Nhạc sĩ Phú Quang: May là tôi có khả năng hay chán mình

ANTĐ - “Tôi đã viết như một lời tự thú chân thành cho những kỷ niệm chẳng thể nào quên, đã đến, đã đi qua cuộc đời mình với hy vọng tìm thấy cho mình sự thanh thản khi bài ca được vang lên. Những chính vào khoảnh khắc đầu tiên khi tôi nhận ra bài ca của tôi đã đến với mọi người thì cũng là lúc tôi hiểu thêm một điều: “Kẻ đã trót dấn thân vào trò chơi sáng tạo sẽ là kẻ tự hành xác mình đến cùng trong một cuộc tìm kiếm chẳng chút bình yên” .

Gặp Phú Quang độ này nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì cái sự trẻ trung của một nhạc sĩ ở tuổi 66 này. Phú Quang mặc quần jean, áo sơ mi đen, đồng hồ dây da thời trang và tóc thì đen nhánh, không thấy sợi bạc nào. Chắc là mới nhuộm! Phải nói là rất phong độ. Trông ông trẻ hơn nhiều so với hồi tôi gặp ông cách đây khoảng 5 năm. Nhiều người hỏi ông về  “bí quyết” trẻ trung thì ông bảo: bí quyết của tôi rất đơn giản là sống vì người tốt, chứ không việc gì phải sống vì những kẻ xấu. Sống lạc quan, không oán trách ai, có niềm tin vào mọi người nên rất thanh thản, cứ đặt lưng xuống là ngủ thôi!

- Ông vừa nhắc đến niềm tin, làm tôi nhớ đến nhạc phẩm đầu tay của ông khi ông bước vào con đường âm nhạc. Bản ballad “Niềm tin” viết cho violonxen – Hình như tác phẩm được bắt nguồn từ sự đổ vỡ niềm tin?

- Tôi viết tác phẩm đó khi 17 tuổi. Tôi  sáng tác tác phẩm cũng là do bức xúc quá, viết để nói những bức xúc của mình. Nhưng sau này mới hiểu là âm nhạc là phương cách hữu hiệu để xóa đi những buồn phiền. Khi mình gửi gắm nỗi buồn vào âm nhạc thì thấy nhẹ lòng.

- Vậy ông thường sáng tác vào khi nào, vào những lúc ông cảm thấy buồn ư?

- Tôi viết nhạc như một tín đồ đến nhà thờ tụng kinh. Khi còn bé tôi cứ tự hỏi tại sao người ta cứ đến nhà thờ cầu nguyện như thế này nhỉ. Giả thử xin chúa một bọc bánh thôi thì Chúa có cho không nhỉ? Làm sao mà được, nhưng mọi người vẫn cứ cầu nguyện. Đến khi tôi lớn hơn một chút thì tôi hiểu không phải khi người ta cầu nguyện như thế là để cầu xin một cái gì đó, mà chẳng có chúa nào có thể cho ngay được  nhưng việc cầu nguyện ấy là để xả ra cái bức xúc của mình, làm vơi đi những đau đớn ở trong lòng mình. Tôi viết nhạc cũng giống như là cầu nguyện, không phải để mong một cái gì đâu. Cả đời tôi cũng có được cái gì đâu. Nhưng tôi thấy mình được vơi  đi những nỗi buồn. Và nếu có cái được lớn nhất là tôi được sự yêu mến của mọi người.

- Đêm nhạc lần này của ông mang tên “Chuyện đời tôi - bây giờ mới kể”. Ông kể chuyện gì vậy? Cuộc đời ấy  được bắt đầu như thế nào: từ khi 14 tuổi, đang cáu giận bị nhiều người ghét và định tự tử, hay bắt đầu từ khi bước vào con đường âm nhạc, với nhạc phẩm đầu tiên? 

-Chuyện đời tôi không phải tôi kể rằng tôi sinh ngày bao nhiêu, lớn lên béo tốt như thế nào. Mà nó giống như một cuốn những ghi chép lăng nhăng. Có thể có lúc đang tôi đang nghĩ về hiện tại, nhưng cũng có khi tôi viết về lúc tôi 5 tuổi, lúc tôi có trí nhớ, với lần đầu tiên có lỗi với mẹ khi bắt chước trẻ con chửi bậy. Nhưng từ những cái ghi chép lăng nhăng đó, từ những mảnh vụ đó, người ta sẽ xếp lại thành một cuộc đời.

- Và cuộc đời của nhạc sĩ Phú Quang có gì trắc trở, đổ vỡ không?

- Có đủ hết ái ố hỷ nộ. Nhưng nếu như có nhìn về một nỗi đau thì cũng chỉ là một nỗi đau quá vãng, nỗi đau đã thành sẹo rồi. Chứ chả có gì phải đau đớn vật vã cả. Đến năm 50 tuổi tôi đã hiểu ra là tất cả những điều được mất sẽ không còn gì ghê gớm. Cuộc đời của một con người cho dù không có nhiều may mắn, bất hạnh so với những người khác. Nhưng cuộc đời rất công bằng, nếu người ta cho tôi một cái này thì chắc chắn tôi sẽ mất đi một cái khác, và nếu thượng đế lấy đi của tôi một cái gì thì sẽ cho lại tôi một cái khác và luôn luôn tỷ số là hòa.

- Ông có tâm sự rằng ông  viết như một lời “tự thú chân thành”, tôi muốn hỏi ông về sự tự thú đó?

- Cái gì của tôi cũng là viết thật. Nếu tôi có viết một bài hát thì chắc chắn là nó có liên quan đến sự thật. Tôi phải nói rằng nếu bảo  tôi sáng tác kịp thời thì tôi kém nhất trong các nhạc sĩ. Tôi chưa xúc động thì tôi không thể viết được.

- Đấy là lý do ông có  ít sáng tác mới?

- Không cũng không ít lắm đâu. Khi nào tôi sắp chết đói thì mới ít sáng tác. Tôi có được bổng lộc gì đâu  nên tự tay tôi phải làm ra đồng tiền. Nhưng chỉ có điều tôi phải trả giá cho những cái được của tôi một cái giá đắt gấp năm mười lần người khác vì tôi không được ai cho không cái gì.

- Không bổng lộc, và chính ông cũng thừa nhận “dấn thân vào trò chơi sáng tạo là kẻ tự hành xác mình đến cùng trong một cuộc tìm kiếm chẳng chút bình yên”, vậy sao ông vẫn cứ dấn thân, vẫn cứ kiếm tìm và vẫn cứ hành xác mình, vì điều gì?

- Hành xác nhưng đó làm niềm vui. Trong đau đớn thì phải tìm thấy niềm vui. Chẳng hạn tôi muốn làm chương trình này, làm gì có chuyện cứ kê cao gối ngủ gáy khò khò, mà tôi phải nghĩ rất nhiều. Tôi là người đầu tiên làm chương trình kiểu này ở Việt Nam. 20 năm nay, năm nào cũng có 2 chương trình. Phải nghĩ làm sao cho chương trình hút được người xem?

- Kể ra ông cũng có cái tài làm mới mình, các đêm nhạc của Phú Quang thường không có nhiều những ca khúc mới, nhưng lần nào cũng cháy vé, ông có chiêu gì vậy?

- Thì tôi phải làm mới lên. Nếu tôi quảng cáo rùm beng chương trình của tôi hay lắm, mua vé đi xem đi mà khi đến xem họ không thể xem được, thì lần sau tôi đến mời họ, cho dù họ có quý tôi quá thì họ sẽ bảo rằng: “Nếu anh đói thì em cho anh ít tiền, chứ đừng bắt em đi xem”. Nên tôi muốn nói rằng không phải tổ chức khéo, vì cái mồm có khéo thì không được lần thứ hai. Nhiều người hỏi tôi thế tiêu chí của anh là gì? Tiêu chí của tôi là tự tát cho tôi một cái. Chứ chả so sánh với ai cả. Mình xóa hình ảnh quen thuộc đi, để làm sao người ta vẫn thấy một Phú Quang nhưng lại rất khác, rất mới. Tôi làm chương trình đã 20 năm rồi, tại sao người ta vẫn đến xem. Chứng tỏ là tôi đã làm khác, tất nhiên tôi vẫn chỉ là Phú Quang thôi. Dù có mặc comple hay cởi truồng thì vẫn là Phú Quang nhưng ngay cả khi mặc comple thì mỗi lần người ta lại thấy mình mặc khác, chứ có một bộ mà cứ mặc 20 năm nay thì người ta ngán đến tận cổ. May là tôi có khả năng hay chán mình. Tôi không ngồi rung đùi đâu. Tôi tặng ai một cái đĩa mà khi tôi đến nhà người ta vội nghe cái đĩa của tôi thì tôi phải xin họ cho tôi nghe cái khác, Tôi sợ lắm, sợ nhất điều đó. Trước khi ra một cái đĩa tôi đã phải nghe đến 100, 200 lần nên tôi sợ nghe lại.

- Thế ông không  sợ khán giả cũng có nỗi sợ như thế sao?

- May là một năm tôi làm có 2 chương trình, giỏi lắm là người ta nghe được 2 lần.  Nhiều người cứ bảo nghe cái mới như thế có nghĩa là  không bao giờ biểu diễn Mozart, Beethoven, cũng như Văn Cao, trịnh Công Sơn không bao giờ biểu diễn nữa phải không. Tôi chết rồi, lấy đâu bài mới nữa, mang nhạc của tôi hỏa táng vứt xuống sông là hết ư. Nghệ thuật nếu mà nghe 100 lần mà vẫn thích nghe thì phải ngả mũ. Nghệ thuật không có chuyện cũ hay mới mà chỉ có chuyện có hay hay không thôi. Tôi nghe Beethoven 1000 lần, tôi vẫn cứ nghe.

