Nhận diện các tòa nhà, chung cư tiềm ẩn nguy cơ xảy cháy(Bài 1): Chủ đầu tư "buông" an toàn phòng cháy

ANTĐ - Mới đây, cơ quan Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, phúc tra phát hiện 38 tòa nhà, chung cư cao tầng vi phạm nghiêm trọng về an toàn PCCC, trong đó có nhiều tòa nhà chưa được nghiệm thu về PCCC, nhưng đã đưa vào sử dụng.

Hiện trường vụ hỏa hoạn xảy ra tại tòa nhà Hồ Gươm Plaza Hà Đông

Nơm nớp lo xảy cháy

Bà Lê Lan Phương (60 tuổi) trú tại nhà T12D tháp A, tòa nhà 18 đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bức xúc: “Chúng tôi rất lo về an toàn PCCC của tòa nhà này, đặc biệt kể từ khi biết được thông tin tòa nhà chưa được nghiệm thu về an toàn PCCC, lòng dạ cứ nơm nớp mỗi khi nghe tin ở đâu đó xảy ra hỏa hoạn”.

Cũng giống tâm trạng của bà Phương, hàng trăm chủ nhân của 128 căn hộ với gần 500 nhân khẩu sinh sống tại tòa nhà này đều lo lắng, gửi đơn lên chủ đầu tư yêu cầu sớm thực hiện nghiêm túc về lĩnh vực an toàn PCCC tại tòa nhà. Thế nhưng, kể từ khi nhận nhà đến nay, nhiều năm qua người dân nơi đây vẫn không thấy một động thái tích cực nào từ phía chủ đầu tư. Trong khi đó, tòa nhà ngày càng xuống cấp, hệ thống đèn báo thoát nạn, cầu thang thoát hiểm hư hỏng nặng. Ngày mưa, nước tràn lênh láng dưới tầng hầm.

Bà Lưu Thị Tâm, Trưởng ban Quản trị tòa nhà 18 - Phạm Hùng cho biết: “Chúng tôi bỏ cả đống tiền ra mua ngôi nhà an toàn chứ không phải mua sự âu lo, nguy hiểm. Ban đầu khi mới khởi công, những tưởng “lời hay ý đẹp” của chủ đầu tư sẽ đồng nghĩa với chất lượng công trình, nào ngờ khi về ở thì quyền lợi cơ bản của chúng tôi bị xem nhẹ” - bà Tâm bày tỏ.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn PCCC, bà Tâm đã họp khu dân cư, để tìm hướng tháo gỡ thì chỉ nhận được sự im lặng từ phía cơ quan có trách nhiệm. “Người dân chúng tôi chỉ biết nhận nhà, chứ việc nhà có đầy đủ các thiết bị an toàn PCCC hay không thì phải cơ quan quản lý mới biết được. Nếu chúng tôi biết tòa nhà không đủ điều kiện an toàn, thì chẳng dại gì mà bỏ tiền ra mua” - bà Tâm nói. 

Trước nhiều vụ cháy ở một số tòa nhà trên địa bàn Hà Nội, lo sợ về việc không may xảy ra hỏa hoạn, ngày 25-5 vừa qua, Ban quản trị tòa nhà 18 - Phạm Hùng đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng để được khắc phục. Ngày 8-6, Sở xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo chủ đầu tư sớm khắc phục nội dung Ban quản trị tòa nhà phản ánh để đảm bảo an toàn, ổn định sinh hoạt của người dân.

Được biết, tòa nhà 18 - Phạm Hùng đã bị xử lý nhiều lần về vi phạm an toàn PCCC, trong đó vi phạm lớn nhất là chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng. Cơ quan Cảnh sát PCCC cũng yêu cầu trong tháng 9-2016, chủ đầu tư phải có biện pháp khắc phục những thiếu sót về an toàn PCCC để đảm bảo sinh hoạt cho người dân, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có động tĩnh gì.

Không thể xử lý xong rồi rồi cho tồn tại

Trao đổi với ông Nguyễn Đình Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Ba Đình, là đơn vị chủ đầu tư xây dựng tòa nhà 18 - Phạm Hùng, phóng viên được biết tòa nhà này có 19 tầng và 2 tầng hầm. Từ tầng 1 đến tầng 3 dùng làm trung tâm thương mại, dịch vụ, siêu thị.

Hiện tòa nhà chưa nghiệm thu về PCCC nhưng đã đưa vào sử dụng là do vấn đề lịch sử. “Khi công trình được triển khai xây dựng thì thực hiện an toàn PCCC theo quy định cũ, nhưng hiện tại quy định này đã thay đổi khiến việc khắc phục gặp nhiều khó khăn. Để tòa nhà được nghiệm thu về PCCC, cần phải có chủ trương của thành phố xin đề xuất hướng tháo gỡ. Còn về các thiết bị an toàn PCCC, chúng tôi đã lắp đặt đầy đủ” - ông Hiền khẳng định. 

Tương tự thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Giám đốc Công ty sản xuất thương mại BMM, chủ đầu tư tòa nhà BMM cao 32 tầng, tại phường Phúc La, quận Hà Đông, với 340 căn hộ, hiện tại 260 hộ dân đã chuyển về ở chia sẻ: “Tòa nhà này chưa được nghiệm thu về PCCC.Chính vì vậy, chúng tôi chấp nhận bị xử lý và xin bổ sung thiết bị an toàn PCCC đầy đủ để được nghiệm thu.Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được vì hồ sơ lại vướng mắc do thay đổi quy định giữa cũ và hiện tại. Bản thân chúng tôi cũng muốn đề nghị cơ quan có thẩm quyền tìm hướng tháo gỡ, chứ không hề muốn bị xử lý vi phạm, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, cũng như đời sống sinh hoạt của người dân”.  

Theo hồ sơ của Cảnh sát PCCC Hà Đông, hầu hết các công trình đều được trang bị đầy đủ thiết bị PCCC cho tòa nhà. Đồng thời, cơ sở đều có đội chữa cháy theo quy định và hàng năm Cảnh sát PCCC vẫn thực hiện tập huấn kỹ năng chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn cho cư dân sinh sống tại đây. Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định thì bất cứ một tòa nhà nào chưa được nghiệm thu về PCCC đều không được phép đưa vào sử dụng.

Được biết, những công trình này được cấp phép từ năm 2007, do đó các quy định cũ về PCCC thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) thẩm duyệt. Trước thực trạng trên, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã tiến hành rà soát, kiểm tra để có biện pháp xử lý, đồng thời báo cáo thành phố có hướng tháo gỡ, khắc phục để người dân an tâm sinh hoạt.

(Còn tiếp)