấp phép khai thác bãi nổi với diện tích 20ha; và Công ty TNHH Linh - Huy - Hoàng cũng được UBND TP Hà Nội cấp phép cho khai thác bãi nổi lấy cát san lấp (ở xã Hòa Thái, huyện Ba Vì). Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp này chưa hoàn thiện thủ tục, nhưng đã đi vào hoạt động. Theo phản ánh của người dân, thậm chí có doanh nghiệp lợi dụng giấy phép đã khai thác cát sai vị trí, sử dụng những phương tiện “khủng”, gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. 

Ông Lê Văn Hiền, Phó Trưởng CAX Phú Châu, huyện Ba Vì cho biết, trước kia, một số công ty khai thác cát đưa tàu về khai thác trộm nhưng bị người dân ngăn cản. Thời điểm “nóng” nhất vào khoảng tháng 3, tháng 4 - 2015. Hiện nay, Công ty cổ phần Quảng Tây có công văn thông báo với UBND xã họ được UBND TP Hà Nội cấp phép để khai thác bãi nổi. Trong quá trình hoạt động, công ty đã huy động nhiều tàu lớn về khai thác, người dân không chịu nổi đã phải gửi đơn kiến nghị tới cơ quan chức năng. Đáng nói, người dân phản ánh, công ty này sử dụng tàu cuốc khai thác cát ở cả dòng sông, chứ không riêng ở bãi nổi.

Nhận diện "cát tặc" trên các tuyến sông ở Hà Nội(Kỳ 2): Từ nạo vét đến tận thu  ảnh 2

Về vấn đề này, ông Dương Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Phú Châu khẳng định: “Xã không hề nhận được bất cứ đơn thư nào kiến nghị về hoạt động khai thác cát của người dân”. Tuy nhiên, khi PV cung cấp hình ảnh và ý kiến của người dân về hoạt động khai thác cát, vị chủ tịch xã mới thừa nhận có nhận được đơn của người dân phản ánh vì máy nổ gây ồn (!?).

Giăng thế trận “oanh tạc” dòng sông

Sau nhiều ngày tiếp cận, PV đã ghi lại hình ảnh hoạt động khai thác cát tại bãi nổi của Công ty cổ phần Quảng Tây. Trước khu vực những cánh hàn chắn sóng được đầu tư lên tới cả tỷ đồng của Nhà nước, nhằm bảo vệ, chống sạt lở đê, thì cách đó khoảng 300 - 400 mét, gần chục tàu cuốc công suất lớn của Công ty cổ phần Quảng Tây hoạt động ầm ĩ cả ngày lẫn đêm.

Vị trí các tàu cuốc nằm giữa dòng sông, ngoài bãi nổi dọc theo tuyến đê thuộc địa bàn xã Phú Châu. Và đây có lẽ là những lý do mà ông Dương Văn Hòa đưa ra: “Hoạt động khai thác cát không phải ở Phú Châu mà có lẽ là thuộc thị trấn Tây Đằng. Vì giáp ranh nên rất khó quản lý, xã cũng không có phương tiện hay thẩm quyền quản lý và xử lý”. 

Đặt câu hỏi về hoạt động khai thác cát,  ông Nguyễn Thế Sáng, cổ đông - theo Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh - của Công ty cổ phần Quảng Tây cho biết, công ty làm ăn rất quy củ. Trong quá trình thực hiện dự án khai thác cát san lấp khu vực bãi nổi tại bãi cát Vân Hồng, thị trấn Tây Đằng, công ty đăng ký 4 phương tiện tham gia hoạt động khai thác, với cả trăm người làm việc.

“Hoạt động khai thác cát của công ty được thực hiện theo kiểu cuốn chiếu nên không ảnh hưởng đến môi trường. Cát bán cho doanh nghiệp hay cá nhân đều có hóa đơn GTGT. Bãi nổi này cũng chỉ Công ty cổ phần Quảng Tây mới khai thác được, nếu có tàu khác đến bị “đánh bật” ngay”, ông Sáng nhấn mạnh.

Về vấn đề trên, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng CAH Ba Vì cho biết, Công ty cổ phần Quảng Tây đã được cấp phép, tuy nhiên vẫn còn thiếu một số giấy tờ. Hiện cơ quan chức năng của huyện đang yêu cầu công ty sớm hoàn thiện thủ tục. Thực tế là dù chưa đủ các giấy tờ theo hồ sơ đăng ký để cấp phép nhưng nhiều tháng nay, hoạt động khai thác cát của công ty này vẫn diễn ra, và số lượng phương tiện nhiều hơn so với thực tế được cấp phép.

Thậm chí, đêm 5-4, lực lượng CAH Ba Vì đã bắt giữ 2 tàu hút gần khu vực bãi nổi, đoạn giáp xã Phú Châu và thị trấn Tây Đằng. Điều này thực sự khác với thông tin ông Sáng khẳng định là chẳng có một tàu hút nào có thể xâm phạm đến “mỏ” của công ty.

Hai ngày sau khi CAH Ba Vì bắt giữ 2 tàu cát, PV được sự trợ giúp của lực lượng chức năng, đã tiếp cận được “đoàn” tàu cuốc của Công ty cổ phần Quảng Tây. Giữa dòng sông, có ít nhất 5 tàu cuốc đang hoạt động khai thác cát. Một công nhân trên tàu cuốc vừa ngừng hoạt động cho biết, ở đây công ty có 5, 6 con tàu, mỗi tàu thường có gần 10 người để vận hành hoạt động.

Khi thấy PV ghi hình, công nhân này lảng đi chỗ khác. Có tiếng nói chuyện qua điện thoại di động khá to với những người trên tàu. Một lúc sau, đồng loạt các tàu cuốc của Công ty cổ phần Quảng Tây đang khai thác cát, đèn sáng trưng bỗng phụt tắt. 

(Còn tiếp)