Nhận diện "bẫy" kinh doanh đa cấp lừa đảo

ANTĐ - Kinh doanh đa cấp (KDĐC) lừa đảo không thể tồn tại và tác oai tác quái khi cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm cao, xử phạt nghiêm khắc các hành vi phạm pháp của đơn vị và cá nhân người bán hàng kiểu đa cấp đồng thời thông tin kịp thời, rộng rãi để người tham gia bớt cả tin và tránh ngộ nhận, đặc biệt là nhận diện được một số thủ đoạn lắt léo trong KDĐC sau:

Nhận diện "bẫy" kinh doanh đa cấp lừa đảo ảnh 1

1. Quảng cáo thổi phồng 

Thông thường các sản phẩm được phân phối theo mạng KDĐC đều được truyền tai nhau qua những tài liệu sơ sài không thể kiểm chứng trách nhiệm xuất bản, bị phù phép, “thần bí hóa” hoặc “đa năng hóa” các tác dụng và tiện ích khác thường mà sản phẩm đem lại cho người tiêu dùng, theo kiểu “có một nói mười”, quảng cáo vống lên các tác dụng “3 trong 1”, thậm chí rất khác nhau của sản phẩm.

Ví dụ, có sản phẩm nước quả ép được phóng đại là vừa chống được huyết áp cao, vừa tác dụng tích cực với huyết áp thấp hoặc có viên nhộng vừa tăng được cân, vừa giảm được béo hệt như công năng của chiếc máy điều hòa nhiệt độ 2 chiều nóng - lạnh vậy! 

Đặc biệt, phụ trách các lớp học hoặc hội thảo về KDĐC luôn căn dặn các phân phối viên trong mạng  lưới KDĐC rằng không được nói thực phẩm này là thuốc chữa bệnh (để bảo đảm an toàn về pháp lý khi cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra giấy phép nhập khẩu hoặc bằng cấp chuyên môn cần thiết theo yêu cầu của Bộ Y tế), song lại khuyến khích lưu hành các văn bản nội dung và  “mớm lời” cho họ quảng cáo về tác dụng chữa bách bệnh của nó như một loại thuốc với tính năng thần kỳ và vượt trội hơn mọi thuốc y tế chính hiệu khác. 

Cần nói thêm là các lớp học hoặc hội thảo này thường được tổ chức theo mô hình khá giống nhau: Rùm beng nhưng khuất, để “người ngoài” không thể dòm ngó. Một vài thuyết trình viên chuyên nghiệp, tự nhận hoặc được quảng bá là có bằng cấp (theo lời tự giới thiệu) và đều thành đạt, trở nên giàu có nhờ lộc từ KDĐC.

Với lực lượng “chim mồi” này, họ cố ý gieo rắc lòng tin vào người nghe về các tác dụng thần kỳ của sản phẩm mà nhiều người đã cảm nhận được trong quá trình sử dụng sản phẩm. Khi nghe chia sẻ và dự các lớp học kiểu nhồi sọ và ít nhiều có không khí như bị thôi miên này, người dự sẽ tin tưởng về thần dược và những sản phẩm kỳ diệu được giới thiệu, nhất là khi họ được kích thích bởi viễn cảnh “lãi mẹ đẻ lãi con” nhanh chóng từ mạng đa cấp mà họ sẽ có được với sự giúp đỡ của cộng sự trong “gia đình đa cấp”...

Tuy nhiên, những ai có kiến thức và đủ tỉnh táo đều có thể thấy mâu thuẫn và sự bất hợp lý trong các bài thuyết trình về sản phẩm KDĐC. Đơn giản ở chỗ, nếu sản phẩm tốt như vậy sao họ không quảng cáo rộng rãi, công khai cho người tiêu dùng mua hoặc biết qua mạng xã hội miễn phí, mà phải quảng cáo kiểu thậm thụt, rỉ tai như vậy?

Bên cạnh việc quảng bá theo kiểu phóng đại đó, các sản phẩm đều không được bảo hành do không có quy định và cơ sở bảo hành của các nhà tổ chức KDĐC. Nếu có hậu quả xảy ra do sử dụng sản phẩm mua qua KDĐC, người tiêu dùng chẳng biết kêu ai, còn các nhà tổ chức, KDĐC thì vô can hoặc dễ dàng trút trách nhiệm lên các đại lý vì họ đã chuẩn bị sẵn cho mình nhiều “bằng chứng ngoại phạm”.

2. Ép buộc người tham gia  

Nguyên tắc bất di bất dịch của bất kỳ mạng KDĐC nào và đối với bất kỳ sản phẩm nào được phân phối qua mạng này là buộc người tham gia phải tự mình trở thành người tiêu thụ sản phẩm dù muốn hay không, giảm béo hay giảm gầy, dù có bệnh hay không có bệnh, dù nhà đã có hàng chục sản phẩm tương tự vượt quá mức nhu cầu tiêu thụ, bất chấp các quy định về KDĐC hiện hành nghiêm cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp phải đặt cọc tiền, hoặc phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu với giá trên trời, thậm chí cao gấp vài lần giá của chính sản phẩm đó hoặc sản phẩm tương đương, nên không thể bán lại trên thị trường.

