Nhạc sỹ Huy Tuấn: Ở Việt Nam cái gì... cũng ngược!

ANTĐ - Huy Tuấn thẳng thắn chia sẻ về công nghiệp âm nhạc tại Việt Nam, nơi mà công chúng gần như không có gì giải trí ngoài các cuộc thi hát trên truyền hình, và ca sĩ sẵn sàng phát hành allbum trên mạng cho người nghe một cách miễn phí. "Ở Việt Nam hình như cái gì nó cũng ngược so với thế giới" Huy Tuấn nói...

- Mỗi năm các cuộc thi hát trên truyền hình sẽ giới thiệu vài chục ca sỹ mới. Điều đó làm cho người ta có cảm giác, dường như đó là cỗ máy đào luyện ngôi sao. Và thị trường âm nhạc chẳng có gì đáng nói hơn thế. Anh nghĩ sao?

Mọi người đang bắt các chương trình truyền hình thực tế gánh những vai trò quá sức. Thực ra mục đích chính của các chương trình này là giải trí, làm cho hấp dẫn khán giả, chứ nó không có nhiệm vụ đẻ ra những ngôi sao hay tìm bằng được những thiên tài. Làm sao để các chương trình đó hấp dẫn trong khoảng 30 phút thôi. Còn việc tìm được tài năng như Uyên Linh, Văn Mai Hương thì đó là may mắn.

Hay "Vietnam's Got Talent", mang tên là tìm kiếm tài năng, nhưng nó không có nghĩa vụ phải đi tìm kiếm tài năng cho showbiz. Hay như chương trình "Bài hát Việt" chẳng hạn, mọi người bắt nó phải khoác một cái áo thật lớn, và quy định phải thế này hay thế khác thì mới là "Bài hát Việt", nhưng thực ra nó chỉ là những bài hát trong khuôn khổ một sân chơi thôi, nó không đại diện cho cái gì đó quá lớn.

Hay "Giọng hát Việt", cũng bị áp lực là phải đi tìm một giọng hát mà tất cả mọi người công nhận đây là một giọng hát đẳng cấp của người Việt. Thì tôi nghĩ mọi người đang bị nhầm. Thế nên các thí sinh cũng bị cuốn theo trào lưu ấy, họ nghĩ rằng những gì lung linh trong cuộc thi đó sẽ tiếp tục tỏa sáng. Nhưng đâu phải, rất nhiều người sau cuộc thi đã phải trở lại từ con số 0. Nếu ai không xác định một cách nghiêm túc, sau cuộc thi mình phải xây lại những viên gạch đầu tiên, thì sẽ rất khó khăn trong con đường tương lai. Bởi vì trong cuộc thi, bạn chỉ là một phần làm cho cuộc thi hấp dẫn. Bạn được bao nhiêu người tư vấn, giúp sức để tỏa sáng trong 5 phút. Còn thi xong, bạn chẳng còn gì cả....

Nhạc sĩ Huy Tuấn

- Sự lan tỏa của các cuộc thi khiến cho cả người nghe và người hát đều nghĩ rằng, muốn thành ca sỹ thì phải leo lên tivi và thi. Theo mắt anh, hiện tượng này có thuận chiều không?

Nếu nói xa, thì đó là do thiếu tư duy nền tảng. Chúng ta thường bị phát triển nóng nhưng chẳng có gì bền vững cả, không có gì đi từ gốc đến ngọn. Chẳng hạn như một cuộc thi hát gây hiệu ứng thì rất nhiều cuộc khác cũng ăn theo, cái tính a dua là cực kỳ lớn. Tư duy làm việc trong giới âm nhạc là rất hay ăn theo, đua nhau cạnh tranh và làm ồn ào trong chốc lát. Truyền hình thực tế đang là bức tranh sinh động nhất cho chuyện ấy. Khán giả coi đó là thứ duy nhất để giải trí, mà thực ra những phần còn lại của đời sống âm nhạc cũng èo uột, gần như chẳng có gì. Mỗi người nhìn nhận sai đi một tí, mất đi tư duy nền tảng, sẽ tất nhiên dẫn đến những hành động sai, nên nhiều bạn trẻ coi rằng phải đi thi mới nổi tiếng. Bây giờ có những hiện tượng chỉ sau một bài hát là đã được ưa chuộng săn đón. Thế nên việc chạy theo, a dua là khó tránh.

-Anh vừa nói, các show truyền hình đã nuốt trọn cả phần còn lại của thị trường âm nhạc. Hiện nay thì đúng là những show ca nhạc mang tính nghệ thuật cao để bán vé gần như đã không còn, những show tạp kỹ như "Duyên dáng Việt Nam" cũng đã cũ mòn và yếu ớt. Anh có nghĩ đó là một dấu hiệu bất thường?

