Nhân dân Thủ đô gửi gắm kỳ vọng tới Đại hội Đảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô tự hào và bày tỏ niềm tin tưởng, sự kỳ vọng vào quyết tâm của Đảng bộ thành phố trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu mạnh. Các đảng viên, nhân dân Hà Nội đặt niềm tin, kỳ vọng nhiệm kỳ này Đảng bộ thành phố sẽ phát huy tinh thần dân chủ, tập trung trí tuệ cao nhất, hướng đến mục tiêu xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh toàn diện, đồng thời tập trung mọi giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa - giáo dục vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam): “Phát triển Hà Nội với đặc thù và vị thế Thủ đô”

Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu, đột phá lớn về đô thị, hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu; diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, trước hết là công tác quy hoạch. Hà Nội đến nay đã triển khai hơn 140 quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, phủ kín gần 90% diện tích.

Thành phố cũng tiếp tục phát triển các khu đô thị mới theo hướng hiện đại, xanh, sinh thái. Cùng với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhiều công trình trở thành điểm đến hấp dẫn như cầu Nhật Tân, tuyến đường Võ Nguyên Giáp... Trong lĩnh vực cây xanh, bên cạnh việc duy tu, bảo dưỡng, Hà Nội đã trồng mới được hơn 1,6 triệu cây. Đây là thành công lớn!

Để phát triển xứng tầm Thủ đô trong giai đoạn tới, người dân kỳ vọng, Hà Nội cần xác định rõ những đặc thù, vị thế của Thủ đô. Trước hết, cần tập trung để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô và thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.

Cần sớm quyết liệt để hoàn thiện quy hoạch chung của Hà Nội; nhất là các điểm nghẽn như quy hoạch không gian ngầm, quy hoạch khu vực hai bên sông Hồng, khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu phố cũ, phố cổ... để có công cụ định hướng phát triển. Cần sớm thí điểm mô hình đô thị vệ tinh, tạo đất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, phải quan tâm, tạo đột phá mới về kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, nâng tỷ lệ giao thông tĩnh…

Tuyết Nhung (Ghi)

PGS. TS Bùi Thị An (Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII): “Thành phố sáng tạo cần có tầm nhìn chiến lược”

Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII là sự kiện trọng đại của thành phố, định hướng sự phát triển của Thủ đô trong những năm tiếp theo. Tôi có nhiều kỳ vọng vào Đại hội lần này. Qua theo dõi thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy Hà Nội đã làm rất tốt công tác chuẩn bị. Văn kiện trình Đại hội được xây dựng trên sự đóng góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kết tinh được trí tuệ và ý chí của toàn Đảng bộ, nhân dân Thủ đô.

Đặc biệt, Văn kiện lần này nhấn mạnh sẽ xây dựng Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo, phát triển trên nền khoa học hiện đại. “Thành phố sáng tạo” là một tầm nhìn, một chiến lược, vì vậy đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải luôn nắm chắc, bám sát tình hình thực tiễn; phát hiện, đánh giá, lựa chọn đúng vấn đề quan trọng cần giải quyết và hoạch định các chủ trương, chính sách vừa đáp ứng nhu cầu bức thiết vừa có tầm nhìn dài hạn.

Tôi cho rằng, so với các địa phương khác, Hà Nội có lợi thế, là nơi tập trung đông đảo nhất lực lượng trí thức, người có trình độ cao. Vì thế, trong giai đoạn 5 năm tới, để tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ, Đại hội cần xây dựng được cơ chế để thu hút nhân tài cả trong và ngoài nước, phát huy được chất xám, tiềm năng sẵn có của Thủ đô.

Đối với công tác chuẩn bị nhân sự khóa tới, tôi thấy rằng vừa qua, thành phố đã có nhiều cố gắng trong công tác này. Mong rằng, các đại biểu dự đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn được những cán bộ ưu tú nhất vào đội ngũ lãnh đạo để phát triển Thủ đô, đất nước.

An Nhiên (Ghi)

Cầu Đông Trù là hạng mục quan trọng nhất của dự án xây dựng đường 5 kéo dài, được TP Hà Nội xếp trong danh mục 37 công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015

Cầu Đông Trù là hạng mục quan trọng nhất của dự án xây dựng đường 5 kéo dài, được TP Hà Nội xếp trong danh mục 37 công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015

Ông Mạc Quốc Anh (Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội): “Mong Hà Nội đột phá trong hỗ trợ doanh ghiệp phát triển”

Với hơn 298.000 doanh nghiệp, chiếm 40% tổng số doanh nghiệp cả nước, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền Thủ đô. Chúng tôi kỳ vọng trong 5 năm tới, Thủ đô sẽ có giải pháp, phương hướng để sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII vào cuộc sống.

