Nhạc sĩ "Vệt nắng cuối trời" Phùng Tiến Minh lấn sân sang đạo diễn sân khấu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là tác giả của nhiều ca khúc phim nổi tiếng như Vệt nắng cuối trời, Con đường hạnh phúc, Đi qua bóng tối, Để mãi có nhau ... nhạc sĩ Phùng Tiến Minh còn là một diễn viên của Nhà hát Kịch Hà Nội. Mới đây, anh đã làm bất ngờ người xem, khi thể hiện sự đa tài của mình trong vai trò đạo diễn của vở kịch nói "Trương Chi-Mị Nương". 

Vở diễn Trương Chi-Mị Nương vừa có buổi ra mắt khán giả vào tối ngày 23-9 tại rạp Công nhân, số 42 Tràng Tiền, Hà Nội. Đây cũng là tác phẩm biểu diễn khai mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV - năm 2020 diễn ra vào ngày 26/09/2020.

Trương Chi-Mị Nương là một câu chuyện cổ tích Việt Nam kể về chàng Trương Chi, một ngư dân có giọng hát và tiếng sáo mê đắm lòng người nhưng dung mạo lại xấu xí. Chàng đem lòng yêu say đắm nàng Mị Nương, con gái quan Tể tướng. Mối tình ấy đã kết thúc trong khổ đau và bi thương khi chàng Trương Chi trẫm mình xuống sông tự vẫn. Trương Chi chết nhưng hồn chàng nhập vào cây bạch đàn.

Có người thợ khéo tay đã lấy khúc gỗ bạch đàn ấy, tiện thành một bộ chén trà rất đẹp dâng quan Thừa tướng. Mỵ Nương cầm lấy chén rót nước thì hình ảnh người đánh cá chèo Trương Chi hiện lên, chầm chậm xoay trong lòng chén. Tức thì tiếng hát năm xưa lại văng vẳng bên tai nàng, như nỏ non than khóc mối tình tuyệt vọng. Người con gái chạnh lòng. Một giọt nước mắt rớt xuống, chiếc chén bạch đàn vỡ tan.

Trương Chi đau đớn khi Mị Nương biết dung nhan xấu xí của mình

Trương Chi đau đớn khi Mị Nương biết dung nhan xấu xí của mình

Đây được xem là một trong những truyện cổ dân gian nổi tiếng nhất kho tàng Việt Nam, là nguồn cảm hứng cho rất nhiều lĩnh vực ca nhạc, sân khấu, kịch và phim, đa số đều theo hướng phê phán hiện thực xã hội và rất nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc.

Là đạo diễn trẻ, Phùng Tiến Minh đã lựa chọn tích truyện cổ dân gian "Trương Chi-Mị Nương" vì anh muốn xoáy sâu vào tính tự thán của cốt truyện. Mâu thuẫn xung đột lớn không chỉ ở sự phân biệt giai tầng xã hội, mà lớn hơn cả là khao khát được là chính mình. Nhưng cuối cùng giấc mơ vẫn chỉ là mơ ước. Hơn thế, tích truyện mang tính ước lệ cao, rất phù hợp với sân khấu.

Với một tích truyện cổ và có nhiều đơn vị nghệ thuật đã từng dàn dựng, vị đạo diễn này đã sử dụng yếu tố hiện đại để đem lại cái mới cho vở diễn. Đó là âm nhạc với các ca khúc quen thuộc cùng khán giả, là thiết kế mỹ thuật đẹp mắt, phóng khoáng, là sân khấu quay vừa đưa vào sử dụng của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Vốn là một nhạc sĩ "tay ngang", anh đã sử dụng lợi thế này để mang tới hiệu quả cho âm nhạc của vở diễn bằng chất chất lãng mạn, đậm chất thơ, sử dụng âm nhạc Ngũ Cung nhưng vẫn có hơi thở đương đại ấn tượng.

Mị Nương đã rú lên đầy kinh hoàng khi biết gương mặt của chồng chưa cưới

Mị Nương đã rú lên đầy kinh hoàng khi biết gương mặt của chồng chưa cưới

Ở vở "Trương Chi-Mị Nương", bên cạnh 2 nhân vật chính còn xuất hiện thêm nhân vật Đoàn gia (diễn viên Thiện Tùng đảm nhận) đóng vai trò xuyên suốt trong diễn tiến mối tình của Trương Chi-Mị Nương. Đoàn gia cũng thầm yêu trộm nhớ Mị Nương nên tìm mọi cách để chiếm được trái tim nàng.

Biết Trương Chi (diễn viên Ngọc Quỳnh) có dung mạo xấu xí, lúc nào cũng phải lấy khăn che một bên mặt nhưng lại được trời ban cho tiếng sáo mê hoặc lòng người, còn Mị Nương (diễn viên Thùy Dương) lại là người am hiểu cầm kỳ thi hoạ, Đoàn gia đã kết nghĩa anh em cùng Trương Chi với toan tính sẽ biến chàng thành công cụ trong cuộc chinh phục người đẹp.

Mọi việc đã diễn ra đúng như toan tính của Đoàn gia nhưng trái tim nàng Mị Nương lại chỉ thương nhớ Trương Chi. Đỉnh điểm của câu chuyện chính là quyết định của Mị Nương sẽ kết hôn với chàng Trương Chi.

Để phá đám cưới, Đoàn gia đã quyết cho Mị Nương được nhìn thấy gương mặt xấu xí của Trương Chi khi tấm khăn che mặt được tháo ra. Mị Nương đã rú lên một tiếng kinh hoàng rồi ngất lịm đi khi biết gương mặt của người chồng tương lai. Sau đó Trương Chi tự vẫn và hóa thành khúc bạch đàn. Nhưng thay vì kết thúc như câu chuyện cổ tích đầy bi lụy, kết thúc của vở lại có hậu hơn khi Trương Chi và Mị Nương tay trong tay.

Đạo diễn sân khấu Phùng Tiến Minh

Đạo diễn sân khấu Phùng Tiến Minh

Đạo diễn Phùng Tiến Minh chia sẻ, qua vở diễn Trương Chi-Mị Nương, anh và ê kíp thực hiện không chỉ muốn lên án sự khác biệt giai tầng, sự thật phũ phàng giữa lý tưởng và hiện thực. Mà qua vở diễn, anh còn muốn gửi gắm tới thế hệ khán giả trẻ, những người được sống và khẳng định bản thân, hãy vượt lên mọi chông gai, mọi trở ngại, mọi định kiến để được sống là chính mình, được khẳng định bản thân trong cuộc sống. Hãy không ngừng khát khao và vươn lên để hướng đến sự toàn mỹ.

Vở diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Quang Thắng, nghệ sĩ Ngọc Quỳnh, nghệ sĩ Thuỳ Dương, nghệ sĩ Thiện Tùng, nghệ sĩ Mạnh Kiên... và tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội trình diễn.