Nhạc sĩ Phú Quang: Không còn “những dằn dỗi, mất ngủ”

ANTĐ - “Sinh năm Kỷ Sửu, tuổi con trâu nên tôi phải kéo cày, âu cũng là lẽ thường thôi!” - Nhạc sĩ Phú Quang mở đầu câu chuyện bằng một câu nói lửng lơ, khiến người đối diện nghĩ ông đang “than thân trách phận” cũng được hay nghĩ rằng ông mặc nhiên coi việc “kéo cày” trên “cánh đồng âm nhạc” không biết mệt mỏi là “nghiệp” cũng chẳng sao. Hoặc giả, chỉ đơn giản nghĩ rằng đó là lối ví von hài hước của vị nhạc sĩ xưa nay nổi tiếng dí dỏm nhưng…độc đoán!

Phú Quang đệm đàn cho ca sĩ Hồng Nhung hát trong một đêm nhạc

Cứ cống hiến đi, ắt trời thương

Cũng vào độ tháng 3, cách đây tròn 2 năm, nhạc sĩ Phú Quang phải nhập viện khi đang trong quá trình chuẩn bị cho chuỗi các đêm nhạc của ông tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. 10 năm qua, ông vui vẻ chấp nhận sống chung với căn bệnh tiểu đường cùng những biến chứng. Giờ gặp lại Phú Quang thấy sắc mặt ông hồng hào, tươi tỉnh, hỏi về bệnh tình, ông cười lớn: “Hình như là tôi được trời thương hay sao ấy. Vào viện mấy lần, lần nào bác sĩ cũng bảo chết đến nơi rồi, nhưng ra viện thì lại thấy khỏe, lại đàn được, hát được”. 

Trong giới nhạc sĩ, có lẽ Phú Quang là người chăm chỉ làm đêm nhạc nhất. Gần 10 năm trước, ông là một trong những nhạc sĩ đầu tiên “phát động phong trào”  làm liveshow. Còn nhớ khi đó, cả làng nhạc đã phát sốt lên vì giá vé tiền triệu, nhiều người bảo ông hoặc ngông cuồng hoặc kiêu ngạo, giá vé thế, ai thèm bỏ tiền ra mua. Nhưng cả 3 đêm nhạc vé đều bán hết từ trước đó cả tuần. Hỏi nhạc sĩ, lý do gì mà các đêm nhạc mang thương hiệu Phú Quang sòn sòn ra đời, ông bảo đơn giản lắm: Vì  đói! Đói thì đầu gối phải bò thôi! Lại cũng nhờ khán giả thương, ngần ấy đêm nhạc chưa có đêm nào lỗ, nếu lỗ thì tài sản hiện có của ông chỉ vừa đủ cho 2 lần khuân đồ là hết. 

Phú Quang cũng là một trong số hiếm hoi những nhạc sĩ sống được với tiền bán đĩa nhạc. Thường thì một album ra đời, 2 năm là khoảng thời gian tối đa để sống trên thị trường. Nhưng có những đĩa nhạc Phú Quang, ra đời đầu những thập niên 90 của thế kỷ trước như “Một dại khờ một tôi”,  “Trong ánh chớp số phận” hay “ Về lại phố xưa” cho đến nay vẫn được tái bản đều đều. Trước những “kỷ lục” này có nhiều người quen, đồng nghiệp hỏi bí quyết: “Sao ông làm thế nào mà khéo thế?”, rồi “Cậu tổ chức thế nào mà giỏi, lần nào cũng bán hết vé”. Ông quan niệm, trong nghệ thuật không  tồn tại chuyện khéo hay không, cũng không tồn tại cụm từ tổ chức giỏi hay không giỏi mà chỉ có câu hỏi “Làm thế nào cho hay để khán giả bỏ tiền ra mua vé” .

