Nhạc sĩ Phú Quang suýt “bén duyên” nghiệp... múa!

ANTĐ - Không phải ngẫu nhiên người ta lại gán cho nhạc sĩ Phú Quang cái danh “ông vua” phổ nhạc. Cũng bởi những tình khúc “đóng đinh” với tên tuổi của ông, được biết đến nhiều nhất lại là những sáng tác do ông phổ từ thơ người khác. Ít ai biết rằng sáng tác đầu tiên của ông lại là một tác phẩm nhạc không lời và phải rất lâu sau đó ông mới thử ngồi viết… nhạc có lời. Có điều sau nhiều lần “chạm ngõ” âm nhạc bằng vài ca khúc do chính mình viết lời, ông ngậm ngùi nhận ra “chữ nghĩa mình thì ra cũng… loạn cào cào”.

“Ông vua” phổ nhạc

Phú Quang chia sẻ ông đến với âm nhạc bởi một lý do… rất buồn cười. Hồi đó người anh cả của ông cũng làm công việc liên quan đến âm nhạc. Thấy ông cũng có “máu” nghệ thuật, người anh liền “xui” ông đi thi, nhưng không phải thi nhạc mà thi... múa. Lần được người anh dắt đến trường múa thi tuyển, ông khóc như mưa. Nghĩ lại, ông bảo may mà ngày ấy mình chưa cao, người lùn một mẩu, đầu gối thì củ lạc nên sau buổi khám tuyển bị đánh trượt mà ông mừng hơn bắt được vàng. Sau lần thi trượt vào trường múa, người anh mới đồng ý dạy nhạc để ông thử thi vào trường nhạc. Và kết quả là ông đã đỗ loại xuất sắc. Lúc đó, vị nhạc sĩ tài hoa này mới 7 tuổi.

Biết làm là phải… biết chơi

Ngày trẻ Phú Quang có tiếng là ngông nghênh dù tính tình nhút nhát bởi lúc nào cũng ăn mặc bụi bặm, đầu tóc thì lại bù xù. Ai ngờ cũng bởi diện mạo bề ngoài này của ông mà nhiều người trong giới âm nhạc không mấy thiện cảm. Thế nên mới có câu chuyện vui về sáng tác suýt bị “rụng” của ông. Chẳng là năm 17 tuổi sau khi viết xong bản nhạc không lời đầu tiên dành cho đàn violoncello và piano, ông mang đến cho một người bạn làm nhạc sĩ bên Đài Tiếng nói thử nghe xem liệu có phát sóng được không. Đọc xong bản nhạc của ông, nhạc sĩ này bèn bảo: “Anh có lời khuyên chân thành là em để tác phẩm ở đây rồi về đi, chứ em mà mang đi duyệt với bộ dạng này thì chẳng bao giờ được phát đâu”.

Quả là sau đó khi đem tác phẩm này đi duyệt đều nhận được lời khen từ những thành viên trong Hội đồng. Duyệt xong xuôi, tác phẩm được đóng dấu đồng ý phát sóng, cả Hội đồng mới quay ra hỏi người nhạc sĩ kia tác phẩm này là của ai, anh này liền cười bảo: “Là của một người rất quen với các anh đấy, nó hay đến thổi kèn thu âm cho Đài, là Phú Quang chứ ai”. Lúc này mọi người ngã ngửa và mới tin vào tài sáng tác của ông. Còn ông khi biết chuyện thì cười xòa nói vui: “Em quan niệm khác mà, biết làm là phải biết chơi, không biết chơi thì sao mà làm được”.

Chọc giận “fan” của Trịnh Công Sơn

Trong giới làm nhạc thì cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong những người bạn mà Phú Quang hay nhắc đến. Phú Quang cũng là một trong số hiếm người bạo gan dám “chọc giận” những người hâm mộ của Trịnh Công Sơn. Lần mới chuyển vào TP.HCM lập nghiệp, trong một cuộc giao lưu, trước hàng nghìn khán giả ngồi ở dưới và trước mặt Trịnh Công Sơn, ông quả quyết: “Tôi không gọi Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ!”.

Rồi trong tiếng la ó phản đối dữ dội của khán giả phía dưới, ông bình tĩnh cười rồi nói tiếp: “Anh ấy không viết được cho dàn nhạc, không hòa âm phối khí được thì sao làm nhạc sĩ được. Nhưng đấy là người viết ca khúc mà tôi thích nhất và có nhiều bài hát mà tôi cảm phục nhất. Có những nhạc sĩ giỏi hơn người viết ca khúc, nhưng cũng có nhiều người viết ca khúc mà tôi kính trọng hơn cả nhạc sĩ. Anh Sơn là một người như thế!”. Nghe vậy nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang ngồi phía dưới cũng đứng dậy đồng tình: “Anh Quang nói đúng, tôi không phải nhạc sĩ mà chỉ là người viết ca khúc thôi”. Chỉ đến khi ấy, làn sóng giận dữ của những người hâm mộ mới được xoa dịu. Chuyện ấy với Phú Quang đến giờ vẫn là kỷ niệm đẹp về tình bạn của ông với cố nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh.