Thiếu tướng Nguyễn Công Bẩy - Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị (Bộ Công an):

Nhân dân sẽ hiểu thêm về những hy sinh của người chiến sỹ công an

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những ngày tháng 7 tri ân các thương binh, anh hùng liệt sỹ, chương trình “Giai điệu bình yên” số 2 với chủ đề “Vinh quang thầm lặng” được phát sóng trên kênh ANTV trở nên thật ý nghĩa, là lời cảm ơn của thế hệ hôm nay với những hy sinh, mất mát mà các thế hệ đi trước đã cống hiến cho Tổ quốc. Là người chỉ đạo sản xuất chương trình này, Thiếu tướng - Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Công Bẩy - Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị (Bộ Công an) đã có những chia sẻ với phóng viên An ninh Thủ đô Cuối tuần.

- Phóng viên: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, những người sản xuất chương trình “Giai điệu bình yên” số 2 đã vượt qua khó khăn như thế nào, thưa Thiếu tướng?

- Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy: Dịch Covid-19 đã tác động tới mọi mặt của đời sống và làm ảnh hưởng tới từng hoạt động nhỏ nhất. Chương trình “Giai điệu bình yên” số 2 không phải là ngoại lệ. Sự thận trọng với các bước chuẩn bị kỹ càng là cần thiết để không làm lây lan dịch bệnh. Kế hoạch xây dựng chương trình chúng tôi đã có từ vài tháng trước.

Các nghệ sĩ, ê-kíp sản xuất cũng có khoảng thời gian dài tập luyện và chuẩn bị. Trong quá trình tập luyện, tất cả đều đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách và chia thành các nhóm nhỏ. Vào ngày ghi hình (22-7), dịch Covid-19 đã trở nên phức tạp ở hầu hết các tỉnh thành, tuy nhiên chương trình vẫn tiến hành như kế hoạch do được ghi hình không có khán giả. Các nghệ sĩ, khách mời và thành viên Ban Tổ chức phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARC-CoV-2 bằng kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR mới được tham gia. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm vì công tác tổ chức đã được thực hiện chu đáo, kỹ càng và đúng quy trình.

- “Vinh quang thầm lặng” sẽ có gì khác so với các chương trình tri ân khác đã từng tổ chức trước đây?

- Điểm khác biệt là việc sử dụng các sáng tác nghệ thuật mới về lực lượng CAND bên cạnh các ca khúc đã quen thuộc với khán giả. Hơi thở của cuộc sống đương đại được những người làm nghệ thuật thổi vào các ca khúc tôn vinh lực lượng CAND, mang tới cảm nhận mới mẻ, góc nhìn trẻ trung về người chiến sĩ.

Có thể kể đến ca khúc “Bài ca những anh hùng thầm lặng” của ca sĩ Hiền Anh - giải Nhất Sao Mai dòng nhạc thính phòng. Ca khúc viết về sự hy sinh của những chiến sỹ cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy được Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen trong đợt tổng kết xét chọn ca khúc tiêu biểu về đề tài CAND năm 2020, nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống lực lượng CAND. Hay ca khúc “Những bước chân tuần tra” của Trung tá, nhạc sĩ Hà Đăng Huân… Cái mới sẽ tạo điểm nhấn cần thiết để làm nên một chương trình hay và lạ ở đề tài vốn rất cần cái tâm, tình cảm của những người làm văn học nghệ thuật trong và ngoài lực lượng CAND.

- Trong khi các hoạt động văn hóa nghệ thuật bị “đóng băng”, ê-kíp sản xuất có đặt mục tiêu về sự xuất hiện của “Vinh quang thầm lặng” như một “món ăn tinh thần” trong mùa dịch?

- Trước hết, chương trình “Giai điệu bình yên” số 2 do Cục Công tác đảng và công tác chính trị phối hợ̣p với Cục Truyền thông CAND (Bộ Công an) tổ chức thự̣c hiện nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm nghệ thuật về đề tài CAND, vì an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống. Đây là hoạt động góp phần xây dự̣ng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh của cán bộ chiến sĩ CAND, tạo dự̣ng sân chơi nghệ thuật mới, góp phần đa dạng hóa các chương trình nghệ thuật giải trí trên sóng truyền hình CAND. Với sức mạnh của truyền thông, khi chương trình phát sóng trên kênh ANTV, những người dân cũng được thụ hưởng “món ăn tinh thần” trong ngày dịch.

- Bên cạnh ý nghĩa về sự tri ân, chương trình cũng là cách để người dân hiểu hơn về những đóng góp của lực lượng công an đối với quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước?

- Chương trình “Vinh quang thầm lặng” kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7-1947 / 27-7-2021), nhằm tôn vinh những anh hùng, liệt sĩ, đặc biệt là những anh hùng liệt sĩ CAND đã anh dũng hi sinh trong sự̣ nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dự̣ng, bảo vệ Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Những liệt sĩ, thương binh của lực lượng CAND nói riêng, cũng như của cả nước Việt Nam nói chung đã không tiếc máu xương tuổi trẻ đánh đuổi quân thù.

Không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình, họ vẫn phải hy sinh vì sự bình yên của nhân dân. Các anh đã để lại những vinh quang, những chiến công cho cuộc sống hôm nay sáng lạn, an bình, thịnh vượ̣ng đến với Tổ quốc Việt Nam. Tôi tin, chương trình không chỉ giúp cho các cán bộ chiến sĩ công an tự hào về truyền thống của ngành, mà những người dân cũng sẽ hiểu hơn về sự hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ.

- Cảm ơn Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy về cuộc trò chuyện!

Tin cùng chuyên mục