Tài hoa đi kèm cay đắng

Bắt đầu từ ngày 1-4 tới đây, Nhạc sĩ Phú Quang sẽ lại tái ngộ khán giả Hà Nội trong 3 đêm nhạc (20h ngày 1 đến 3-4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội) mang tên “Chuyện đời tôi… bây giờ mới kể”. Chương trình là một câu chuyện được diễn tả bằng âm nhạc, gồm những nhạc phẩm nói về chính cuộc đời của nhạc sĩ với tất cả buồn vui, được, mất, đã đến đã đi qua. “Tôi đã viết như một lời tự thú chân thành cho những kỷ niệm chẳng thể nào quên đã đến và đi qua cuộc đời mình với hy vọng tìm thấy cho mình sự thanh thản khi bài ca vang lên. Nhưng chính khoảnh khắc đầu tiên khi tôi nhận ra bài ca của tôi đã đến được với mọi người thì cũng là lúc tôi hiểu thêm một điều: Kẻ chót dấn thân vào trò chơi sáng tạo sẽ là kẻ tự hành xác mình đến cùng trong cuộc kiếm tìm chẳng chút bình yên” - Nhạc sĩ Phú Quang trải lòng. Khi được hỏi về hai từ “hành xác” ông giải thích rằng, đời ông ngọt ngào đấy mà cũng cay đắng đấy. Không có những cánh hoa hồng mềm mại, ai đó rải ra để đón bước chân ta đâu!

Cay đắng còn là bởi, sống quá nửa đời người, nổi tiếng có thừa nhưng  Phú Quang vẫn chưa được công nhận, chưa “tự dưng” được phần thưởng gì, đến một cái lốp xe thời bao cấp cũng chưa từng được nhận. Muốn mua cái gì, người bình thường chỉ mất có một đồng, với ông luôn đắt gấp 3. Ông phải trả gấp 3 thì mới mua được. “Không bi quan đâu vì đời tôi nó thế” ông cười, nụ cười vô ưu. “Lại là sự cái vui vẻ chấp nhận chăng?” - tôi hỏi lại ông. Ông bảo rằng, tôi sống chưa đủ nhiều như ông để có cái nhìn điềm tĩnh trước mọi sự vật hiện tượng. Với một người khi đã qua đỉnh dốc cuộc đời, họ sẽ có niềm tin vào chính bản thân mình, mặc nhiên chấp nhận, không còn những dằn dỗi mất ngủ. 

Trong đêm nhạc “Chuyện đời tôi… bây giờ mới kể”, khán giả sẽ có dịp nghe lại những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của Phú Quang, như “Điều giản dị”, “Đâu phải bởi mùa thu”, “Nỗi nhớ mùa đông”. “Em ơi! Hà Nội phố”. Đó cũng là dịp, Phú Quang bật mí những bí mật của cuộc đời. Với “Điều giản dị” ông từng bị nhiều người nghi ngờ, “có gì” với diễn viên Lê Khanh. Đó là lần ông viết nhạc cho phim “Có một tình yêu như thế”. Mãi mà không tìm thấy cảm xúc, nhưng rồi chỉ một lần xem Lê Khanh nhập vai, cảm xúc ùa về, và ông hoàn thành ca khúc tuyệt vời đó. Ông thanh minh, không có chuyện gì cả! Chỉ là sự rung động của một người nhạc sĩ với tác phẩm. Cuộc đời ông sáng tác tròn 300 bài hát, mỗi bài hát buộc phải yêu một cô gái, thì có lẽ thân hình ông giờ chỉ còn… da bọc xương.  Đó còn là kỷ niệm đau đớn với “Đâu phải bởi mùa thu”, vì ca khúc này mà 20 năm trước, ông bị xét lên xét xuống, người ta vạch vòi  xem ca khúc có vấn đề gì không. Viết nhạc với tôi là một cách để xả ra những buồn, vui, hờn giận, yêu thương bởi nó mang lại cho tôi sự thanh thản hơn trước những biến động của cuộc đời. Cũng từ đó mà tôi tin rằng cuộc đời vẫn còn rất nhiều người tử tế với tấm lòng nhân hậu và trái tim biết sẻ chia…” - Phú Quang đã kể về đời nhạc sĩ của mình như thế!