Nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn luôn để dành chỗ cho vợ trong bữa ăn

ANTĐ - Nhà thiết kế Đức Hùng, người bạn thân thiết với con trai cả của nhạc sĩ Thanh Tùng và được ông quý mến như con cháu trong nhà chia sẻ, nhiều năm sau khi vợ mất, tác giả của “Giọt nắng bên thềm” vẫn để dành một chiếc ghế trống, một bát, một đĩa cho vợ trong mỗi bữa ăn.

Có mặt trong lễ viếng nhạc sĩ Thanh Tùng để tiễn biệt ông về bên kia thế giới, nhà thiết kế Đức Hùng thổ lộ anh cảm thấy mình may mắn vì được vị nhạc sĩ tài ba xem như con cháu trong gia đình. Nhớ lại, nhà thiết kế Đức Hùng kể năm 1990, anh vào TP.HCM và được nhạc sĩ Thanh Tùng ưu ái cho ở cùng nhà với mình, chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị và ý nghĩa về âm nhạc.

Sống xa Hà Nội nhưng nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn luôn dành cho mảnh đất Hà thành tình cảm trân trọng và sâu nặng, vì thế dịp Tết món quà mà nhà thiết kế Đức Hùng mang vào TP.HCM tặng ông thường là một cành đào.   Nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn luôn để dành chỗ cho vợ trong bữa ăn ảnh 1Nhạc sĩ Thanh Tùng hạnh phúc bên người bạn đời của mình trước khi bà không may qua đời vì bệnh ung thư
Cũng theo chia sẻ của nhà thiết kế Đức Hùng thì nhạc sĩ Thanh Tùng là người có tính cách rất tinh tế, sang trọng và lịch lãm, ông không bao giờ muốn hình ảnh của mình bị xấu đi trong mắt con cháu và người hâm mộ mà luôn cố gắng giữ phong độ, kể cả sau khi bị tai biến vào năm 2008 và không thể tự đi lại vận động bình thường.

Cũng bởi thế nên Đức Hùng bảo anh rất ngại đến thăm lúc nhạc sĩ Thanh Tùng bị ốm vì hiểu rất rõ tính ông là người không bao giờ muốn để người khác nhìn thấy mình ốm yếu và kém phong độ. Cũng bởi vậy nên cho tới bây giờ, hình ảnh về ông trong suy nghĩ của nhà thiết kế này vẫn là người đàn ông cực kỳ phong độ lịch lãm. 
  Nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn luôn để dành chỗ cho vợ trong bữa ăn ảnh 2Nhạc sĩ Thanh Tùng luôn dành cho vợ mối tình cảm đặc biệt, cả khi bà đã mất...

Trong ký ức của nhà thiết kế Đức Hùng thì ngay cả việc sáng tác nhạc, nhiều ca khúc được nhạc sĩ Thanh Tùng viết ở những nơi rất sang trọng. Nhà thiết kế này vẫn nhớ như in hình ảnh vị nhạc sĩ tài hoa ngồi bên ly rượu đắt tiền và viết nhạc. Ông từng nói với Đức Hùng rằng đó có lẽ là một  may mắn với mình. 

Nhà thiết kế Đức Hùng kể, khi còn sống và khỏe mạnh, nhạc sĩ Thanh Tùng từng quả quyết với anh rằng khi viết về Hà Nội, trong ca từ của bài hát ông không dùng từ “Hà Nội” nào cả, nhưng lại rất Hà Nội. Đấy là bài “Lối cũ ta về”.

Vị nhạc sĩ này cũng từng chia sẻ với Đức Hùng ý nghĩa sâu xa của bài hát “Chuyện tình của biển”. Ông phân tích, khi đã có tình yêu thì biển còn phải thức trắng và thấy trong mình có một trái tim, tất cả là lỗi tại tình yêu. Nếu như ai không hiểu thì sẽ ông sẽ kể cho nghe, không hiểu nữa thì kể tiếp, kể cho đến khi nào hiểu được tình yêu thì thôi. Ý tứ trong bài hát của ông là vậy, vô cùng tinh tế và sâu sắc. 

  Nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn luôn để dành chỗ cho vợ trong bữa ăn ảnh 3Nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn để một chiếc ghế trống, bát và đĩa dành cho vợ trong mỗi bữa ăn cả khi bà đã qua đời...

Nhạc sĩ Thanh Tùng đặt tên cho 3 người con của mình – hai trai, một gái lần lượt là Bách, Thông và Bạch Dương – tên của ba loài cây dù đứng trước bão gió vẫn kiên cường vươn lên.

Khi mẹ của các con mình không may qua đời, nhạc sĩ Thanh Tùng ở vậy một mình nuôi con. Song như là cách để nhắc các con về sự hiện hữu của mẹ mình dù bà đã sang bên kia thế giới, trong mỗi bữa ăn, ông đều chừa một ghế, một bát và một đũa là phần của bà như trước đây.

Điều này khiến nhiều người biết chuyện rất nể phục và trân quý mối tình cảm mà vị nhạc sĩ này dành cho người vợ quá cố của mình.