Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Sẵn sàng bù lỗ, chỉ sợ mất…oai!

ANTD.VN -  Sau 15 năm gần như không viết nhạc để lo chuyện của người đứng đầu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phó Đức Phương thổ lộ ông đã ở cái tuổi “khen mới thích, chê là hoảng”. Cũng ở tuổi ngoài 70, vị nhạc sĩ tài ba mới quyết định thực hiện liveshow đầu tiên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật.
  • Vụng dại nhưng cũng sâu sắc và…ghê gớm

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Sẵn sàng bù lỗ, chỉ sợ mất…oai! ảnh 1

PV: Lâu nay ông rất hiếm khi chịu xuất hiện trên truyền thống và nói về mình. Hỏi thật, ông ngại điều gì thế?

- Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Thú thực tôi không phải người nói năng khéo léo, cứ có sao nói vậy, “bung” hết cả ra, ngộ nhỡ nói ra điều gì mà bồng bột nông nổi thì lại phiền (cười).

PV: Ông cứ nghĩ vậy chứ bảo nhạc sĩ Phó Đức Phương bồng bột nông nổi e là nhiều người tưởng…nói đùa?

- Ơ thật, tưởng đùa nhưng mà sự thật là thế đấy. Nhiều người bảo tôi kỹ càng, sâu sắc và chín chắn kể cũng đúng bởi vì trong một số việc, tôi vô cùng sâu sắc, thậm chí là ghê gớm vì cứ phải ngụp lặn đào bới rất ghê, chuyện bảo vệ quyền tác giả chẳng hạn. Nhưng ngược lại tôi biết có những việc mình vẫn còn rất vụng dại và bồng bột, có khi đến chết vẫn không hết được. Thôi thì tôi nhận mình là hỗn hợp của tất cả những tính cách ấy.

PV: Nhưng mà làm việc bảo vệ quyền tác giả, nói nôm na là đòi tiền tác quyền cho các nghệ sĩ mà vụng dại ngây thơ, có lúc nào ông bị “hớ” không?

- Làm tác quyền thì phải đầy hiểu biết, chắc chắn và kỹ lưỡng chứ, hớ hênh thì nguy hiểm lắm. Về cơ bản trong suốt hơn 14 năm tôi làm công việc này, người ta vẫn thấy tôi là người thận trọng và chắc chắn. Muốn thế tôi đã phải đọc và học đủ thứ tài liệu liên quan đến lĩnh vực này. Việc khó mà, nếu tùy tiện thì sai lầm và làm thế nào được. Tới giờ tôi có thể tự tin nói dường như tôi không có sai lầm gì khi làm việc này.  

PV: Nói điều này mong ông không tự ái, nhiều người bảo thà ông cứ làm nhạc sĩ chuyên tâm vào việc sáng tác còn hơn làm công việc tác quyền liên quan đến đủ thứ tiền nong lằng nhằng. Nếu vậy, có khi ông còn cho “ra lò” khối sáng tác để đời nữa. Ông nghĩ sao về điều này?

- Cái đấy có thể lắm (cười). Tôi vẫn nhớ trong suốt 4-5 năm đầu khi tôi bắt đầu làm công việc bảo vệ quyền tác giả, rất nhiều đơn vị nghệ thuật “ruột” năm nào cũng đề nghị tôi viết nhạc, tôi đều phải cáo bận và hẹn sang năm, rồi sang năm lại lần khất xin lỗi. Trong ngần ấy thời gian tôi biết mình mất quá nhiều cơ hội để có được những tác phẩm mới chứ. Trước đấy, khi chưa lao vào tác quyền, tôi giống như người “trực chiến” trong âm nhạc, đi kiếm ăn khắp tứ xứ mà lại “bao sân” từ sân khấu đến phim ảnh rồi ca múa nhạc, mỗi năm lại viết khoảng 7-8 bài hát, chưa kể nhạc không lời. Với sự cẩn thận của tôi thì tôi tin rằng sẽ có ít nhất một nửa trong số đó tồn tại được lâu bền, rồi 1-2 ca khúc có thể trở thành bài hát đi cùng năm tháng. Tôi nhẩm tính rồi, 14 năm theo việc tác quyền, tôi có thể đã mất đi 28 bài hát đi cùng năm tháng (cười).

PV: Ông có tiếc không?

- Tiếc chứ, nhưng mà không sao, đời người mà, biết thế nào là đến cùng đâu (cười).

