Nhạc sĩ Trần Tiến kể chuyện cầm 7 nghìn đưa Nguyễn Cường đi ăn sáng khắp Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đó là chia sẻ thú vị của nhạc sĩ Trần Tiến trong đêm nhạc “Thanh Tùng – Trần Tiến” diễn ra vào tối qua 27-3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đêm nhạc mở màn cho dự án âm nhạc dài hơi “Chuyện tình”.

Trên sân khấu đêm nhạc, khi chia sẻ về ca khúc “Ngẫu hứng phố”, nhạc sĩ Trần Tiến kể, bài hát được ông viết sau một lần ra Hà Nội chơi rồi gặp lại ông bạn thân – nhạc sĩ Nguyễn Cường. Lần đó, Nguyễn Cường hỏi Trần Tiến: “Sáng nay cậu thích ăn gì?” và nhận được câu trả lời: “Cái gì cũng thích!” kèm theo câu hỏi ngược lại: “Thế cậu có bao nhiêu tiền?”. Thấy Nguyễn Cường rút trong túi ra 7 nghìn đồng, Trần Tiến bảo: “Thế cậu đưa cho tôi 7 nghìn đây, để tôi ăn gì thì tôi ăn”.

Thế rồi cả hai đi ăn sáng, bắt đầu bằng việc vào hàng bánh cuốn và Trần Tiến và đủng đỉnh gọi: “Cho tôi 1 nghìn bánh cuốn”. Người bán hàng lấy làm ngạc nhiên: “Hai ông đẹp trai, cao lớn như này mà sao ăn có 1 nghìn bánh cuốn?”. Không chút ngần ngại, Trần Tiến trả lời: “Bà cứ cho 1 nghìn bánh cuốn đi, có từng này tiền thôi”. Thế là 1 nghìn bánh cuốn ấy được hai gã bạn thân chia đôi. Tiếp đến là 1 nghìn xôi chia đôi, 1 nghìn bún ốc chia đôi. Cuối cùng đến phở thì không chia đôi được. Dù thế với 7 nghìn đồng, Trần Tiến và Nguyễn Cường đã lê la đi ăn được khoảng 4,5 thứ quà Hà Nội. Ăn xong, bất giác Trần Tiến nghêu ngao hát: “Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có đắt nhất là mày thôi. Hà Nội cái gì cũng rẻ, chỉ có quý nhất tình người thôi”.

Trở lại với đêm nhạc, nhạc sĩ “Ngẫu hứng phố” bảo, anh không biết hậu bối của mình – nhạc sĩ Dương Cầm có ý gì mà chọn ca khúc này cho ông và Bằng Kiều hát với nhau. Hỏi vậy song ông tự lý giải, có lẽ đó là bài hát của người xa quê. Bằng Kiều thì ở Mỹ, còn ông lâu nay ở tít tận Vũng Tàu. Thế nên mỗi lần về Hà Nội, ông lại nhói tim, còn lúc xa thì nhớ lắm. Về phần mình, Bằng Kiều tâm sự, những ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến không chỉ là âm nhạc đơn thuần mà giống như những phận đời, ai cũng thấy mình trong đó. Riêng anh thì từ nhỏ đã nghe nhạc của ông, như món ăn tinh thần mỗi ngày. Tiết lộ về việc ngày xưa gọi nhạc sĩ Trần Tiến là “anh”, còn giờ lại gọi là “chú, Bằng Kiều tếu táo lý giải bởi vì ngày xưa nhạc sĩ Trần Tiến còn trẻ, bây giờ thấy ông lớn tuổi, già rồi nên anh đổi cách xưng hô để nghe cho đỡ buồn cười.

Cũng trong đêm nhạc làm về mình và người bạn đã mất – nhạc sĩ Thanh Tùng, Trần Tiến kể, ngày trẻ ông xem Thanh Tùng như thần tượng vì vẻ hào hoa, lịch lãm và cả tài viết nhạc của Thanh Tùng. Nhớ lại, Trần Tiến bảo, tuy ít hơn ông một tuổi nhưng Thanh Tùng có thể nói là “tuổi trẻ tài cao”. Thời cả hai gặp nhau, Trần Tiến mới chỉ là người làm công việc hậu đài, bê vác ở phía sau cánh gà sân khấu. Còn Thanh Tùng lúc đó vừa trở về nước sau khi học giao hưởng ở nước ngoài và được phân làm chỉ huy ban nhạc của đoàn ca nhạc nơi ông đang công tác.

