Nhạc sỹ Dương Trường Giang: Đối thoại với chính mình

ANTD.VN - Tác giả của ca khúc “Ngày trôi về phía cũ” chia sẻ rằng anh đã đi qua thời kỳ “hoang tưởng”, nhất là khi anh vừa bước vào cuộc sống hôn nhân.

Âm nhạc là hơi thở

Dương Trường Giang được biết đến là một nhạc sĩ có chuyên môn, được đào tạo bài bản về âm nhạc. Đến giờ anh vẫn theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp và coi đó là một công việc nghiêm túc: Sản xuất, dạy học, đi diễn.... Với Giang, được làm nhạc cũng giống như hít thở, nếu không làm nhạc, Giang cũng chưa biết mình sẽ làm gì.

Cách đây vài năm, khi Giang đạt được cú bật với “Phố không mùa”, rất nhiều đơn vị kinh doanh nhạc chuông nhạc chờ ngỏ lời muốn mua lại bài hát đó nhưng Giang đã thẳng thừng từ chối. “Khi đó tôi không nghĩ đến chuyện mua bán âm nhạc của mình. Với tôi, viết nhạc là để thỏa mãn, không phải để kinh doanh. Tôi từng cười khẩy những người viết nhạc chỉ vì tiền. Đến giờ mới nhận ra là mình thật ấu trĩ”.

Để có đủ can đảm nhìn vào chính những xấu xí và nông nổi của mình, Dương Trường Giang đã phải trả giá bằng những tháng ngày  vô nghĩa. Anh bị khủng hoảng tâm lý gần 1 năm sau khi “Phố không mùa” ra đời. Nhắc lại thời gian bị rơi xuống đáy cảm xúc, Giang đã phải chạy trốn cả thế giới, thu mình lại và tự hỏi - tự trả lời những câu hỏi về cá nhân, về con đường mình đi, về những điều mình thấy, về mọi vấn đề tự thân mà chẳng có một bác sĩ tâm lí nào có thể giải đáp ... 

Thoát khỏi cái vỏ kén, Giang tìm lại mình trong âm nhạc, tất nhiên rồi! Câu chuyện trong âm nhạc của Giang, anh gọi đó là “nhạc cảm”. Từ ca từ đến giai điệu, là cách cảm nhận không gian, thời gian, cảm xúc. Mỗi ca khúc là một lời tự sự, một cuộc hội thoại của nội tâm. Album “Ngày trôi về phía cũ” chính là sự “trả bài” cho những tháng ngày Giang một  mình và tự đối thoại với chính mình. Những va chạm của tiền bạc đã khiến anh tổn thương, ít nhất trong vài năm vừa qua, cho đến khi Giang cưới vợ.

Đi qua thời kỳ hoang tưởng

Trở lại câu chuyện về cái “tôi” trong âm nhạc và câu hỏi làm âm nhạc để làm gì, Dương Trường Giang không ngần ngại bày tỏ quan điểm: “Sau thành công của “Phố không mùa” tôi đã từng rất hoang tưởng về bản thân, nghĩ mình là một cái gì đó rất oách. Sự hoang tưởng đó kéo dài một thời gian thì tôi bắt đầu rơi xuống hố, trong lúc lọ mọ dưới hố sâu tối tăm, tôi tìm thấy chính mình. Khi đó, tôi đã “cai” được bệnh hoang tưởng. Chí ít, tôi thấy mình nhỏ bé và nên làm những điều tốt nhất có thể cho những người tôi yêu thương, trân quý. Điều đó tốt hơn nhiều với việc mình cần phải trở thành một cái gì đó to tát, vĩ đại. Tôi đã biết lượng sức mình”- Dương Trường Giang tâm sự.

“Vậy sau khi thấy mình nhỏ bé, âm nhạc của anh có khác đi không?”. Vẫn cái điệu cười tít mắt, Giang kể thêm: “Làm nhạc giờ với tôi là một công việc, không phải là một cuộc dạo chơi nữa rồi, tôi vẫn viết với tâm thức như hơi thở, nhưng giá trị của âm nhạc nếu không mang lại giá trị cho bản thân tôi thì điều đó là vô nghĩa”.

Nghệ thuật và giá trị của nghệ thuật cần phải được nhìn nhận đúng đắn, nghệ sĩ cũng phải vật lộn với cơm áo gạo tiền  bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Giang vừa cưới vợ, rồi cũng vừa sửa lại nhà, hôm trước vợ anh ngã xe máy, anh bảo phải “cày” tiền để mua cái ô tô, nếu có thêm em bé, cả nhà đi lại cho an toàn.

Nghe Giang sòng phẳng với âm nhạc và với chính mình như thế, tại một chiều thu ở cà phê Hà Nội, nhận ra rằng: Dương Trường Giang thực sự đã đi qua thời kì hoang tưởng.