PV: Vậy nghĩa là ông không hối hận vì đã dừng việc sáng tác để đi làm công việc tác quyền?

­­- Dĩ nhiên là không rồi. Tôi đã từng đấu tranh với cả người thân trong gia đình, bạn bè, thậm chí xung đột dữ dội, có thể dùng hình ảnh là “tóe lửa” chỉ vì những người yêu quý và thương tôi dứt khoát phủ định chuyện tôi đi làm tác quyền, cho rằng đó là chuyện vớ vẩn và tôi hãy để cho người khác làm. Ông bạn thân quá cố của tôi – nhà văn Nguyễn Khắc Phục cũng nằm trong số đó. Tôi và ông Nguyễn Khắc Phục đã tranh luận với nhau gần nửa tiếng đồng hồ. Ông ấy cũng bảo với tôi rằng “tôi và nhiều người cần tác phẩm của ông hơn là việc ông bảo vệ quyền tác giả, đành rằng việc đó quan trọng nhưng ông hãy để người khác làm”. Sau thấy căng thẳng quá, tôi phải viện cớ: “Thôi ông Phục ơi, tử vi của tôi nó thế thì làm thế nào, số của tôi đến đoạn đấy là phải dừng sáng tác để làm việc này”. Nghe thế ông bạn tôi đành cười: “ừ nếu thế thì thôi không tranh cãi nữa”. Thật viện cớ “trốn” vào đấy để chấm dứt cuộc tranh luận chứ có biết tử vi nó như thế nào đâu.

PV: Vợ ông thì sao, cô ấy có bao giờ ý kiến với ông về chuyện này không?

- Vợ tôi “né”. Cô ấy biết tính tôi, riêng chuyện này là không thể bảo được nên tất nhiên đứng ngoài. Cô ấy từng chứng kiến tôi gay gắt thế nào để bảo vệ việc này, biết không can thiệp được nên chẳng tham gia ý kiến gì cả (cười).

PV: Ông có thấy mình là người nóng tính không?

- Không, tôi nghĩ mình kỹ tính thì đúng hơn. Tôi tự nhận mình hiền lành, quá hiền lành và ít nói là đằng khác, nhưng như các cụ vẫn nói đấy, người càng hiền lành ít nói thì càng hay “cục” tính. Tôi chả nói gì bao giờ nhưng lúc nào “bùng” cái là “nổ”.

  • Sẵn sàng bù lỗ, chỉ sợ mất…oai!

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Sẵn sàng bù lỗ, chỉ sợ mất…oai! ảnh 2

PV: Hình như  tới đây ông sẽ thực hiện liveshow riêng có đúng không, thưa nhạc sĩ?

- Đúng vậy, tôi sẽ làm liveshow “Trên đỉnh Phù Vân” vào tối 29-12 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

PV: Ở tuổi thất thập ông mới chịu có liveshow đầu tiên trong đời, có vẻ cũng hơi muộn, lý do vì sao thế?

- Tôi luôn e dè sợ hãi nên thành ra vất vả lận đận hơn các bạn mình (cười). Vì thế mà lẽ ra tôi phải làm chương trình riêng từ lâu rồi nhưng phải để đến bây giờ mới làm. Tôi muốn làm chương trình là phải hết sức kỹ càng, làm rút gan rút ruột với điều kiện tốt nhất có thể. Nhưng quan trọng là tới giờ thì thời cơ mới đến. Tôi làm có lẽ cũng vì sự thúc bách của người thân, bạn bè và những người yêu nhạc của mình. Bên cạnh đó sau gần 15 năm tạm xa âm nhạc để lao vào lĩnh vực tác quyền, tôi thấy tâm huyết của mình với âm nhạc vẫn đang nóng bỏng và “cựa quậy”. Vả lại nói thật thời gian chẳng đợi ai, mình cũng không nên để lâu quá.

PV: Ông định sẽ mời những ai hát nhạc của mình trong liveshow này?

- Tôi đã mời được những người mà tôi tin rằng họ sẽ hết lòng với nhạc Phó Đức Phương, sẽ đem lại cảm hứng, sáng tạo tốt nhất cùng tôi cống hiến cho người yêu nhạc. Đó là Thanh Lam, Tùng Dương, Tấn Minh và cả những ca sĩ chưa hát nhạc của tôi bao giờ như Bằng Kiều và Thu Phương. Với tôi, đây là một chương trình thực sự rất lớn, trong đó ngoài 5 giọng ca chính này ra còn có nhiều ban nhạc như Năm Dòng Kẻ, M4U, nhóm Tứ tửu…chưa kể 30 diễn viên múa.  