“Tôi nhớ mãi cái áo đẹp của anh Thanh Tùng mà chắc cả Hà Nội lúc đó không ai có cái áo đẹp được như thế. Hà Nội lúc đó là những ngày bao cấp, mặc áo lính, áo nâu sờn, ít khi có được áo hoa. Tôi ngồi ngắm anh ấy như một thần tượng trẻ trung vì anh rất giỏi nhạc, thế thôi. Và chuyện qua đi, chúng tôi không gặp lại nhau nữa. – nhạc sĩ Trần Tiến bùi ngùi nhớ về người bạn nhạc quá cố.

Nhiều năm về sau, cho tới một ngày Hội Nhạc sĩ TP.HCM mời Trần Tiến và Thanh Tùng lên để làm một bữa “nhậu” chúc mừng cả hai có 2 sáng tác hay trong năm là “Chị tôi” của ông và “Một mình” của Thanh Tùng. Đó cũng là lần đầu tiên cả hai ngồi chơi với nhau một cách đúng nghĩa. Mặc dù trước đó cả hai rất quý mến nhau nhưng không thân thiết lắm vì mỗi người một công việc, lại không ở gần nhau. Dù vậy, Trần Tiến bảo ông luôn trân trọng âm nhạc của Thanh Tùng, thứ âm nhạc như chính con người của vị nhạc sĩ hào hoa này, là một điệu trưởng sang trọng. Nói thêm về điều này, Trần Tiến lý giải, trong âm nhạc có hai điệu là điệu trưởng và điệu thứ. Điệu trưởng thường là vui, hồn nhiên và điệu thứ thì buồn, cô đơn. Nghe các ca khúc mà Thanh Tùng viết, ông rất thích vì dù chất chứa nỗi buồn nhưng đó là nỗi buồn vừa ấm cúng, lại vừa mang dáng dấp của một điệu trưởng. Thanh Tùng là vậy, ông yêu rất đơn thuần và tình yêu ấy bay lên trên trời, bay lên mây xanh.

Trần Tiến tự nhận ông thì ngược lại, âm nhạc của ông là điệu thứ buồn và cô đơn. Thứ âm nhạc ấy nghe có vẻ tưng tửng, ở dưới mặt đất, bám lấy mặt đất nhưng vẫn có niềm khát vọng, cháy bỏng của một nỗi buồn. Có lẽ vì thế mà sau này khi có dịp gặp lại nhau, Thanh Tùng từng rủ ông làm một đêm nhạc chung. Lúc đó ông tếu táo nói đùa: “Tiến với Tùng, làm với nhau chỉ có túng tiến thôi”. Nghe vậy, Thanh Tùng thật thà bảo:“Ừ nhỉ, đúng đấy. Cái tên quan trọng lắm”. Thế nhưng lời hẹn đó ai ngờ cho đến hôm nay khi Thanh Tùng không còn nữa, lại trở thành hiện thực.

“Thế hệ của chúng tôi là thế hệ 4x. Tôi sinh năm 1947, anh Tùng sinh năm 1948, anh Phú Quang sinh năm 1949, rồi trên tôi là anh Nguyễn Cường sinh năm 1943, anh Phó Đức Phương sinh năm 1944, rồi anh Dương Thụ… Tất cả chúng tôi đều là 4x và chúng tôi có lẽ là những người đầu tiên khi ấy viết nhạc về chuyện tình.Và hôm nay chúng tôi rất vui khi được gặp lại bạn bè, quê hương ở đêm nhạc này. – Trần Tiến nói.

Không nhắc gì về căn bệnh mà mình đang phải chiến đấu, Trần Tiến chỉ chia sẻ ngắn gọn rằng ông vẫn khỏe.

Nhạc sĩ Trần Tiến tâm sự, cho tới bây giờ khi đã 74 tuổi rồi, ông vẫn không biết mình có bài hát gì hay nhất viết về chuyện tình yêu, vẫn nghĩ có một ngày nào đó mình có thể sẽ viết một ca khúc hay về đề tài này hoặc có thể là không bao giờ có.