Nếu nói bất thường thì hình như nghệ thuật ở Việt Nam, cái gì cũng bất thường và đi ngược với xu thế chung của thế giới. Như bạn nói các liveshow bán vé đã không còn. Bởi vì bạn nhìn đi, sắp sửa trở lại trào lưu các liveshow miễn phí trên truyền hình, như vừa rồi là show "Dấu ấn" trên VTV9. Tất cả những thứ đó là đi ngược lại với xu thế chung của thị trường biểu diễn. Bởi vì không có ai tự dưng đem đi cho không những thứ rất là thiêng liêng đối với một người ca sỹ, đó là nhu cầu được trình diễn trên sân khấu một show diễn riêng cho khán giả của mình và được bán vé.

Bởi vì việc bán vé đó, nó đảm bảo về việc thu lại vốn đầu tư, và nó nuôi dưỡng đàm mê làm nghề của các ca sỹ cho những dự án mới. Không ai lại "tình cho không biếu không" như thế, trừ khi đó là liveshow cuối cùng bạn muốn tặng cho tất cả những ai yêu mến mình. Cách đây hơn chục năm, người ta đã lên án chuyện truyền hình làm thay mọi việc của thị trường ca nhạc, hoàn toàn miễn phí. Chuyện đó giờ đang manh nha trở lại, đó là dấu hiệu không hề lạc quan một tí nào...

- Anh cũng vừa nói, truyền hình thực tế phát triển nóng và có tính a dua cao, nên những cuộc thi như Vietnam Idol đang kém sức hấp dẫn đi và phải cứu vãn bằng chiêu trò. Anh có nghĩ vậy?

Áp lực tìm ra những nhân tố sáng giá là của tất cả các cuộc thi, chứ không riêng Vietnam Idol. Tôi làm giám đốc âm nhạc cho chương trình này, tôi thấy tiêu chí của nó là gây dựng được những ước mơ của các bạn trẻ đàm mê âm nhạc. Ví dụ như trường hợp quán quân năm ngoái, Ya Suy, đó chính là hình mẫu hoàn hảo của Vietnam Idol, từ một giọng ca vô danh trở thành thần tượng của nhiều người. Còn như Uyên Linh hay Văn Mai Hương, đó lại là câu chuyện khác và không phải năm nào cũng tìm ra được những nhân tố nổi bật như vậy. Còn chiêu trò thì tôi không nghĩ tới, đôi khi nó là sự va đập trong một cuộc thi dài hơi, rồi bị thổi lên thành scandal thôi.

- Nhưng, nhìn từ thực tế, nếu The Voice hay Vietnam Idol không có scandal thì rating sẽ rất thấp, lượng phủ sóng trên mạng xã hội sẽ rất kém. Lúc này The Voice gần như đã "vét" sạch những tài năng còn lại, thì tháng 9 tới, anh và ê kíp của Vietnam Idol có sợ sẽ lại... vơ bèo gạt tép cho đủ người thi không?

Thực tế Vietnam Idol luôn diễn ra khác lạ, gây bất ngờ. Tôi không lo ngại chuyện đó. Bởi vì cái quan trọng nhất của Vietnam Idol là chất lượng âm nhạc, cái này chúng tôi tự tin. Và thêm vào nữa là chúng tôi sẽ tìm được những câu chuyện hấp dẫn, để kể cho khán giả truyền hình.

- Sau mỗi cuộc thi lại có một lứa ca sỹ mới ra đời, nhưng rồi mai một đi cũng nhanh, mà rồi không phải ai cũng gặp được những nhà sản xuất âm nhạc tốt. Rất đông các nhà sản xuất âm nhạc gắn mác nhạc sỹ ở Việt Nam đều làm để kiếm tiền, chứ không phải vì mục đích nâng đỡ cho ca sỹ. Chính vì thế, ca sỹ ném tiền vào thinh không, mà tương lai mờ mịt. Anh có nghĩ như thế?

Thực sự là muốn phát triển được, ngoài may mắn ra thì còn cần có kiến thức nền tảng, sự nhảy cảm nữa. Chúng ta cần nắm được thị trường đang cần gì và chúng ta có gì, trước khi đầu tư một khoản tiền không nhỏ để làm album hay quay MV Ca sỹ, tôi nghĩ, không phải là cuộc lăng xê hai năm rồi hái quả. Nó là một cuộc hành trình dài, rất nhiều gian khổ, cho cả ca sỹ và nhà sản xuất. Bây giờ chúng ta quá nhiều ca sỹ làng nhàng, mà thiếu đi những gương mặt có thể trở thành ngôi sao lớn...

