Nhân chứng kể lại giây phút kinh hoàng vụ giẫm đạp gần thánh địa Mecca

ANTĐ -“Hai dòng người đông khủng khiếp như hai đợt sóng ập vào nhau tắc nghẽn, không lối thoát. Hàng trăm người ngã chồng lên nhau, nhiều người dày xéo lên người khác, cố gắng chạy thoát khỏi đám đông nhưng vô ích”, một nhân chứng kể lại.

Bashaar Jamil, một tín đồ Hồi giáo đến từ London, Anh vẫn chưa hết bàng hoàng khi may mắn cùng mẹ thoát khỏi được đám đông hàng nghìn người chen lấn. Jamil nói rằng anh đã ở khu vực “ném đá ma quỷ” vào sáng sớm để cầu nguyện và rời khỏi đó 20 phút trước khi xảy ra hỗn loạn.

“Vụ việc bắt đầu xảy ra khi nhiều người muốn nhanh chóng thoát khỏi khu vực chen lấn, nhưng rõ ràng, một con đường đã bị chính quyền đóng cửa và người dân phải sử dụng chung con đường còn lại để đi vào và đi ra”, Jamil nói.

Tín đồ này cũng đổ lỗi cho chính quyền thành phố đã không đảm bảo an toàn cho những người hành hương. “Không có nhà vệ sinh cho người tàn tật, đường đi riêng cho người cao tuổi và ngay cả lối thoát hiểm cũng không có. Tôi tin rằng chính phủ Ả Rập Saudi đã thất bại trong việc này”.
Nhân chứng kể lại giây phút kinh hoàng vụ giẫm đạp gần thánh địa Mecca ảnh 1Thi thẻ người chết nằm la liệt trên mặt đường nóng bỏng

Một nhân chứng khác, ông Sharek Kader từ Bangladesh cho biết, đây là lần đầu tiên ông tham gia cuộc hành hương Hajj cùng 5 người bạn, sự việc xảy ra hôm nay khiến ông vô cùng sợ hãi.

“Tôi đã có mặt ở đó từ rất sớm nhưng đã quyết định sẽ là dòng người thứ 3 vào ném đá, thay vì chen lấn vào lớp người đầu tiên như nhiều người khác. Đó thực sự là bi kịch, nhưng các nhà chức trách đã không thể làm gì khi mọi người đổ xô vào dòng người”.

Ông Sharek cho rằng rất dễ để đổ lỗi thảm họa này cho Ả Rập Saudi nhưng trước tiên là do ý thức của người hành hương “đáng lẽ họ nên biết rõ các quy định của cuộc hành hương lớn nhất trước khi tham gia nó”.
Nhân chứng kể lại giây phút kinh hoàng vụ giẫm đạp gần thánh địa Mecca ảnh 2400 xe cứu thương và hơn 2.000 nhân viên y tế đã có mặt ở hiện trường để cứu chữa cho các nạn nhân

Sống sót từ thảm họa kinh hoàng, ông Ismail Hamba, 58 tuổi đến từ Nigeria, nhớ lại giây phút bị ngã xuống và bị hàng trăm người dẫm lên: “Thật là khủng khiếp, tôi không nghĩ là mình còn sống đến giờ phút này”, ông Ismail nói.

“Tôi đã nhìn thấy một ai đó lăn xe lăn qua một người nằm dưới đất, sau đó hàng chục người ngã xô xuống đất. Họ cố leo lên nhau chỉ để thở. Nó giống như một làn sóng khủng khiếp”, Abdullah Lotfy, 44 tuổi một công dân Ai Cập cho biết.

Sau vụ việc, nhiều người đã trở nên hoảng loạn. Ngồi giữa đám người mặc áo trắng toát, một người đàn ông Ả Rập cho hay ông hy vọng được thực hiện nghi lễ vào cuối buổi chiều 24-9 nhưng hiện giờ quá sợ hãi. 

"Tôi đã rất mệt mỏi rồi và sau vụ việc này tôi không đi được nữa. Tôi sẽ đợi đến đêm và nếu mọi việc vẫn chưa được giải quyết, tôi sẽ xem liệu có ai khác có thể làm điều đó thay tôi không", ông nói.

Hơn 700 người thiệt mạng và gần 900 người khác bị thương, con số này có thể tiếp tục tăng

Vụ việc xảy ra lúc 9 giờ sáng (theo giờ địa phương), trên giao lộ giữa hai phố 202 và 223, dẫn đến cầu Jamarat, khu Mine gần thánh địa Mecca để thực hiện nghi lễ “ném đá ma quỷ”. Tai nạn kinh hoàng này đã khiến 717 người thiệt mạng và 863 người khác bị thương. Giới chức Ả Rập Saudi nói rằng con số thương vong có thể tiếp tục tăng lên.

Sau vụ việc, có rất nhiều lý do đưa ra về nguyên nhân xảy ra thảm họa. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Ả rập Saudi Khaled al-Falih đã đổ lỗi cho những người hành hương vô kỷ luật gây ra vụ việc và nói rằng thảm kịch này sẽ không xảy ra nếu họ tuân theo các hướng dẫn.

Theo ông Khaled al-Falih, nhiều người hành hương không tuân thủ theo lịch trình mà chính quyền thành phố đã xác lập trước đó nên đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc như trên.
Nhân chứng kể lại giây phút kinh hoàng vụ giẫm đạp gần thánh địa Mecca ảnh 4Giới chức đang xác định danh tính nạn nhân 

Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Nayef đã ra lệnh điều tra nguyên nhân gây ra vụ việc, lý do vì sao các lịch trình lại không được tổ chức chặt chẽ. Giới chức nước này cũng tổ chức một cuộc họp báo ngay sau vụ việc để giải trình các cáo buộc và đổ lỗi trước đó.

Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Mansour al-Turki nói với các phóng viên rằng, vụ việc đã diễn ra khi dòng người từ hai con đường chen nhau tại cùng một thời điểm. Đa số các nạn nhân thiệt mạng vì họ đi không đúng lịch trình mà giải chức quy định.

Khi được hỏi lý do tại sao chính quyền không mở rộng các khu vực Mina và Mashar để đáp ứng nhu cầu hành hương của nhiều tín đồ hơn nữa, ông al-Turki trả lời rằng đó là điều không thể vì nguyên tắc Hồi giáo và quy định của Hajj đã xác định rõ trước đó.

Ông al-Turki cũng nói rằng nhiệt độ cao và sự mệt mỏi do mất nước của những người hành hương cũng có thể là những yếu tố dẫn đến thảm kịch. Được biết nhiệt độ ngoài trời trong khu vực lúc xảy ra thảm họa có lúc chạm ngưỡng đến 43 độ C.
Hiện tại, thi thể các nạn nhân đã được đưa về một khu vực để xác định danh tính. Giới chức tiết lộ rằng có khoảng 90 công dân Iran, 30 công dân Ai Cập và 3 ba công dân Indonesia nằm trong số những người thiệt mạng.