Tôi tin rằng, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ phát huy được thành quả, kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước và tạo đột phá cho sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển kinh tế, thành phố sẽ có những đột phá mạnh mẽ về cải cách thủ tục hành chính; xây dựng nền công vụ hiện đại; đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ công chức thực sự vì cộng đồng doanh nghiệp, vì người dân. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ mạnh dạn đề xuất có chính sách đặc thù phát triển kinh tế Thủ đô.

Cộng đồng doanh nghiệp đang cần hỗ trợ về chính sách để mọi tổ chức, công dân được bình đẳng trong kinh doanh; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh... Để cộng đồng doanh nghiệp có không gian phát triển nhanh và mạnh hơn, chính quyền thành phố nên đầu tư mặt bằng khu công nghiệp với giá thuê đất ưu đãi cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp xanh và công nghệ cao; hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp sáng tạo và công nghiệp hỗ trợ, nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn, làm nòng cốt thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cùng phát triển…

Vân Hằng (Ghi)

Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình: “Hướng tới đời sống văn hóa của người Hà Nội phong phú, đa dạng, chất lượng hơn”

Trong 5 năm tới, TP Hà Nội cần chọn một số vấn đề quan trọng để quan tâm đầu tư, ví dụ như tiếp tục xây dựng người Hà Nội văn minh thanh lịch. Chúng ta cần đặt ra ít mục tiêu, chọn trọng điểm và làm đến nơi đến chốn để hướng tới đời sống văn hóa của người Hà Nội phong phú, đa dạng, chất lượng và cũng thực chất hơn.

Về chuyện quảng cáo chẳng hạn, có nhãn hàng tôi không tiện nhắc tên, lấy hình ảnh áo dài Việt cách tân trang phục truyền thống của Ấn Độ rồi giăng đầy các pano quảng cáo quanh hồ Gươm. Hồ Gươm là không gian thiêng của Hà Nội. Cá nhân tôi không phản đối quảng cáo, nhưng ở khu vực hồ Gươm thì cũng phải quảng cáo sản phẩm nào đó cho thật Hà Nội. Rồi di tích, di sản. Đình chùa xuống cấp cũng cần phải khẩn trương đầu tư tu bổ. Cùng với đó, phải xây dựng các chế tài xử phạt cả chủ đầu tư lẫn đơn vị thi công nếu để xảy ra tình trạng tu bổ sai nguyên tắc như thời gian vừa qua. Chủ trương đúng đắn thì việc mới đúng mới trúng được.

Muốn bảo tồn di tích tốt phải nâng cao nhận thức cho người dân và cả các cấp quản lý di sản, để làm sao khi tu bổ hay bảo tồn họ không dám làm đại khái. Nếu thiếu thì mở thêm các lớp bồi dưỡng về quản lý di sản. Tôi đi nhiều đình, nhiều chùa, nhiều nơi họ mang sơn công nghiệp mà sơn đè lên tượng gỗ, trong khi cửa gỗ vốn xưa nay chỉ quen sơn sơn ta. Khi hỏi thì lại bảo “Không biết!”. Bảo tồn, tu bổ di tích mà không hiểu biết như thế thì hỏng hết cả.

Hà Nội là thành phố trong lòng sông, vì thế cần đối xử tốt hơn với sông, với hồ bằng cách giảm thiểu tất cả những đường thoát nước trực tiếp ra sông, ra hồ. Làm sạch lại những dòng sông đã chết như Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Đáy… Quy hoạch tốt hai bên bờ sông Hồng đoạn chảy qua địa phận Hà Nội, từ đó khai thác du lịch.

Việc làm đẹp bộ mặt đô thị cũng phải được coi trọng. Thời gian gần đây, tôi lên tiếng phản đối rất nhiều việc cứ vẽ hoa vẽ lá xanh đỏ lên trụ điện. Như thế rất nguy hiểm, không hiểu đó là ý tưởng của ai. Muốn các trụ điện trên vỉa hè có thẩm mỹ hơn thì cần phải quy hoạch lại cho đồng bộ, các ngành điện lực - xây dựng - văn hóa phải bàn giải pháp với nhau sao cho vừa an toàn vừa thẩm mỹ, chứ không phải cứ dựng trên vỉa hè rồi vẽ lên thì có nghĩa nó sẽ đẹp. Cũng đừng nghĩ vẽ hoa lá sặc sỡ thì các trụ điện đó góp phần định hướng thẩm mỹ công cộng… Thẩm mỹ công cộng mà bắt nguồn từ đó thì "chết dở"! Hãy nghĩ tới điều gì căn cốt hơn, đồng bộ hơn, đừng mạnh ngành nào ngành ấy làm.