Nhạc sĩ Huy Tuấn và ca sĩ Văn Mai Hương

- Nói như thế, anh ngầm ý rằng, Văn Mai Hương, ca sỹ mà anh đang làm nhà sản xuất cho mọi dự án âm nhạc, là gương mặt có thể trở thành sao?

Nếu ban đã nghe album mới "Mười tám +", bạn sẽ thấy Văn Mai Hương trưởng thành nhanh chóng như thế nào. Thực ra đến nay, sau Mỹ Linh, Văn Mai Hương là ca sỹ thứ hai mà tôi làm việc với tư cách là một nhà sản xuất. Hương được đào tạo bài bản, có khả năng và giọng hát tốt, thêm vào đó là tư duy âm nhạc sâu sắc. Tôi nhìn ra được ở Hương một con đường dài nên quyết định làm. Ở Hương có gì đó, như là hình ảnh về hoài bão của tôi trong đó. Với tôi, một ca sỹ không thể nào ăn xổi được, phải có tư duy và học hành. Và cô ấy sẽ lớn lên, những sản phẩm âm nhạc sẽ theo cô ấy lớn dần. Cứ như vậy, mọi thứ phải bền vững...

-Và đó cũng là lý do mà anh từ chối nhiều ca sỹ trẻ muốn nhờ anh sản xuất album?

Không phải từ chối mà không tìm được lý do thích họp để cộng tác. Ví dụ, tôi không phải là thiên tài để đẩy một ca sỹ yếu vào thị trường mà vẫn thành ngôi sao. Âm nhạc, trước hết là phải hay và có cảm xúc. Còn những yếu tố khác là phụ thêm. Không có cái đó, thì không có lý do để một sản phẩm âm nhạc xuất hiện.

- Thực ra cũng khó cho các bạn trẻ, bởi vì đôi khi một gương mặt mới với một clip đơn giản phát miễn phí trên mạng cũng có thể gây hiệu ứng. Và họ sẽ sốt ruột muốn ăn sống nuốt tươi...

Thì đúng thế. Nhưng cái gì là hiện tượng thì bạo phát bạo tàn. Tôi không tin những gì phát miễn phí mà lại tốt cả. Của rẻ là của ôi mà. Mới đây, khi album "Mười tám +" của Văn Mai Hương bị phát hành trái phép trên một số trang mạng chúng tôi đã lên tiếng. Và sau đó, động thái tích cực là các trang mạng đã gỡ hết xuống. Một số trang như Zing đã đăng bài hát dưới danh mục "bán", nghĩa là có thu phí. Tôi cho rằng điều này là tín hiệu tốt, cho thấy một thái độ tích cực. Chứ hai năm trước, khi tất cả đều miễn phí, mà tôi có làm ầm lên đi nữa, cũng chẳng ai thèm nghe đâu.

Tôi nói những điều này để trình bày rằng, nếu các bạn trẻ vẫn còn tư duy làm cho có rồi phát miễn phí chờ vận may, thì các bạn sẽ không bao giờ có được thành công. Thị trường đã dần thay đổi, thì việc đầu tư vào cá tính âm nhạc cũng như chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất. Sản phẩm tốt chắc chắn sẽ bán được. Thà bạn bán được ít mà có tiền, còn hơn lượng nghe ảo mà chẳng thu được gì hết. Và việc bán đó là cách để đo đếm và kích thích thị trường phát triển.

- Nghe anh nói có vẻ như, nhạc sỹ ở Việt Nam sắp có thể sống thực sự bằng âm nhạc?

Tôi nghĩ vậy. Như tôi 5 năm qua đã sống tốt bằng âm nhạc rồi. Bạn phải tin rằng, khi vấn đề bản quyền và thái độ của người nghe có ý thức hơn thì chúng tôi... sẽ giàu to (cười).

- Xin cảm ơn anh!

Các cuộc thi hát trên truyền hình vẫn Hút khán giả

Theo thống kê của công ty TNS, các show truyền hình tìm kiếm tài năng ca hát vẫn đang được yêu thích nhất tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 6/2013, các chương trình đạt rating (số lượng người xem) cao nhất như sau: Gương mặt thân quen (11,8%), The Voice Kids (10,5%), The Voice (9,5%), VietnanrVs Got Talent (7,6%), Cặp đôi hoàn hảo (6.9%), Vietnam Idol (6,4%). Theo đó, giá quảng cáo của các show truyền hình này cũng đạt mức kỷ lục, đỉnh cao nhất là 250 triệu/spot 30 giây. Top 5 show có biểu giá quảng cáo cao nhất: 1. The Voice Kids, 2. The Voice, 3. Vietnam's Got Talent, 4. Vietnam Project Runvvay, 5. Cặp đôi hoàn hảo...