- Ông vừa nói, ông sống vì người tốt chứ không sống vì kẻ xấu. Chứng tỏ Phú Quang vẫn đầy người ghét đúng không?

- Tội bị ghét lớn nhất của tôi là hay nói thật. Có nhiều người rất khéo. Chẳng hạn khi tôi nhìn thấy một vết bẩn trên mặt một người, tôi nhắc họ để bỏ vết bẩn đó đi, còn với người khác thì họ khéo, họ không nói, cứ để cái mặt bẩn như thế như thế trước đám đông. Đấy mới là thằng đểu. Mà tôi cũng không quan tâm đến những người ghét mình.Phải tin vào cuộc đời chứ. Nếu nghĩ đến một kẻ xấu thì lại phải nghĩ có rất nhiều người tốt. Có nhiều người tốt với mình tại sao mình lại phải buồn phiền với những kẻ xấu. Tôi nghĩ ra cái câu nói này cũng đủ làm người ta ghét lắm rồi:“Tôi không có thì giờ dành cho kẻ xấu”. Cha mẹ vợ chồng con cái mình mình để dành cho họ còn không đang thiếu thời gian thời gian, những người bạn tốt với mình, mình còn chưa đền đáp được vậy mình dành thời gian cho những kẻ xấu làm gì. Mà kẻ xấu có muốn làm gì tôi cũng chả làm được. Muốn đánh vào tiếng tăm của tôi ư, tôi có cần tiếng đâu. Tôi vẫn nói rằng tôi không phải là người nổi tiếng mà chỉ là người tai tiếng và nhẵn mặt thôi. Tôi không phải là người cứ mở miệng ra là ca ngợi người khác nhưng tôi vẫn được nhiều người quý. Có những người rất ghét tôi nhưng đến khi tiếp xúc với tôi họ lại hỏi tôi: tại sao ông đáng yêu thế lại có nhiều người ghét ông thế nhỉ?

- Thế còn những người yêu ông thì sao?

- Số người yêu tôi đang tăng lên, tôi có rất nhiều người yêu.

- Thật chứ?

- Ừ, người yêu nhạc của tôi thôi, chứ tôi đã có vợ rồi.

- Cũng nhiều người ghét ông vì ông hay bán vé đắt đấy?Họ nói ông chỉ chọn khán giả có tiền?

- Có gì mà đắt, 5 triệu một đôi vé thời buổi này, để được nghe một đêm nhạc tử tế có gì mà đắt. Đừng nghĩ 2 triệu  là đắt vì nếu người ta thích thì vẫn rẻ. Còn nếu vé chỉ bán 2 chục nghìn thôi, nhưng xem dở thì vẫn là đắt và người ta cũng không mua vé đi xem. 

- Ông có ý định hạ giá những đêm nhạc của Phú Quang xuống không?

- Không, không bao giờ hạ giá. Vì đó là giá của giá trị, giá của nghệ thuật chứ không phải giá tiền.

-Ông đã bao giờ nghe được lời than phiền vì không có tiền mua vé nghe nhạc Phú Quang chưa?

- Có tôi  đã nghe sinh viên than thở đến hàng nghìn lần rồi. Họ bảo bọn cháu không  bao giờ đủ tiền để nghe nhạc của chú. Có một cô bé đã viết thư cho tôi: Cháu thề là cháu để dành tiền để mua vé nghe nhạc của chú. Nhưng cứ khi cháu để dành gần đủ thì giá vé của chú lại tăng lên. Làm cháu ức đến phát khóc. Tôi đã nói với cô bé ấy riêng trường hợp của cháu, chú sẽ tặng cháu 2 vé để cháu không phải khóc nữa vì chú sợ nhìn thấy người khác khóc lắm.

- Ông có hay  mời mọi người  đi nghe nhạc của mình không?

- Có chứ, tôi có mời, nhưng trước khi mời tôi phải biết họ có thích nghe nhạc của tôi không. Nếu không thì tôi đòi lại để mời người khác dù bất kể người đó là ai.

- Thế những người không có tiền, muốn nghe nhạc Phú Quang, theo ông họ phải làm thế nào?

-Tôi sẽ dành cho họ một chương trình với giá vé không thể rẻ hơn. Giá vé bằng 0. Tôi thà biểu diễn tặng khán giá chứ không hạ giá. Tôi sẽ làm cho các trường đại học mà không bán vé. Mà vẫn dàn nhạc tử tế và ca sĩ tử tế?Thế là rẻ nhất rồi còn gì. Cũng không lâu đâu, trong tháng tư này thôi. 

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!