PV: Mời toàn những tên tuổi “hot” và có khả năng bán vé thế này là sáng kiến của ông hay là  ai gợi ý thế?

- Nói thật nhé, khi đã làm chương trình và bán vé thì không ai cực đoan đến mức độ cứ làm theo ý của mình mà không cần tham khảo ý kiến của người khác đâu. Ngay cả việc sáng tác cũng vậy, ai nói để thỏa mãn cái tôi cá nhân chứ tôi thì tôi sẽ viết những bài mà tôi yêu nhưng cũng có thể chia sẻ với người khác nữa. Lần này làm liveshow tôi cũng tham khảo ý kiến của rất nhiều người, trong đó có nhạc sĩ Đỗ Bảo – người chịu trách nhiệm về phần âm nhạc cho đêm diễn này.

PV: Nhìn vào êkip này là biết chi phí mà ông bỏ ra để làm liveshow này “khủng” thế nào rồi?

- Tôi rất thật thà, có sao nói vậy. Một người bạn của tôi là nhà văn Trần Thị Trường cách đây mấy hôm có lên báo nói liveshow này tôi đầu tư gần 5 tỷ đồng. Nghe xong tôi toát mồ hôi hột. Tôi hỏi thì chị ấy bảo “phải chém gió chứ cho nó...oách!”. Nói vui vậy thôi chứ trên 4 tỷ có thể gọi là gần 5 tỷ cũng chẳng ngoa (cười). Kinh phí này, tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ hỗ trợ của anh em bạn bè và các Mạnh Thường Quân, cộng thêm số tiền mà tôi dành dụm được sau nhiều năm sáng tác. Làm liveshow tôi xác định cố gắng làm sao để sau khi diễn xong không phải bán cái gì của nhà đi để bù lỗ, thật ra có rơi vào tình trạng đó thì tôi vẫn vui vẻ chấp nhận, chỉ có điều mất…oai thôi (cười).

PV: Hỏi thật, lần đầu làm mà làm hẳn một chương trình đồ sộ với chi phí “khủng” thế này, ông có tự tin rằng mình sẽ không bị lỗ không?

- Về việc này thì tôi xin kể một câu chuyện, rằng một công ty quảng cáo và giải trí nổi tiếng thấy tôi đầu tư vào chương trình này khủng khiếp quá, lúc đầu cũng định thoái lui vì lo “sập tiệm”. Sau tôi phải làm một biên bản ghi nhớ với họ rằng chương trình này là do tôi đầu tư và chịu trách nhiệm hoàn toàn về tài chính, nếu bị thâm hụt về tài chính thì mình tôi phải chịu, còn nếu dôi ra thì cùng hưởng theo tỷ lệ đóng góp. Tôi kể chuyện này để bạn thấy rằng cuộc đời muôn màu muôn vẻ còn tôi thì lúc nào cũng sẵn sàng “chết” (cười). Tôi không sợ thua, sợ mất thì tôi mới dám làm đấy chứ. Cũng may mọi người đều hết lòng với mình, như Tùng Dương cách đây mấy hôm có bảo với tôi rằng chuyện cát-sê bao nhiêu không quan trọng, tôi đưa cậu ấy bao nhiêu cũng được, nếu chương trình mà lỗ thì cậu ấy còn không lấy đồng cát-sê nào cơ mà (cười).

PV: Vậy còn chuyện…“đòi” tác quyền cho mình trong liveshow riêng lần này, ông định thế nào?

- Bình thường tác giả làm chương trình của mình thì thôi không có chuyện bản quyền gì nữa. Nhưng tôi phá lệ, tôi hỏi các bạn ở Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam VCPMC (nơi nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc- PV) xem mức tiền tác quyền cao nhất mà từ trước tới nay đơn vị nhận được từ một chương trình tổ chức ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia là bao nhiêu, các bạn ấy bảo khoảng 270 triệu đồng. Tôi quyết định dù thế nào thì cũng nộp cho VCPMC 270 triệu đồng tiền tác quyền để trung tâm giữ lại khoảng 20% theo quy định thông thường, còn bao nhiêu tôi nhận.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của nhạc sĩ!