Nhạc sĩ Hồng Đăng: Một đời lênh đênh

ANTĐ - Một loài hoa khiêm tốn nép mình trên vài con phố nhỏ, để mùa đông dâng cho đời mùi hương thoang thoảng. Loài hoa ấy hôm nay là lời nhắn nhủ của người Hà Nội gửi đến bạn bè khắp nơi.

Ai đó hát lên rất nhẹ: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em, có lẽ nào anh lại quên em”. Nhạc sĩ Hồng Đăng đã đặt vào lòng người nét nhạc lãng đãng, những câu chữ thấm đẫm yêu thương, giống như bàn tay ấm nóng của người tình đặt lên ngực ta một chiều se lạnh cuối thu. Biết bao lứa đôi đã mượn câu hát của anh nói thay lời tình tự, những nỗi đau chia ly đã vịn vào câu hát ấy để tìm về một thời hạnh phúc. Có thể người hát, người nghe không nhớ tên anh, nhưng câu hát ấy không bao giờ mờ phai, đã thành tiếng hát từ trái tim của mỗi người.Đó là niềm hạnh phúc là phần thưởng vô giá cho người sáng tác.

Với người sáng tác nhạc, làm sao không lặp lại chính mình, đó là điều khó. Phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để không giẫm lên con đường mòn. Hồng Đăng viết hàng trăm bài hát, nhưng bài nào cũng khác nhau. Từ Đường ta đi có nắng mặt trời đến Con nhện bắc cầu qua hai ngọn lúa, Dù rằng em rất xa đến Lênh đênh, Người sông Hương, Gửi một câu hát cho Tokyo đến Nỗi nhớ đêm đại dương…

Đề tài nào anh viết cũng lạ. Nhạc của anh có thơ, thơ của anh có nhạc, đẹp như giọt sương tinh khôi dưới nắng mặt trời. Anh viết về tình yêu và thân phận con người, viết về cuộc đời anh đang sống hôm nay với buồn vui, ngọt đắng. Cảm xúc ấy như một dòng suối tuôn ra từ nguồn mạch tâm hồn chảy dài vô tận. “Có một dòng sông trôi, sao tình yêu vẫn khát”, anh viết như thế trong bài “Thành phố chúng tôi lại bình yên”. 

Dân tộc ta chịu nhiều thương đau trong binh đao khói lửa, những vành khăn tang nặng trĩu trên đầu vợ trẻ, con thơ. Máu đã đổ trên đất, trên sông, trên biển để có một Việt Nam hôm nay. Hồng Đăng đã cất lên tiếng hát, để triệu triệu lớp người cùng ngân cao một tuyên ngôn về chủ quyền biển đảo của ta: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam”. Vùng biển này với những đảo khơi lớn nhỏ, mỗi con sóng ào ạt xô bờ tung bọt trắng hay dịu êm vỗ về bờ cát, đều được ông cha ta đặt tên từ ngày dựng nước. Tên ấy là nước mắt mồ hôi, là sinh mạng của nhiều thế hệ đã ngã xuống. Thế hệ chúng ta phải giữ lấy, phải giành lại bằng truyền thống ngàn đời, bằng sức mạnh của lòng quả cảm và nhân ái.

Và biển trong tâm hồn nhạc sĩ Hồng Đăng lúc nào cũng đẹp, cũng dịu dàng, cũng dào dạt như thế: “Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng. Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương. Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”.

 

Nhạc sĩ Hồng Đăng trên “Con đường âm nhạc” của ông

Hồng Đăng rất đông bạn bè, mọi người tin yêu bầu anh vào chức phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam liền ba khoá. Anh cũng là Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc nhiều năm. Ai cũng tưởng Hồng Đăng giàu lắm, phải có của ăn của để. Nhưng sự thật lại không phải vậy nhà cửa thì tuyềnh toàng ở tận chân đê. Vẫn chiếc xe máy anh đã dùng hơn chục năm qua và cả đời mơ ước có một chiếc đàn piano mà không bao giờ đủ tiền để mua. Nhưng dường như Hồng Đăng chẳng hề bận tâm về mấy chuyện đó, với anh sự giàu có không phải là tiền bạc, mà sự giàu có của anh là những ca khúc và những người bạn.

Nhạc sĩ Lê Quân quê ở Ninh Giang vào Nam lập nghiệp, anh viết nhạc, vẽ tranh, làm thơ, làm kinh tế. Có người nói với anh nhạc sĩ Hồng Đăng không có máy nghe nhạc, Lê Quân đã nhờ tôi đem tặng người nhạc sĩ tài hoa này một chiếc cassette to tướng có ổ CD. Những lần điện thoại với tôi Lê Quân thường hỏi anh Hồng Đăng có khoẻ không và cuộc sống ra sao? Tôi muốn nói với Lê Quân rằng, Hồng Đăng đang nằm viện vì những căn bệnh quái ác đã hành hạ anh suốt nhiều năm nay, nhưng tôi lại sợ rằng nói vậy, Lê Quân sẽ buồn…

Hồng Đăng xứng đáng được xã hội ưu ái thay vì những thiệt thòi mà anh đang phải chấp nhận. Có những tác phẩm của anh phải được nâng niu chăm chút, nhưng cứ bị dập vùi. Trong khi đời sống âm nhạc vẫn còn thứ đạo nhạc? Trong làng nhạc cũng chẳng hiếm gì chuyện, có người mù nhạc cứ hát lên theo bản năng, rồi nhờ ai đó ghi lại, sửa chữa những chỗ ngớ ngẩn, thế là thành tác phẩm và thế là lại có thêm một nhạc sĩ bước lên sân khấu âm nhạc.

Nghe chuyện này Hồng Đăng chỉ cười. Anh nghĩ đến âm nhạc nhiều hơn những chuyện ồn ã xô bồ đó. Trong bệnh viện, nhiều lúc Hồng Đăng tưởng như không thể gượng dậy được, những lúc ấy anh lại nghĩ về những nốt nhạc. Anh vẫn lén rời khỏi bệnh viện để trở về nhà, trở về không gian âm nhạc riêng của mình để rồi sáng hôm sau lại trở vào giường bệnh cho kịp giờ bác sĩ khám.

Yêu quý nhạc sĩ Hồng Đăng tôi chỉ có thể viết vài dòng, về con người tài hoa không được may mắn. Chuyện đời, chuyện nghề là cái mệnh của mỗi kiếp người. Anh nói với tôi phải vui để sống, sự thanh thản quý lắm…