Quỳnh Vân (Ghi)

Những di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội được trình diễn ở đường phố giúp người dân hiểu rõ hơn về văn hóa, con người Thủ đô - Ảnh: LAM THANH

Những di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội được trình diễn ở đường phố giúp người dân hiểu rõ hơn về văn hóa, con người Thủ đô - Ảnh: LAM THANH

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường trực Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội): “Cần một chiến lược khoa học để phát triển Thủ đô Hà Nội”

Chúng ta đang ở trong bối cảnh Hà Nội phát triển rất nhanh nhưng kèm theo đó cũng tồn tại nhiều vấn đề về giao thông đô thị, môi trường lẫn kinh tế. Cần phải nói thẳng là đô thị Hà Nội đang phát triển thiếu kiểm soát không gian dẫn đến kiến trúc không đạt thẩm mỹ cao, tạo ra những áp lực mới cho giao thông và hạ tầng đô thị. Trong khi việc phát triển giao thông, đô thị, môi trường là một bài toán tổng hợp, phải có cách tiếp nhận khoa học tích hợp đa ngành không phải “mạnh ai nấy làm” bởi như thế là phản khoa học.

Việc quản trị đô thị cũng vậy. Bây giờ đã là thời đại 4.0 rồi nhưng ở Hà Nội vẫn có chuyện gì xảy ra là cử rất nhiều cán bộ đi đo, vẽ, cầm loa dò dẫm vào các ngóc ngách tuyên tuyền… trong khi đó nhà đầu tư thì xây dựng tràn lan. Nghĩa là việc xây dựng hệ thống quản lý hiện nay còn thô sơ nên cần “chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản trị đô thị” chứ không phải thủ công như bây giờ. Làm như hiện nay là là không theo kịp thời đại. Trên thế giới quản trị số hóa đã được áp dụng vào quản lý đất đai, đô thị hàng nửa thế kỷ nay, nên chúng ta phải chuyển đổi số toàn diện tất cả các giá trị tài nguyên của đô thị và công khai, minh bạch.

Hay như vấn đề môi trường cũng vậy, hiện nay Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề ô nhiễm không khí, nước thải, tiếng ồn, bụi… Nếu nhìn nhận ở vấn đề khoa học thì chúng ta sẽ biết được nguyên nhân của nó là do khí thải, sử dụng phương tiện cơ giới nhiều. Cùng với đó, trong quá trình sản xuất thải ra chất độc hại nhưng không được thu gom và xử lý đúng cách… Về mặt khoa học chúng ta sẽ có những giải pháp để giải quyết. Đó là chuyển đổi các phương tiện giao thông để làm sao giảm thiểu được khí thải độc hại, quản trị được phát triển kinh tế nhưng không phát thải những thứ độc hại ra môi trường. Trước sự phát triển của đời sống kinh tế như thế thì phải có khoa học công nghệ để thu gom, xử lý nó nó một cách khoa học.

Về vấn đề giao thông, có thể thấy việc vận hành giao thông ở Hà Nội hiện nay đang rất thiếu khoa học. Cụ thể, Hà Nội bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư những tuyến đường sắt đô thị lớn, huy động nhiều nguồn lực song không hoạt động được hoặc sau này có vận hành được thì cũng tốn rất nhiều tiền. Đó là phát triển không khoa học. Thay vì như trên, chúng ta có nhiều cách khác nhau để phát triển những tuyến xe buýt có giá thành rẻ với những làn đường ưu tiên thu hút được hành khách. Đồng thời chủ động được phương tiện, chế tạo sản xuất, duy tu bảo dưỡng. Đứng ở góc độ kinh tế, Hà Nội không phải là thành phố giàu nên không thể dựa vào những khoản vay khổng lồ của nước ngoài để đầu tư xây dựng những cái đắt tiền, chưa phù hợp. Chúng ta phải nhìn nhận cần một chiến lược khoa học để phát triển Thủ đô Hà Nội.

Dũ Cát (Ghi)