Một khi người tham gia đã “trót dại” mất tiền mua hàng, thì họ đành chấp nhận “đâm lao phải theo lao”, tìm mọi cách bán lại hàng này cho người quen và thiếu thông tin để thu hồi vốn, nếu không muốn trực tiếp tiêu dùng những sản phẩm này.

3. Lợi nhuận cao gắn với hoa hồng

Để an ủi và kích thích động lực kinh doanh của các phân phối viên, các nhà tổ chức KDĐC thường trích lại hoa hồng cho người tham gia rất cao, vượt 40% theo quy định hiện hành của Nhà nước. Hơn nữa, về hình thức, cách thức ăn chia còn được thiết kế theo kiểu “phản ứng dây chuyền”, hình tháp để tăng độ hấp dẫn cho nhà phân phối cấp 1. Việc bán sản phẩm giá cao khiến người mua, dù được thưởng hậu đi nữa, vẫn chỉ là tự “ăn thịt chính mình”, do phần thưởng chính là phần “đắt đỏ vượt trội” mà họ đã mua theo “giá gốc” đó, hoặc chỉ “ăn bánh vẽ”. 

Trên thực tế, các mạng KDĐC tuân theo một loạt quy định rắc rối và "nghiêm ngặt" về thống kê sản phẩm tiêu thụ qua các cấp, nhất là yêu cầu về tiêu thụ sản phẩm tối thiểu, liên tục trong thời hạn quy định của các cấp đại lý. Nếu vi phạm các yêu cầu "khoán mua" sản phẩm này, thì mạng sẽ vỡ.

Tất cả hệ thống các cấp được gây dựng sẽ quay trở lại số 0. Các quyền lợi của đại lý các cấp bị bãi bỏ và các đại lý phải tiếp tục bỏ tiền để làm lại từ đầu. Việc bán được sản phẩm cho người tiêu dùng thực sự khác là rất khó, nên chủ yếu là các đại lý bán lại (thậm chí không cần lưu chuyển hàng) cho các đại lý khác (cấp 2, cấp 3) hoặc tự bỏ tiền để mua tiếp sản phẩm, nhằm duy trì vị thế đại lý "cấp 1" và hệ thống mạng lưới của mình.

Xét về bản chất, do thoát ly sản xuất và bán hàng thực sự, nên lãi kinh doanh đúng nghĩa là không có. Lợi nhuận kinh doanh mạng của cả mạng và của từng người phân phối chỉ là tổng số các khoản "học phí" mà những người đã, đang và sẽ tham gia kinh doanh mạng phải trả và chuyển hóa nội bộ từ túi người này sang túi người kia mà thôi.

Nói cách khác, lợi nhuận của các phân phối viên và đại lý tham gia kinh doanh mạng là không chắc chắn, sớm muộn hệ thống KDĐC sẽ đổ vỡ và thiệt hại nặng nề nhất sẽ đến với người tham gia muộn, mải “ăn bánh vẽ” và chưa kịp “hoàn vốn”.

Hơn nữa, KDĐC và hưởng lợi đa cấp, nên thông tin cũng bị phân đa cấp tiếp cận nghiêm ngặt. Hầu hết các công ty KDĐC đều thực hiện nguyên tắc phổ biến thông tin hạn chế cho từng cấp đại lý; càng tham gia sâu vào mạng và có lợi ích liên kết chặt chẽ cao hơn, đại lý càng biết nhiều hơn các thông tin bí mật nhạy cảm và được học thêm các “bí kíp” nhà nghề vốn ít được tiết lộ trong những hội thảo hoặc tự mình phải rút ra từ thực tiễn. Những người mới tham gia thường chỉ được dự hội thảo mở rộng, nghe những tấm gương thành công với những khoản thu nhập thật “sốc”, lời cam đoan có cánh và viễn cảnh giàu nhanh đầy màu hồng… 

Bên cạnh đó, nhiều người tham gia còn chịu thêm sức ép bởi “luật im lặng” nội bộ tự nguyện để tự bảo vệ lợi ích của chính mình, hoặc im lặng kiểu “ngậm miệng ăn tiền” của người có trách nhiệm do được mua và “bôi trơn” hoặc co mình trước sức ép đe dọa dùng biện pháp thô bạo khi đối diện với nguy cơ bị bóc mẽ hoặc làm lộ thông tin sản phẩm và “bí mật kinh doanh” của công ty KDĐC...

KDĐC là một loại hình kinh doanh phân phối hàng hóa thương mại đặc thù du nhập vào nước ta và được hợp pháp hóa bằng Nghị định Chính phủ số 110/CP ngày 24-8-2005; đồng thời, được điều chỉnh bằng Luật Cạnh tranh và một số văn bản pháp lý liên quan khác. KDĐC không xấu khi tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các luật định.

Ngoài một số lợi ích trong tổ chức kinh doanh so với các hình thức kinh doanh thương mại truyền thống, như không cần chi phí lớn cho đầu tư cửa hàng, quảng cáo, kho bãi và quản lý..., trên thực tế, KDĐC thường “lợi bất, cập hại”, cần được kiểm soát đặc biệt; nhất là cần nhận diện và chủ động kiểm soát, phòng tránh các bẫy và “góc tối” nguy hiểm, dễ bị lợi dụng gây cơn sốt phong trào bột phát, với nhiều tác động và hệ lụy xã hội nặng nề cả về quy mô và đối tượng bị hại...